Kỹ thuật tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm

08:03, 27/03/2020

Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Sở NN và PTNT hướng dẫn một số nội dung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

Về đối tượng tiêm phòng: Đối với đàn lợn tiêm phòng các bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng và lở mồm, long móng. Ngoài tiêm vắc xin phòng các loại bệnh trên, đối với lợn nái và lợn đực giống cần tiêm những vắc xin phòng bệnh Parvo, suyễn, tai xanh, Circo, giả dại; đối với lợn thịt tiêm vắc xin phòng bệnh E.Coli, Circo, suyễn, phó thương hàn... Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đàn gia cầm phòng các bệnh cúm gia cầm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, bệnh Gumboro, viêm gan vịt. 

Về kỹ thuật tiêm phòng: Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật tiêm và các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình tiêm phòng cho người chăn nuôi, lực lượng tham gia tiêm phòng, bao gồm: người trực tiếp tiêm, người ghi chép biểu mẫu tiêm, người bắt giữ gia súc, gia cầm khi tổ chức tiêm phòng. Cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ như: bơm, kim tiêm, bông, cồn, hộp xốp, đá lạnh bảo quản vắc xin, quần áo, ủng, khẩu trang, găng tay, thuốc sát trùng... Trước khi tiêm phải vô trùng bơm, kim tiêm bằng cách luộc sôi, để nguội; sử dụng kim lấy vắc xin riêng; mỗi ô chuồng chỉ sử dụng 1 kim tiêm, khi chuyển sang ô chuồng khác phải thay kim tiêm (tốt nhất mỗi con vật sử dụng 1 kim tiêm riêng); trong suốt quá trình tiêm, các nhóm tiêm phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch như: mặc bảo hộ, khi di chuyển sang hộ khác phải cọ rửa ủng, giầy, dép bằng xà phòng; sát trùng ủng, quần áo, hộp bảo quản vắc xin bằng thuốc sát trùng; sát trùng tay, vỏ lọ vắc xin bằng cồn 70o; vô trùng bơm, kim tiêm bằng nước sôi. Trong quá trình tiêm phải tuân thủ nguyên tắc “3 đúng”: đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng vị trí tiêm; các nhóm tiêm phải quan sát, kiểm tra cụ thể tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm. Những con vật có biểu hiện ốm, sốt hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm thì phải dừng tiêm phòng và thông báo ngay với UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi tiêm, chủ hộ phải theo dõi đàn gia súc, gia cầm trong thời gian từ 2-3 ngày, nếu có trường hợp bị phản ứng phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để được hướng dẫn biện pháp xử lý. Trước khi tiêm phải lắc đều lọ vắc xin. Đối với các loại vắc xin dạng dung dịch như: vắc xin lở mồm, long móng, tụ huyết trùng, cúm gia cầm… chỉ sử dụng trong ngày, nếu tiêm không hết phải bỏ đi. Những vắc xin dạng đông khô như: Dịch tả lợn, tai xanh, Niu-cát-xơn… phải pha bằng dung dịch pha của nhà sản xuất vắc xin và chỉ sử dụng trong vòng 2-3 giờ sau khi pha.

Đối với đàn lợn, với những cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện về bảo quản và kỹ thuật tiêm phòng thì các địa phương tổ chức cấp phát vắc xin được tỉnh hỗ trợ cho cơ sở tự tiêm; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tự tiêm được thì đăng ký với thôn, xóm để UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch; đối với tiêm phòng vắc xin dại nên tổ chức các điểm tiêm tập trung của thôn, xóm, tổ dân phố để người dân đưa chó, mèo đến tiêm. Hướng dẫn hộ chăn nuôi bổ sung vitamin, thuốc bổ vào khẩu phần ăn của vật nuôi trước, trong và sau khi tiêm để bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả tiêm phòng./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com