Những mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả ở Quỹ Nhất

07:11, 07/11/2019

Những năm gần đây, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng chú trọng năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đây là tiền đề quan trọng để thị trấn Quỹ Nhất phát huy sức mạnh nội lực thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng của anh Vũ Văn Khá, khu phố 8, thị trấn Quỹ Nhất.
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng của anh Vũ Văn Khá, khu phố 8, thị trấn Quỹ Nhất.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thị trấn Quỹ Nhất đã xây dựng kế hoạch và triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương nội đồng và chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Thị trấn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi thủy sản cho nông dân, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vận dụng, thực hành các kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất. Hiện trên địa bàn thị trấn Quỹ Nhất đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng của anh Vũ Văn Khá, khu phố 8. Năm 2015, anh Khá đầu tư 50 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà màng diện tích 200m2 để trồng rau sạch công nghệ cao. Với mô hình này, anh có thể lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho phép chủ động điều khiển độ ẩm, căn chỉnh lượng nước tự động phù hợp với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn phát triển, vừa tiết kiệm nước. Thời gian đầu, anh trồng thí điểm các loại rau ăn lá, củ, quả truyền thống xen với một số giống cây trồng mới để lựa chọn đối tượng phù hợp. Qua quá trình theo dõi, nhận thấy dưa lê Hàn Quốc là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là phát triển rất tốt trong điều kiện nhà màng, anh Khá đã nhân rộng lên 350 gốc dưa lê. Chỉ sau 1 năm rưỡi, anh đã hoàn vốn ban đầu; năm 2018, anh mở rộng diện tích trồng dưa lê Hàn Quốc lên 800m2. Hiện mỗi năm, anh Khá trồng 3 vụ dưa, mỗi vụ thu được 1,5 tấn quả. Với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi năm doanh thu từ dưa lê đạt trên 200 triệu đồng. “Trồng dưa trong nhà màng có thể chủ động về thời vụ, thời tiết nên có thể trồng quanh năm. Ngoài ra, trồng dưa trong nhà màng còn ngăn ngừa côn trùng phá hoại, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng” - anh Khá cho biết. Để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Khá đã liên kết với 4 hộ dân ở thị trấn gom ruộng để có diện tích lớn xây dựng hệ thống nhà màng với 1.800m2 trồng dưa lê Hàn Quốc. Hiện anh đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa lê Hàn Quốc do anh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện thành lập hợp tác xã để tổ chức phát triển sản xuất theo quy mô lớn và bền vững, thích ứng với cơ chế thị trường. Một mô hình hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu khác là nuôi cá chạch trong ao đất của anh Nguyễn Mạnh Hùng, khu phố 8 với quy mô 3ha mặt nước. Hệ thống sản xuất được quy hoạch có các ao nuôi cá thương phẩm, bể ương cá giống, bể gây thức ăn phù du cho cá giống theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống đến cá thương phẩm. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống tuần hoàn nước, một công trình được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Thành phố Hồ Chí Minh) giúp làm sạch nước và đảm bảo môi trường sống an toàn cho cá chạch phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi khoa học cùng công nghệ hiện đại, cá chạch sạch bệnh và phát triển nhanh. Mỗi năm anh Hùng xuất bán trên 150 tấn cá, trừ chi phí lãi khoảng 900 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập 3-6 triệu đồng/tháng. Mô hình sản xuất giống và nuôi cá chạch trong ao đất của anh Hùng được Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác ứng dụng tốt ở những chân ruộng trũng với mức chi phí đầu tư phù hợp; các địa phương có diện tích đang sản xuất lúa kém hiệu quả, nếu nằm trong quy hoạch đất cho phép chuyển đổi có thể nghiên cứu để chuyển sang nuôi cá chạch.

Ngoài 2 mô hình kể trên, hiện nay mô hình trồng 3 vụ màu/năm ở thị trấn Quỹ Nhất cũng đang cho giá trị canh tác bình quân đạt 270-300 triệu đồng/ha/năm. Đây là thành quả lớn của việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở Quỹ Nhất. Đồng chí Vũ Trọng Dương, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: UBND thị trấn đã quy hoạch chi tiết cho từng cánh đồng chuyển đổi gắn với quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách cụ thể, trong đó từng chân đất được khuyến cáo thực hiện các mô hình phù hợp cả về điều kiện canh tác và thị trường tiêu thụ, tập trung vào các cây trồng có đầu ra ổn định như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ngô và rau màu các loại. Thị trấn cũng quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp giảm bớt các khâu trung gian để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất bền vững hơn. Đến nay, thị trấn Quỹ Nhất đã chuyển đổi được trên 50ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 3 vụ màu. Nhiều hộ thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng từ trồng màu, điển hình như hộ các ông: Nguyễn Văn Hợi, Phạm Văn Hải, Phạm Văn Phong…

Các mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả là minh chứng thực tiễn gợi mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp mới để thị trấn Quỹ Nhất nghiên cứu nhân rộng, hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com