Để các doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn phát triển bền vững

08:11, 01/11/2019

Những năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại khu vực nông thôn ngày càng tăng. Đầu tư về nông thôn giúp các doanh nghiệp dễ tìm kiếm nguồn lao động, đưa hoạt động sản xuất sớm đi vào ổn định. Theo đó, nhiều lao động không phải đi xa mà vẫn tìm được việc làm ngay tại quê hương.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tạo việc làm, thu nhập cho trên 9.000 lao động nông thôn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tạo việc làm, thu nhập cho trên 9.000 lao động nông thôn.

Xã Phương Định (Trực Ninh) là một trong những địa phương có nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống song qua thời gian, nghề này dần mai một, chỉ còn một số hộ gia đình duy trì, vì vậy nhiều lao động địa phương đã rời quê lên thành phố tìm việc làm. Năm 2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam được xây dựng tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chính thức khánh thành và đi vào sản xuất, kinh doanh. Với diện tích 15ha và 8 nhà xưởng, hoạt động sản xuất chính của công ty là sản xuất, gia công giày dép. 100% từ vốn đầu tư nước ngoài, công ty đã thu hút hầu hết lao động của địa phương và các xã lân cận vào làm việc. Đồng chí Trần Tuyết Định, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Qua quá trình tìm kiếm địa bàn và thấy thị trấn Cổ Lễ và các xã lân cận có nguồn lao động dồi dào nên lãnh đạo công ty đã thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng”. Hiện công ty có trên 9.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ, chính sách được công ty thực hiện đầy đủ cho công nhân như: đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ bữa ăn ca, thưởng vào dịp lễ, tết... Chị Nguyễn Thị Miền, đội 4, xã Phương Định cho biết: “Trước đây tôi từng làm ở một số công ty với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng nhưng lại không tiết kiệm được nhiều do còn chi phí về nhà trọ, tiền đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Từ khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam mở tại địa phương, tôi quyết định về quê xin vào công ty làm việc để cuộc sống ổn định hơn, có điều kiện ở gần nhà chăm sóc gia đình và con cái. Hiện nay, tôi rất hài lòng về công việc của mình. Bình quân thu nhập mỗi tháng tôi được trên 5 triệu đồng. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ phụ cấp bữa ăn trưa, các chế độ đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, vì vậy tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với công ty”. Hay Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Dệt kim Smart Shirts Việt Nam tại xã Xuân Trung (Xuân Trường) chuyên sản xuất, gia công và cung cấp hàng dệt may, quần áo cho thị trường châu Á. Hiện tại, công ty đang sử dụng hàng nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, công ty luôn quan tâm đến quyền lợi người lao động bằng việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn lao động, thường xuyên quan tâm các chế độ về ăn ca đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, tập trung cải tiến thiết bị công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm với chất lượng cao. Nhờ vậy công ty luôn đảm bảo thu nhập người lao động đạt mức trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện nay đã quan tâm, đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động. Không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy tại các vùng nông thôn, nhiều người dân địa phương cũng năng động huy động vốn, đầu tư thành lập công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất... vừa làm giàu cho gia đình vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Tại xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng túi bằng cói, do ông Vũ Xuân Túy làm chủ. Doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm của doanh nghiệp lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Túy cho biết: “Ở vùng nông thôn, sau mỗi mùa vụ, lao động địa phương nhàn rỗi nhiều, trong đó nghề truyền thống và nguyên liệu của quê hương lại sẵn nên tôi quyết định mở cơ sở để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Hiện nay, để thu hút lực lượng lao động ở các địa phương, một số doanh nghiệp đã đề ra nhiều chế độ đãi ngộ đối với công nhân nên khi doanh nghiệp mở cơ sở sản xuất tại địa phương, rất nhiều lao động đã ở lại quê hương làm việc. Điển hình như Công ty Cổ phần May Sông Hồng mở một số xưởng may tại các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã thu hút số lượng lớn lao động các địa phương. Để đảm bảo nguồn lao động tại chỗ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên có chính sách đãi ngộ tốt, tăng phúc lợi và đưa các phúc lợi này vào thỏa ước lao động tập thể nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng tạo môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, thoải mái để họ yên tâm làm việc, không lo lắng về tiền lương và các chính sách khác; đồng thời quan tâm đến đời sống và tâm tư, nguyện vọng của họ. Với các khoản hỗ trợ thêm như xăng xe, nhà trọ, năng suất, chuyên cần… người lao động có thêm động lực làm việc, gắn bó lâu dài. 

Thời gian tới, ngoài việc quan tâm, đãi ngộ phúc lợi của doanh nghiệp, tỉnh và các cấp Công đoàn cũng cần có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và giữ chân người lao động như xây dựng nhà ở xã hội, giúp người lao động an cư, lạc nghiệp. Đây cũng là vấn đề đang được nhiều công nhân chờ đợi, mong muốn có chỗ ở ổn định để lập nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện xây dựng các thiết chế văn hóa, trung tâm sinh hoạt công cộng để người lao động có địa điểm vui chơi giải trí; chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực hơn để người lao động được tham gia sau giờ tan ca, nhằm nâng cao đời sống tinh thần để các doanh nghiệp ổn định sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com