Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vụ Bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

07:11, 04/11/2019

Huyện Vụ Bản nằm liền kề thành phố Nam Định, có hệ thống giao thông huyết mạch thủy, bộ liên hoàn, thuận tiện với 4 tuyến Quốc lộ 10, 21, 37B, 38B; tuyến đường sắt Bắc - Nam và sông Đào đi qua địa bàn. Ngoài ra, huyện còn có khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy với Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là lễ hội cấp quốc gia và có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO công nhận; một địa chỉ trong tour du lịch tâm linh của vùng. Đó là những tiềm năng, lợi thế để xây dựng huyện Vụ Bản là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh; là vùng phát triển kinh tế đa ngành, trong đó thế mạnh là phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… Để phát huy được những tiềm năng đó, huyện Vụ Bản đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được UBND tỉnh phê duyệt.

Một góc thị trấn Gôi (Vụ Bản) hôm nay.
Một góc thị trấn Gôi (Vụ Bản) hôm nay.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, huyện Vụ Bản đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 là 14,5%/năm; giai đoạn 2021-2030 là 13,3%/năm; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện Vụ Bản đạt 20%; trong đó giai đoạn đến năm 2020 huyện có 2 đô thị loại V là thị trấn Gôi và đô thị Trung Thành, giai đoạn 2021-2030 giữ nguyên 2 đô thị loại V đã có, sáp nhập 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành vào thành phố Nam Định; đến năm 2050 nâng cấp xã Hiển Khánh lên đô thị loại V. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Vụ Bản đã chủ động phân định 3 tiểu vùng không gian phát triển theo mô hình đa cực, trong đó lấy các đô thị trung tâm và vùng phát triển kinh tế làm hạt nhân phát triển không gian vùng, từ đó lan tỏa ra các khu vực xung quanh. Không gian vùng phía bắc của huyện lấy đô thị mới Hiển Khánh làm hạt nhân, phát triển lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính là tỉnh lộ 486B và các trục đường huyện để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa kết hợp với phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Không gian vùng miền trung của huyện lấy đô thị mới Trung Thành làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh bằng các trục đường chính (Quốc lộ 38B; các tỉnh lộ 485B, 486B và các trục đường huyện) là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa kết hợp phát triển thương mại - dịch vụ. Đây là khu vực có chợ Viềng xuân mùng 8 tháng Giêng hàng năm, khu du lịch sinh thái núi Ngăm, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thành Lợi, nông nghiệp sinh thái tại xã Kim Thái và có các cụm công nghiệp Quang Trung, Trung Thành, trong tương lai tiếp tục nghiên cứu xây dựng cụm công nghiệp Tân Hòa (thuộc hai xã Minh Tân, Cộng Hòa)... là những thế mạnh để phát triển. Không gian vùng phía nam của huyện lấy thị trấn Gôi làm hạt nhân phát triển qua các trục Quốc lộ 10, 37B và các trục đường huyện là vùng phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp kết hợp thương mại - dịch vụ và sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó thế mạnh của vùng là phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (Khu công nghiệp Bảo Minh và các làng nghề truyền thống ở các xã Liên Minh, Vĩnh Hào) và thương mại dịch vụ (khu di tích Phủ Dầy)... Huyện chủ trương xây dựng 2 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại thị trấn Gôi và xã Hiển Khánh với chức năng sản xuất công nghiệp (chế tạo nông cụ và phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh); thương mại (kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp, chế biến bảo quản và kho bãi)... Trong phát triển ngành Nông nghiệp, huyện chủ trương phấn đấu đến năm 2030 phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Định hướng phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế như dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, mây tre đan, sản xuất vật liệu xây dựng... Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Bảo Minh; củng cố và duy trì các làng nghề hiện có; xây dựng hạ tầng 6 cụm công nghiệp tập trung là Trung Thành, Quang Trung, Hiển Khánh, Thanh Côi, Vĩnh Hào, Tân Hòa với tổng diện tích 181,7ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Về phát triển thương mại, dịch vụ huyện chủ trương phát triển đồng bộ, rộng khắp các địa phương theo các lĩnh vực: dịch vụ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu... để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, hướng tới thị trường trong nước và nước ngoài. Hệ thống hạ tầng giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thuỷ lợi… bám sát theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch chung của toàn tỉnh. Để phục vụ định hướng trên, ngoài các giải pháp đồng bộ, trọng tâm huyện Vụ Bản tập trung phát triển toàn diện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy. Về giao thông đường bộ, huyện Vụ Bản quy hoạch xây dựng các tuyến Quốc lộ 10, 38B và tỉnh lộ 486B đảm bảo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; quy hoạch xây dựng mới tuyến tỉnh lộ 485B theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; 6 tuyến đường huyện hiện có (Chợ Lời - Đại Thắng, Cầu Mái - bờ sông Hùng Vương, Cầu Họ - Hạnh Lâm, Trình Xuyên - Bến Kĩa, Khả Chính - Bối Xuyên và B16-B17) đảm bảo tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Về hệ thống giao thông đường thủy: chỉnh trị, nạo vét luồng tuyến sông Đào đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp I (tàu có tải trọng đến 1.000 tấn ra vào); duy trì tuyến sông Sắt,sông Chanh đảm bảo tàu tải trọng đến 50 tấn ra vào; nâng cấp, cải tạo cảng xăng dầu ở bờ phải sông Đào, xã Tân Thành phục vụ trung chuyển dầu khí. Về giao thông đường sắt: xây dựng và hiện đại hóa các ga Gôi, Trình Xuyên; quy hoạch mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/giờ, có thể nâng lên tốc độ 350 km/giờ trong tương lai; quy hoạch xây dựng mới tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh quy mô đường đơn cấp 1, khổ 1.435mm và cầu đường sắt trên sông Đào.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vụ Bản là cơ sở để huyện và các xã, thị trấn cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hơi; hoàn thiện kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung có định hướng trên địa bàn huyện. Việc thực hiện nghiêm quy hoạch đảm bảo cho việc phát triển kinh tế đúng hướng với những mũi nhọn: công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp sinh thái hài hòa, bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com