Đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

08:09, 04/09/2019

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường, công nghiệp sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường còn nhiều hạn chế, trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Hạ tầng đo lường của nước ta còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp Việt Nam. Trước những vướng mắc đó, ngày 10-8-2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành ưu tiên triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, giảm ngoại tệ nhập khẩu phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Kiểm định phương tiện đo điện trở tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ.
Kiểm định phương tiện đo điện trở tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ.

Hiện nay, tỉnh ta có 2 tổ chức là Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Thí nghiệm Điện Nam Định trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo theo quy định của Luật Đo lường. Đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trung tâm được giao nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về đo lường, thử nghiệm đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong giao nhận thương mại. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện hoạt động kiểm định đối chứng công tơ điện, kiểm xạ (đo liều chiếu xạ hoặc đo mức độ nhiễm bẩn phóng xạ để đánh giá, kiểm soát mức độ chiếu xạ do bức xạ hoặc chất phóng xạ gây ra) tại cơ sở X-quang; kiểm soát phương tiện đo tại các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh xăng dầu, vàng bạc. Hiện Trung tâm đang đẩy mạnh khai thác lĩnh vực đo lường nhiệt, độ dài, áp suất phục vụ cho đo lường công nghiệp; triển khai có hiệu quả chuẩn kiểm định máy biến điện áp đo lường (TU), máy biến dòng điện đo lường (TI). Đồng thời nâng cao tiềm lực về trang thiết bị, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để mở rộng các lĩnh vực hoạt động mà thị trường đang cần như đo lường lực, an toàn lao động, hoạt động hỗ trợ xây dựng công cụ quản lý, hệ thống quản lý trong các doanh nghiệp. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIX, cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2025 phấn đấu tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm 41%; dịch vụ chiếm 35%, nông lâm ngư nghiệp chiếm 24% trong tổng GRDP; có trên 4.000 doanh nghiệp với các ngành công nghiệp, xây dựng chủ yếu như: dệt - may, sản xuất thuốc và hóa dược, cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm - đồ uống, đóng tàu, sản xuất vật liệu và các ngành phụ trợ khác… Do vậy, việc phát triển hạ tầng về đo lường trong những lĩnh vực thế mạnh, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết.

Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg, ngày 16-7-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp quy hoạch và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp cơ khí, dệt may; điện - điện tử; nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất dược liệu - thuốc chữa bệnh… Xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội đóng góp để phát triển hoạt động đo lường. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được ít nhất 10 chuẩn đo lường, chất chuẩn (là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác), phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp theo định hướng thống nhất chung từ cấp quốc gia. Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 100 lượt người tham gia hoạt động đo lường. Đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tối thiểu ở 1 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030 tối thiểu hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được 15 chuẩn đo lường, chất chuẩn, phương tiện đo các loại; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho 200 lượt người tham gia hoạt động đo lường; đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho 50 lượt doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường 2 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn.

UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động hướng dẫn các tổ chức đã được công nhận hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm xây dựng kế hoạch đầu tư nhân lực, vật lực, đào tạo để đáp ứng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường khi được ban hành. Vận động các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tham gia chương trình bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và các phòng thử nghiệm đủ điều kiện được tham gia chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và xây dựng phương pháp đo. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, chương trình, dự án đến các tổ chức, doanh nghiệp và phòng thử nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về đo lường chính xác, tầm quan trọng và lợi ích của đo lường chính xác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com