Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Hùng tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương

07:08, 19/08/2019

Trải qua 23 năm hoạt động, Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Hùng (Trực Ninh) đã trở thành địa chỉ tín dụng tin cậy của người dân địa phương trong vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại quê hương.

Đồng chí Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ cho biết: “Những năm qua, Quỹ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, duy trì hoạt động theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh tỉnh và của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ban, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn”. Trên cơ sở nắm bắt kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các xã, Quỹ đã từng bước xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động phù hợp, bảo đảm phát triển tín dụng an toàn, bền vững trên địa bàn xã Trực Hùng và Thị trấn Ninh Cường. Trong đó, tập trung cho vay đầu tư phát triển các ngành nghề chính của địa phương như sản xuất vật liệu xây dựng, kéo sợi PE, đóng tàu vận tải thuỷ và thương mại dịch vụ... Quỹ cũng có kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị, hệ thống máy tính để nâng cao điều kiện và tạo không gian làm việc thân thiện, thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, đồng thời đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô hoạt động của đơn vị, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch của các thành viên.

Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Hùng thẩm định dự án vay vốn sản xuất than sinh học tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Minh Tuyết, xã Trực Hùng.
Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Hùng thẩm định dự án vay vốn sản xuất than sinh học tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Minh Tuyết, xã Trực Hùng.

Cùng với kiện toàn bộ máy tổ chức, Quỹ còn chú trọng quán triệt nội dung các nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền về chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Quỹ; đề ra các chỉ tiêu huy động vốn và cho vay đối với các thành viên quỹ và nhân dân địa phương bảo đảm an toàn, hiệu quả và bền vững. Hàng tháng, Quỹ duy trì họp giao ban và có chương trình làm việc cụ thể với các tổ chức đoàn thể địa phương: Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, các thôn, xóm để phổ biến về các hoạt động của Quỹ; có cơ chế khuyến khích, động viên các thành viên vay vốn chấp hành tốt các quy định của Quỹ, tăng cường thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của các thành viên và nhân dân gửi vào Quỹ. Tư vấn cho khách hàng hiểu và sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Để tăng huy động tiền gửi trong dân tạo nguồn lực tại chỗ để cho vay, thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã và các hội nghị giao ban, Quỹ đã thường xuyên thông báo rộng rãi mức lãi suất huy động tiền gửi, đơn giản thủ tục, đảm bảo quy định về bảo mật thông tin khách hàng… Từ 16-7-2019, Quỹ đã tiến hành giảm lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên xuống còn 0,6%/tháng, cho vay trung hạn phát triển ngành nghề dịch vụ còn 0,95%/tháng. Nhằm nâng cao uy tín đối với khách hàng, Quỹ chú trọng điều chỉnh thái độ phục vụ và tác phong chuyên nghiệp, thân thiện của cán bộ, nhân viên khi giao dịch; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền mặt để thanh toán kịp thời tiền gốc, tiền lãi khi khách hàng có nhu cầu. Nhờ đó, Quỹ luôn thu hút được số đông khách hàng tham gia gửi tiền. Đến nay, tổng số thành viên tham gia Quỹ là 1.609 thành viên, tăng 15 thành viên so với đầu năm 2019. Tính đến 31-7-2019, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ là 151 tỷ 287 triệu đồng, dư nợ cho vay là 138 tỷ 220 triệu đồng. Trong đó, cơ cấu dư nợ ngắn hạn là 112 tỷ 870 triệu đồng; trung và dài hạn là 25 tỷ 350 triệu đồng. Vốn huy động tiền gửi tiết kiệm là 115 tỷ 515 triệu đồng. Hầu hết các thành viên vay vốn đều chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng, trả tiền gốc đúng hạn, Quỹ không có nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh. Tỷ lệ khách hàng vay vốn trên 100 triệu đồng trở lên chiếm 70% cơ cấu khách hàng. Nhiều khách hàng uy tín lâu năm của Quỹ có dư nợ hơn 900 triệu đồng như ông Nguyễn Văn Cảnh ở tổ dân phố Tân Ninh (Thị trấn Ninh Cường) chuyên kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cổ; bà Đỗ Thị Phượng ở xóm 2 (Trực Hùng) đầu tư kinh doanh vận tải đường thủy, ông Ngô Văn Dũng ở xóm 6 (Trực Hùng) đóng tàu thủy vận tải… Ngoài ra, Quỹ còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ các dự án mới tạo việc làm ổn định và thu nhập thường xuyên cho lao động địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề thương mại, dịch vụ có hiệu quả kinh tế cao. Anh Đoàn Văn Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Minh Tuyết ở xóm 5, xã Trực Hùng cho biết: “Hiện tại, Công ty đang sở hữu 3 dây chuyền sản xuất than sinh học với công suất thiết kế là 100 tấn/tháng. Công ty hiện có nhu cầu vốn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư lò đốt công nghiệp và máy móc, thiết bị cẩu nâng mới. Chắc chắn, Quỹ tín dụng nhân dân Trực Hùng sẽ là địa chỉ đầu tiên tôi tìm đến để vay vốn”. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện tại, sản phẩm than sinh học từ mùn cưa của Công ty đã dần được tin dùng và tiếp cận được thị trường xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a; Nhật Bản… Bình quân mỗi tháng, Công ty cung ứng ra thị trường hơn 40 tấn với 3 sản phẩm chính là than mùn cưa, than shisha, than trầm Nhật. Hiện tại, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 50 lao động trên địa bàn xã.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Hùng đang là “đòn bẩy” tạo động lực thúc đẩy kinh tế ngành nghề ở xã Trực Hùng và Thị trấn Ninh Cường phát triển, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Quỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ổn định; đáp ứng nhu cầu vay vốn nhiều hơn của khách hàng; thực hiện tốt việc huy động vốn trong dân cư, tạo nguồn cho vay. Đồng thời, tập trung hoàn thành Đề án củng cố và phát triển Quỹ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đánh giá lại thực trạng năng lực, trình độ của từng cán bộ quản trị, bố trí cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn và tìm nguồn cán bộ trẻ để đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng của Quỹ trong tương lai. Tiếp tục sửa đổi bổ sung và ban hành đầy đủ quy định nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Các tổ chức tín dụng; đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích; tăng cường thực hiện cơ chế, kiểm soát hoạt động tín dụng theo nguyên tắc phân định tính độc lập giữa bộ phận kiểm định và bộ phận xét duyệt cho vay. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com