Đồng hành với nông dân làm nông nghiệp hiện đại

05:08, 16/08/2019

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đồng hành với nông dân qua nhiều hoạt động: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân, nhất là các chủ gia trại, trang trại, giúp nông dân nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đưa vào sản xuất; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nông nghiệp...

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng xã Đại An (Vụ Bản).
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng xã Đại An (Vụ Bản).

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các Trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Từ năm 2014-2018, các cấp Hội đã tổ chức 10.235 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 918.631 lượt hội viên nông dân. Các cấp Hội còn tạo điều kiện cho người nông dân giao lưu với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ mới; từ đó tư vấn, hỗ trợ, kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, tạo điều kiện thuận lợi cho trên 200 hội viên nông dân giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Nhờ đó, trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất rau, củ, quả an toàn, mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất… Trong lĩnh vực chăn nuôi, nông dân đã đưa nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong lĩnh vực thủy sản, hội viên nông dân ở nhiều địa phương đã hình thành các vùng nuôi trồng tập trung, sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 15-20%. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 6.556ha đất trồng lúa sang phát triển các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 10 lần như: mô hình cây dược liệu ở Hải Hậu; các mô hình trồng cà chua, dưa chuột ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất rau an toàn ở Ý Yên; mô hình trồng rau an toàn của Công ty Cổ phần Ngọc Anh (Trực Ninh)… Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Viện sinh học nhiệt đới, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng chế phẩm sinh học ET sử dụng cho cây lúa, cây rau màu; hàng chục nghìn lít chế phẩm sinh học A2 dùng cho nuôi trồng thuỷ sản; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas bằng công nghệ composit cho các gia trại, trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp với công ty vi sinh, các công ty phân bón triển khai xây dựng hằng trăm mô hình sử dụng chế phẩm an toàn sinh học và phân bón. Đến nay, các mô hình đều cho kết quả tốt, góp phần tăng sức đề kháng cho cây trồng, con nuôi, giảm bệnh tật, giảm ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, góp phần gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác nuôi cá bống bớp Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) mỗi năm phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ hàng trăm tấn cá bống bớp. Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, trồng rau sạch xã Hải Hòa (Hải Hậu) hợp đồng bao tiêu trên 500 tấn cá lóc bông, hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân Thái Bình, Công ty AFB, Công ty Trường Khang triển khai sản xuất và tiêu thụ 500-700 tấn rau củ quả các loại cho nông dân mỗi năm. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho hội viên xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Điển hình như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo xuất khẩu của Hội Nông dân các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty Cường Tân hàng năm tổ chức liên kết sản xuất hàng nghìn tấn gạo. Hội Nông dân xã Hải Toàn, Hải Lộc thành lập Tổ hợp tác trồng cây đinh lăng, cây thìa canh, hợp đồng với Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Nam Dược... bao tiêu hàng trăm tấn đinh lăng, dây thìa canh tươi mỗi năm.

Năm 2018, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hình thức liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu hoa sang thị trường Nhật Bản. Các cấp Hội còn quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại; trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tại tỉnh Ninh Bình và cử 3 cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng do Ban Quản lý Dự án Google Trung ương Hội tổ chức.

Các hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiện đại đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp an toàn. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện, vai trò của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vị trí chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com