Agribank Giao Thủy nỗ lực "dẫn vốn" đến tay nông dân

08:08, 14/08/2019

Nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Giao Thủy đã thực hiện hiệu quả giải pháp cho vay qua tổ vay vốn, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, kịp thời cung ứng vốn đầu tư phát triển sản xuất giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tính đến ngày 31-7-2019, tổng nguồn vốn huy động tại Agribank Giao Thủy là 2.282 tỷ đồng, tăng 323 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 16,8%, đạt 95% kế hoạch năm. Cơ cấu nguồn vốn phân loại theo đối tượng chủ yếu là nguồn tiền gửi dân cư với 2.252 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,6% tổng nguồn vốn; còn lại là nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là 30,1 tỷ đồng, chiếm 0,2%. Tổng dư nợ tín dụng là 2.067 tỷ đồng với 11.013 khách hàng, tăng 48 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 2,4%. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 1.300 tỷ đồng với 5.699 khách hàng; dư nợ cho vay trung hạn 767 tỷ đồng với 5.189 khách hàng. Dư nợ cho vay phân theo các món vay đều tăng trưởng ổn định; trong đó cho vay nông, lâm nghiệp là 370 tỷ đồng với 3.905 khách hàng; cho vay nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản là 303 tỷ đồng với 1.129 khách hàng; cho vay thương mại và dịch vụ là 1.344,5 tỷ đồng với 5.393 khách hàng; cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình là 27,9 tỷ đồng với 530 khách hàng; cho vay theo gói tín dụng 5.000 tỷ đồng đạt 11,2 tỷ đồng với 375 khách hàng; cho vay hỗ trợ giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch là 10,6 tỷ đồng với 49 khách hàng; cho vay doanh nghiệp là 20,1 tỷ đồng với 7 doanh nghiệp. Đến nay, Agribank chi nhánh Giao Thủy đã có 4 điểm giao dịch gồm 1 trung tâm giao dịch cấp huyện tại Thị trấn Ngô Đồng và 3 phòng giao dịch đại diện đặt tại các xã: Giao Xuân, Hồng Thuận, Giao Phong, cùng hệ thống 452 tổ vay vốn trải đều khắp 22 xã, thị trấn với 100% dư nợ cho vay ủy thác qua tổ vay vốn.

Gia đình ông Phùng Văn Kiên ở xóm 5, xã Giao Hà vay vốn từ Agribank chi nhánh Giao Thủy phát triển kinh tế trang trại.
Gia đình ông Phùng Văn Kiên ở xóm 5, xã Giao Hà vay vốn từ Agribank chi nhánh Giao Thủy phát triển kinh tế trang trại.

Đồng chí Lương Quốc Toản, Giám đốc Agribank Giao Thủy khẳng định: “Thời gian qua, tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa ngân hàng với người nông dân, góp phần thúc đẩy chuyển tải dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng đến tận tay người nông dân nhanh chóng, đỡ tốn kém, kịp thời và hiệu quả nhất. Các tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài đưa các sản phẩm của Agribank Giao Thủy đến các hộ nông dân”. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong quản lý khách hàng, giảm áp lực quản lý khách hàng cho cán bộ tín dụng. Ngoài ra, tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ, chủ yếu là các xóm trưởng, có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ, hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, đảm bảo tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Mặt khác, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ có thể học hỏi, trao đổi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả vốn vay ngân hàng, đảm bảo khả năng trả nợ. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại địa bàn xã. Ông Phùng Văn Kiên, xóm 5, xã Giao Hà cho biết: “Agribank Giao Thủy luôn là địa chỉ tin cậy suốt 10 năm qua của gia đình mỗi khi cần vay vốn. Hiện tại, dư nợ của gia đình tại ngân hàng là 700 triệu đồng. Thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh, chính xác; vì thế chúng tôi luôn lựa chọn ngân hàng là ưu tiên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”. Ông Kiên chia sẻ, từ năm 2004, gia đình ông chuyển ra vùng chuyển đổi với khát khao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thời điểm ấy, diện tích khu trang trại của gia đình hơn 10ha chủ yếu là đất trũng, thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả. Để có thể khai thác sản xuất phải đầu tư cải tạo ao, đầm với chi phí không hề nhỏ. Qua tìm hiểu, ông được giới thiệu đến Agribank Giao Thủy. Ngay từ khoản vay đầu tiên, ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi vay 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, gia đình ông đã tiến hành cải tạo chuồng trại, đào 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh cá nước ngọt truyền thống; trên bờ ao, bờ vườn trồng các loại cây sanh, si cảnh và chuồng trại chăn nuôi gia cầm như vịt, ngan, ngỗng. Đến nay, doanh thu từ trang trại của ông bình quân mỗi năm đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu về từ 500-700 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế trang trại ổn định, ông còn đầu tư nuôi ngao vạng tại các xã: Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc với diện tích 20ha. Bình quân mỗi năm ông có thêm khoản thu nhập hơn 500 triệu đồng từ nuôi ngao thương phẩm. Ông Cao Văn Giáp, trưởng xóm 5 cho biết: “Tôi làm tổ trưởng tổ vay vốn tại xóm đã được hơn 10 năm nay. Hiện tại, tổ có 111 thành viên, trong đó có 45% thành viên vay vốn với số tiền trên 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi sản xuất và làm ăn rất hiệu quả. Thủ tục vay vốn tại Agribank Giao Thủy nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu của người dân nên mọi người yên tâm và ngày càng nhiều người tìm đến tổ vay vốn khi mong muốn có vốn làm ăn”. Từ vốn vay của Agribank Giao Thủy, nhiều gia đình ở xóm 5 đã có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên khá giả như hộ ông Nguyễn Văn Bằng với mô hình nuôi lợn, bò; ông Phùng Văn Sinh với mô hình nuôi gia cầm và cá. Mỗi mô hình đều đem về thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

̀ đầu năm 2019, Ngân hàng đã quán triệt chỉ đạo phân công cán bộ tín dụng phụ trách các xã, thị trấn trực tiếp hỗ trợ các tổ trưởng tổ vay vốn đảm bảo thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ cho vay, quá trình giải ngân; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn nguồn vốn vay. Trưởng phòng giao dịch các khu vực duy trì tổ chức giao ban cố định hàng tháng với tổ trưởng các tổ vay vốn; chủ động tham mưu với chính quyền các địa phương về công tác chỉ đạo liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế, đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế của địa phương. Thực hiện chỉ đạo các tổ vay vốn thu nợ, thu lãi và đôn đốc các hộ vay chấp hành nghiêm việc trả nợ tiền gốc, tiền lãi đúng quy định; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục vay vốn; thẩm định vốn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hàng tuần cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm báo cáo tiến độ công việc, mức độ hoàn thành, khoanh nợ tiềm ẩn, nợ quá hạn phát sinh để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối vốn vay. Mọi hoạt động kinh doanh tín dụng ưu đãi của Agribank Giao Thủy luôn được công khai nên tạo được sự đồng thuận giữa ngân hàng với hệ thống mạng lưới khách hàng.

Những tháng cuối năm 2019, Agribank Giao Thủy phấn đấu đạt mục tiêu tổng huy động nguồn vốn là 2.270 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 17,6%/năm; tổng dư nợ cho vay là 2.165 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,2%; số lượng khách hàng tăng 4,5%; cơ cấu dư nợ trung, dài hạn chiếm 37% tổng dư nợ. Để hoàn thành mục tiêu trên, Agribank Giao Thủy tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới tín dụng từ huyện đến các phòng giao dịch, tổ vay vốn trong việc điều tra, thẩm định, cung cấp thông tin tư vấn, giải quyết cho vay kịp thời, đúng quy trình nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng. Áp dụng linh hoạt lãi suất phù hợp với tình hình thị trường nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền, vay tiền. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ thái độ, tác phong giao tiếp, rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân, đảm bảo giao dịch chính xác, kịp thời để thu hút và mở rộng khách hàng từ dân cư. Gắn công tác tín dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ với công tác huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, tăng tỷ trọng nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi từ dân cư và nguồn tiền gửi có kỳ hạn ổn định để nâng cao tính chủ động trong sử dụng vốn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com