Nghĩa Trung phát huy lợi thế kinh tế thương mại, dịch vụ

07:08, 28/08/2019

Nằm ở trung tâm huyện, có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại, dịch vụ, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thương mại đạt gần 80%, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn trên 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng/năm.

Sản xuất chiếu cói tại gia đình anh Đỗ Tuấn Nam, xóm 9, xã Nghĩa Trung.
Sản xuất chiếu cói tại gia đình anh Đỗ Tuấn Nam, xóm 9, xã Nghĩa Trung.

Phát huy lợi thế vị trí gần trung tâm huyện, lại có nghề dệt chiếu truyền thống và chợ phiên là nơi giao thương sản phẩm chiếu cói, nón lá, nguyên phụ liệu... thu hút đông đảo người dân ở các vùng đến buôn bán. Do đó người dân xã Nghĩa Trung sớm có tư duy năng động, phát triển thương mại dịch vụ. Khi nghề dệt chiếu truyền thống bị tác động bởi thị trường cạnh tranh dần mai một, người dân trong xã nhanh chóng chuyển hướng nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt, khi huyện quan tâm tạo điều kiện tổ chức mở rộng quy mô chợ Xuân Liễu Đề hàng năm, khai thác phát huy hiệu quả việc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực trung tâm huyện đã thu hút đông đảo người làm nghề sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh đến giao lưu, trưng bày, mua bán trao đổi các loại hoa, cây cảnh. Cũng từ những phiên chợ xuân đó mà người dân Nghĩa Trung nhanh chóng nắm bắt thị trường và tìm ra hướng phát triển nghề mới kinh doanh hoa, cây cảnh. Người dân xóm 11 là những hộ tiên phong mang nghề kinh doanh hoa, cây cảnh về xã, mặc dù mới du nhập về từ hơn chục năm nay nhưng nghề kinh doanh hoa, cây cảnh đã phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ban đầu chưa có kỹ thuật trồng cây cảnh, người dân mua cây thành phẩm về bán. Quá trình mua bán, trao đổi cây giúp họ dần dà học hỏi kinh nghiệm uốn tỉa, tạo thế, tiến tới mua cây phôi về tự uốn tỉa, chăm sóc và mang cây đi khắp nơi để chào hàng. Bán cây cho khách hàng ở xa, người bán không chỉ bàn giao cây, thanh toán là xong mà sẵn sàng ở lại cùng gia chủ, chăm sóc đến khi cây ổn định hồi xanh. Sự chu đáo ấy đã nhanh chóng tạo uy tín với người chơi cây ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phụ nữ thì bán các mặt hàng nhẹ nhàng hơn như các loại cây cỏ, hoa màu, cây bon sai mi ni trang trí. Vào lúc cao điểm, toàn xã có gần 200 hộ trồng, kinh doanh cây cảnh và khoảng 30 xe ô tô có trọng tải 5-6 tấn chuyên chở cây đi bán. Phong trào làm giàu từ kinh doanh cây cảnh cũng thu hút nhiều thanh niên trong xã và đều bắt nhịp nhanh chóng. Mặc dù năm nay mới gần 40 tuổi nhưng anh Lương Văn Hưng ở xóm 8 đã được UBND huyện Nghĩa Hưng phong tặng danh hiệu “Tài năng trẻ sinh vật cảnh”. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đến nay, anh đã có vườn cây cảnh đẹp với gần 40 cây cảnh, trị giá mỗi cây hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài trồng cây cảnh, anh còn học nghề làm tranh tường, đắp tiểu cảnh nghệ thuật phối cảnh thiết kế sân, vườn sinh thái… để nâng tầm sản phẩm làng nghề. Cây cảnh trở thành cây làm giàu không chỉ của người dân xóm 11 mà còn nhanh chóng nhân ra các xóm khác với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, toàn xã có tới 70% hộ gia đình trồng cây cảnh, trong đó có khoảng 80 gia đình có thu nhập chính từ nghề trồng cây cảnh. Nhiều gia đình tiêu biểu đạt thu nhập cao từ nghề trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh như hộ các ông: Tống Văn Trang, Nguyễn Văn Nam ở xóm 11; Nguyễn Văn Trụ, Nguyễn Văn Quyền ở xóm 8; Nguyễn Văn Dương ở xóm 9… Mặc dù phát triển mạnh nhưng do địa phương nằm trong vùng quy hoạch an ninh lương thực của tỉnh, không được chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cây cảnh nên tổng diện tích trồng cây cảnh toàn xã chỉ có hơn 2ha. Nhiều gia đình đã tận dụng tối đa đất vườn tạp, bờ ao, bờ mương… để trồng hoa, cây cảnh, đây cũng là một hạn chế đối với nghề kinh doanh sinh vật cảnh của địa phương. Ngoài làng nghề trồng hoa cây cảnh, xã cũng đang khuyến khích các hộ sản xuất chiếu cói duy trì làng nghề truyền thống của địa phương và nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm phục vụ sinh hoạt và trang trí nội thất từ cói đan để duy trì làng nghề, tận dụng các lao động tuổi cao có bề dày tay nghề, kinh nghiệm khó chuyển đổi sang làm nghề khác. Để tiếp tục khai thác tiềm năng dịch vụ thương mại, xã tập trung lập và triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất và phát triển đô thị. Trong đó, đã triển khai xây dựng quy hoạch khu dân cư tập trung tại xóm 9 với diện tích trên 9ha; bổ sung điều chỉnh quy hoạch khu dân cư tập trung tại xóm 5 và tổ chức đấu thầu thành công các lô đất giãn cư tại các xóm 5, 9, 10, hình thành các tuyến phố thương mại kết nối với trục đường trung tâm thị trấn Liễu Đề để người dân phát triển kinh doanh. Đối với đất nông nghiệp, xã quy hoạch gọn vùng đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, quản trị kinh doanh và kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, cả xã có khoảng 650 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề dệt chiếu, sinh vật cảnh, chế biến gỗ, may công nghiệp, sản xuất cơ khí, kinh doanh dịch vụ ăn uống…, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã hàng năm đạt gần 100 tỷ đồng.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân trong việc mở rộng sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ thương mại đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã Nghĩa Trung những năm qua đạt 8%/năm; năm 2019, xã phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển mạnh góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, thực hiện tốt các tiêu chí về tăng thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tạo nền tảng để xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com