Tích cực triển khai tiêm phòng vụ thu cho đàn gia súc, gia cầm

08:08, 27/08/2019

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu và sự lây lan của các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, để ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các huyện, thành phố triển khai quyết liệt kế hoạch tiêm phòng vụ thu 2019 cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, từ đầu tháng 9 đến hết mùng 10-10-2019 sẽ tiến hành tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó tại địa bàn thành phố Nam Định.
Tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó tại địa bàn thành phố Nam Định.

Vụ thu năm nay, huyện Vụ Bản xây dựng kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho 30 nghìn con gia súc, gia cầm, chó, mèo…; trong đó tiêm chính vụ 21 nghìn con và tiêm bổ sung 9.000 con. Để công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, huyện đã chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện phối hợp với hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh; hướng dẫn và vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, trong đó tiêm vắc-xin phòng bệnh là một biện pháp quan trọng. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng kiến nghị lãnh đạo huyện yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo kiên quyết trong công tác tiêm phòng, đề cao trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương nếu tỷ lệ tiêm phòng không đạt yêu cầu và đảm bảo kế hoạch đề ra... Anh Phạm Văn Vượng ở xóm 5, xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết, tự̀ chỉ đạo tích cực tuyên truyền của các cấp chính quyền đã giúp anh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với sự an toàn của đàn vật nuôi và kinh tế gia đình, vì thế, mỗi khi xã có kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm anh luôn thực hiện nghiêm túc. Anh Vượng còn khẳng định: Gia đình tôi nuôi trâu, bò đã gần chục năm nay nên đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh. Từ thực tế chăn nuôi thời gian qua, tôi rút ra kinh nghiệm là luôn phải tiêm phòng đầy đủ, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng định kỳ, mới hạn chế dịch bệnh bảo vệ đàn trâu, bò an toàn. Trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi bán 6-8 con trâu, bò, trừ chi phí thu lãi 40-50 triệu đồng...

Đồng chí Nguyễn Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng vụ thu năm 2019 được triển khai đồng loạt tại các địa phương trong toàn tỉnh từ ngày 10-9 đến 10-10-2019. Đối với đàn lợn tiêm vắc-xin lở mồm long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu; với trâu, bò tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đối với vắc-xin cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Để đợt tiêm phòng đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, Chi cục đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y thực hiện tốt các quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan; nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, chất cấm đối với chăn nuôi và sức khỏe con người; tổ chức các hội nghị tập huấn các biện pháp phòng dịch cho người chăn nuôi, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin, các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm; tiến hành tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin, trước khi triển khai tiêm phòng, Chi cục đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tập trung rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện phải tiêm phòng để lên kế hoạch mua vắc-xin đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Theo đó, vụ thu năm nay, các huyện, thành phố phấn đấu tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho khoảng 29 nghìn con trâu, bò, dê; tiêm vắc-xin phòng dại cho 95 nghìn con chó. Riêng đối với tiêm vắc-xin dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn lợn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn của tỉnh giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại chính xác số đầu lợn để xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng đảm bảo hiệu quả. Sau khi kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh. Theo quy định, các hộ chăn nuôi phải chi trả tiền công tiêm đối với các loại vắc-xin được Nhà nước hỗ trợ; trả tiền vắc-xin và công tiêm đối với những loại vắc-xin không được Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục vận động người chăn nuôi chủ động mua những loại vắc-xin không được tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng thêm cho gia súc, gia cầm của gia đình nhằm tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu cho vật nuôi.

Thời điểm cuối năm, thời tiết thường diễn biến phức tạp ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan. Xác định tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất, vì vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất cho người chăn nuôi, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu đề ra. Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ, nơi có ổ dịch cũ bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp; tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định; xây dựng công trình khí sinh học biogas để xử lý chất thải lỏng, không xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt khi người chăn nuôi bổ sung đàn, phải tiến hành tiêm bổ sung tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời./. 

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com