Agribank Nam Định tập trung cho vay đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

08:08, 23/08/2019

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nam Định (Agribank Nam Định) luôn quan tâm thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của các địa phương, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Giao Thuỷ.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Giao Thuỷ.

Đến 30-6-2019, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Nam Định đạt 16.563 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2.208 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15%, đạt 89% kế hoạch năm; trong đó, tiền gửi dân cư đạt 16.080 tỷ đồng, tăng 2.337 tỷ đồng so với đầu năm. Một số chi nhánh có nguồn tiền gửi dân cư tăng mạnh so với đầu quý là chi nhánh Nam Trực tăng 135 tỷ đồng, Trực Ninh tăng 108 tỷ đồng, Xuân Trường tăng 108 tỷ đồng, Giao Thuỷ tăng 92 tỷ đồng, Hải Hậu tăng 59 tỷ đồng, Nghĩa Hưng tăng 51 tỷ đồng… Để tăng trưởng nguồn vốn huy động trong dân cư, Agribank Nam Định tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tranh thủ chương trình tiết kiệm dự thưởng và cơ chế áp dụng lãi suất cạnh tranh có hiệu lực từ 1-7-2019 để giữ ổn định và tiếp tục tăng trưởng nguồn vốn huy động, đặc biệt là tiền gửi dân cư trong quý III và các tháng cuối năm 2019. Việc tăng huy động nguồn lực tại chỗ đã giúp Agribank Nam Định đáp ứng được nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời là cơ sở để thực hiện giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại, Ban giám đốc Agribank Nam Định đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn tỉnh chủ động áp dụng lãi suất ưu đãi thấp hơn đối với các đối tượng vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, quý II năm 2019, tổng dư nợ của toàn hệ thống Agribank tại tỉnh ta đạt 12.891 tỷ đồng, tăng 304 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 2,4%. Trong đó, tổng dư nợ cho vay riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 10.700 tỷ đồng, vay ngắn hạn chiếm 66,7%; trung hạn chiếm 33,3%. Phân theo loại hình kinh tế, dư nợ cho vay hộ sản xuất cá nhân là 11.633 tỷ đồng, chiếm 91,3% tổng dư nợ, tăng 382 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ cho vay doanh nghiệp là 1.258 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ. Có 9/10 đơn vị tăng trưởng dư nợ so với đầu quý, đạt 42% kế hoạch tăng trưởng của năm. Nhiều chi nhánh có tốc độ tăng trưởng khá như: Xuân Trường tăng 118 tỷ đồng (đạt 99% kế hoạch), Nghĩa Hưng tăng 48 tỷ đồng (đạt 74% kế hoạch); Đông Bình tăng 37 tỷ đồng (đạt 70% kế hoạch), Trực Ninh tăng 61 tỷ đồng (đạt 67% kế hoạch), Giao Thuỷ tăng 81 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch). Nợ quá hạn, lãi đọng, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng thời điểm đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân nông thôn. Theo chân cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Giao Thuỷ, chúng tôi đến tham quan trang trại ngao của anh Lê Văn Hiên tại vùng nuôi ngao Giao Lạc (Giao Thuỷ). Anh Hiên cho biết: năm 2009 anh bắt đầu hùn vốn đầu tư đầm nuôi ngao rộng 4,5ha. Lúc đó, tổng đầu tư cho mỗi ha ao, đầm phải cải tạo, nâng cấp nạo vét cộng với mua con giống cũng hơn tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn sẵn có, gia đình đã vay thêm 200 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Giao Thuỷ. Nhờ được ngân hàng cho vay kịp thời, việc nuôi ngao của gia đình thuận lợi hơn, không phải lo về vốn đầu tư. Cơ sở sản xuất ngao của gia đình anh Hiên không ngừng mở rộng sản xuất từ trong đầm đến các bãi nuôi ngao vạng ven biển. Từ mức vay 200 triệu đồng lúc khởi nghiệp, đến nay anh Hiên đã được Agribank chi nhánh Giao Thuỷ cho vay 1,8 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài 5ha đầm ương ngao giống, gia đình anh còn đầu tư hơn 16ha nuôi ngao vạng tại bãi Cồn Nổi, sông Cồn, cống Khai Sinh ở 2 xã: Giao Lạc và Giao Xuân. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu về từ 3-4 tỷ đồng từ nuôi ngao vạng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Anh Hiên chia sẻ, từ lúc khởi nghiệp đến lúc có được thành quả hiện nay, Agribank Giao Thuỷ luôn đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng gia đình tôi trải qua thăng trầm với con ngao, gia đình chúng tôi vô cùng trân trọng và cảm ơn sự giúp đỡ đó.

Cùng với việc đảm bảo vốn vay phục vụ khách hàng, thời gian qua, Agribank Nam Định chỉ đạo các chi nhánh tập trung đổi mới phong cách giao dịch nâng cao sức cạnh tranh, duy trì ổn định lượng khách hàng hiện có và tăng cường thu hút thêm khách hàng mới. Thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất huy động và cho vay, định mức tồn quỹ tiền mặt nhằm giảm tối đa các chi phí về vốn; theo dõi và báo cáo giám đốc đơn vị những diễn biến bất lợi về huy động vốn để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đối với công tác tín dụng, Agribank Nam Định yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn uỷ thác, triệt để sử dụng hết nguồn vốn tại mọi thời điểm. Tiếp tục tổ chức phân tích chất lượng tín dụng hàng tháng, chủ động kiểm soát nợ xấu, chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu hồi nợ xấu, lãi đọng, nợ đã xử lý rủi ro. Chủ động phân tích, đánh giá tình hình, nhu cầu vốn tại địa phương để thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng có chất lượng, hiệu quả theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát chất lượng các khoản vay, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay. Chỉ đạo các chi nhánh thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống các tổ vay vốn và tiết kiệm để đẩy mạnh việc cho vay qua các tổ vay vốn; đảm bảo quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng được giám sát chặt chẽ, việc đôn đốc thu hồi nợ kịp thời, chất lượng tín dụng an toàn. Ngoài ra, Agribank Nam Định còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nắm tình hình vay vốn và sử dụng vốn vay của hội viên nhằm chủ động hạn chế các rủi ro xảy ra. Nhờ phối hợp đồng bộ, giám sát chặt chẽ nên nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.

Thời gian tới, với quyết tâm giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, chủ đạo trong việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn Agribank Nam Định tiếp tục tập trung ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong đó, ưu tiên phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi vay, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay của các đối tượng được vay. Củng cố và phát triển vốn vay thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn để vừa bảo đảm tính thanh khoản, vừa bảo đảm đủ nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng hợp lý và an toàn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com