Chủ động phòng, chống sâu bệnh hại lúa và cây màu

08:07, 26/07/2019

Hiện nay, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã bắt đầu nở trên trà lúa mùa sớm; ở một số xã Hiển Khánh (Vụ Bản); Nghĩa Tân, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng); Nam Thanh, Nam Toàn (Nam Trực)... mật độ phổ biến 10-20 con/m2, cao 50-100 con/m2, cục bộ 200-300 con/m2; phổ biến rầy trưởng thành và tuổi 1, 2 nhưng mật độ thấp hơn cùng kỳ năm 2017, 2018. Dự báo rầy trưởng thành tiếp tục đẻ trứng và tăng mật độ; nhiều khả năng rầy lứa 4 sẽ nở rộ từ ngày 27-7 đến ngày 2-8, trùng với giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen hại lúa. Trên cây màu, sâu phát sinh và gây hại trên ngô với mật độ trung bình 1-2 con/m2, cao 5-7 con/m2. Tại xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã có 5ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu. Dự báo, sâu tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trong thời gian tới. 

Để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh hại lúa và cây màu, đảm bảo giành kết quả cao trong sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban nông nghiệp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc bảo vệ lúa, màu theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường điều tra, phát hiện và phun trừ kịp thời sâu keo mùa thu trên ngô, nhất là những diện tích ngô mới trồng. Tập trung phun thuốc trừ rầy lứa 4 phòng ngừa bệnh lùn sọc đen tập trung từ ngày 27-7 đến ngày 2-8 chủ yếu trên những diện tích đã bị bệnh lùn sọc đen ở các năm trước và những vùng xét nghiệm có dương tính với virus lùn sọc đen. Sử dụng thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Amira 25WP, Onera 300WG, Impalasuper 25WG…); hoạt chất Imidacloprid (Midan 10WP, Sectox 100WP, Aicmidae 100WP, Mikhada 20WP...); hoạt chất khác (Dupont Pexena 106SC, Chess 50WG, TVpymeda 350WP…). Sau 3 ngày phun thuốc nếu rầy còn mật độ cao cần tiếp tục phun trừ lại. Đối với sâu keo mùa thu trên ngô, các địa phương cần tiến hành rà soát, khoanh vùng, phun trừ sâu keo mùa thu cho những diện tích ngô có mật độ sâu từ 4 con/m2 trở lên, đa số sâu tuổi 1-3. Sử dụng thuốc hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, Ammate® 150EC, Obaone 95WG, Sunset 300WG…); hoạt chất khác (Prevathon® 5SC, Chlorferan 240 SC, Takumi 20WG, Match 050EC…). Tích cực phát động và tổ chức diệt chuột, chú trọng biện pháp thủ công như đào bắt kết hợp với đặt các loại bẫy; tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người, vật nuôi. Chính quyền các xã, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, yêu cầu các đại lý, hộ kinh doanh thuốc cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com