Mỹ Lộc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn

07:04, 22/04/2019

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Mỹ Lộc đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thi công tuyến đường trục xã Mỹ Trung đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới.
Thi công tuyến đường trục xã Mỹ Trung đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thời gian qua, huyện tập trung thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung, quy mô lớn; thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân”. Huyện đã quy hoạch 33 vùng sản xuất tập trung tại các xã, thị trấn với tổng diện tích 2.035ha. Một số vùng sản xuất đã phát huy hiệu quả cao về kinh tế như vùng trồng hoa cây cảnh tại các xã: Mỹ Tân, Mỹ Phúc, Mỹ Trung (180ha); vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã: Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Trung (106ha) và vùng chăn nuôi tập trung tại Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Hà (95,2ha)… Trong sản xuất lúa, huyện đã hình thành được 9 cánh đồng lớn với quy mô từ 30-50ha/vùng, gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, Dự hương, Nếp đặc sản… Sản lượng lương thực bình quân đạt 3.705 tấn/năm. Cơ cấu giống lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 80% trong cơ cấu giống 2 vụ lúa của toàn huyện. Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản có quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định như: chuỗi liên kết giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với Hợp tác xã Mỹ Thắng và Hợp tác xã Mỹ Hà trong sản xuất gạo sạch Bắc thơm 7; chuỗi liên kết giữa Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương với các Hợp tác xã Mỹ Hà, Hợp tác xã Nguyễn Xá (Mỹ Tiến), Hợp tác xã Liêm Trại (Mỹ Thịnh) trong sản xuất tiêu thụ lúa Dự Hương. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước hình thành các doanh nghiệp liên kết chăn nuôi với công nghệ tiên tiến; đồng thời, giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xuống 35% tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Kinh tế trang trại, gia trại của huyện phát triển mạnh cả về quy mô sản xuất lẫn giá trị kinh tế. Năm 2018, doanh thu của 100 trang trại trên địa bàn huyện đạt 144 tỷ đồng, bình quân 1,4 tỷ đồng/trang trại/năm và 308 gia trại đạt doanh thu bình quân 360 triệu đồng/gia trại/năm. Đối tượng nuôi chủ yếu của các trang trại là gà thịt, gà siêu trứng và lợn thương phẩm. Nhiều trang trại có doanh thu trên 1 tỷ đồng, tiêu biểu như trang trại liên kết tiêu thụ lợn thịt với Công ty Cổ phẩn Chăn nuôi CP Việt Nam của ông Hà Danh Thảo ở xã Mỹ Tiến; trang trại của ông Vũ Văn Khiêm ở xã Mỹ Thịnh, trang trại nuôi gà đẻ của anh Trần Bùi Nam ở xã Mỹ Trung… Nuôi thủy sản tiếp tục phát triển mạnh với các đối tượng nuôi truyền thống như cá trắm đen, cá diêu hồng, cá chép, trôi mè... Toàn huyện đã hình thành 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã: Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Tiến, Mỹ Trung với tổng diện tích hơn 100ha. Các hộ nuôi thủy sản đã hình thành tổ hợp tác sản xuất quy mô từ 30-50 hộ, cùng tham gia giúp đỡ nhau trong sản xuất, đặc biệt hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp giá trị sản xuất thủy sản tăng rõ rệt, đạt từ 200-400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Hồng thu hút nhiều hộ dân xã Mỹ Tân tham gia với sản lượng đạt 600-700 tấn/năm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng; tiêu biểu như hộ ông Chu Văn Bảo ở thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân. Đến nay, cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện chuyển dịch tích cực theo chiều sâu chất lượng góp phần nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt giảm còn 36,4%; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng lên 45,1%, nuôi trồng thủy sản còn 18,5%. Năm 2018, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác của huyện đạt 109,3 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện xác định phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mới có thể tạo đột phá nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành để quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực huyện có tiềm năng thế mạnh như may mặc, dịch vụ. Đã có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư sản xuất góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân như Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Youngor Smart Shirts Việt Nam (Mỹ Trung); Công ty Cổ phần D&J (Mỹ Hưng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Vĩnh Giang (Mỹ Phúc). Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2018 đạt gần 692 tỷ đồng. Làng nghề truyền thống làm chăn bông lâu đời ở làng Sắc (Mỹ Thắng) đã chuyển đổi sang mặt hàng may mặc phát triển mạnh với 7 doanh nghiệp và 230 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 8.000 lao động. Phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân theo đầu người của huyện năm 2018 đạt 43,53 triệu đồng/người/năm.

Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tập trung phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện như lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, lợn, gà. Toàn huyện phấn đấu, năm 2020 có ít nhất 6 sản phẩm được bình chọn xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP. Tiếp tục xây dựng thêm các cánh đồng lớn, mô hình liên kết chuỗi sản xuất có hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của địa phương. Phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 mô hình cánh đồng lớn, trang trại chăn nuôi, thủy sản liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; trọng tâm là các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất nông sản sạch và công nghệ chế biến nông sản. Tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp phấn đấu đến năm 2020, phát triển thêm 3-5 hợp tác xã chuyên ngành làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa của địa phương. Đến năm 2020, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm; giữ vững tỷ lệ hộ nghèo (bao gồm cả đối tượng chính sách bảo trợ xã hội) dưới 1%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; từng bước xây dựng thành công 2 xã Mỹ Thành và Mỹ Trung đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com