Hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Hải Toàn

08:02, 15/02/2019

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất ở xã Hải Toàn được đẩy mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với nhiều sản phẩm đặc trưng như gạo hữu cơ, đinh lăng… Năm 2018, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 44,5 triệu đồng, giá trị thu nhập trên một ha canh tác đạt trên 120 triệu đồng.  

Để có được kết quả này, Đảng ủy, UBND xã Hải Toàn xác định phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế của địa phương, trong đó tập trung cao vào sản phẩm lúa gạo đặc sản, cây dược liệu và rau màu. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp cho việc ứng dụng KHKT xã còn chỉ đạo các đoàn thể tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho người dân; tranh thủ mọi chương trình dự án để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và hỗ trợ vốn cho người dân, nhân rộng các mô hình chuyển giao KHKT đã có hiệu quả. Đối với sản xuất lúa, xã tập trung quy hoạch phát triển cánh đồng lớn sản xuất lúa đặc sản, ứng dụng các kỹ thuật cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp hợp lý để phát huy hiệu quả tối đa của ánh sáng mặt trời và các loại phân bón. Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây vụ đông, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng KHKT đã được nhân dân xã Hải Toàn xây dựng hiệu quả; tiêu biểu như mô hình sản xuất giống, gạo hữu cơ của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hợp tác xã Toàn Thắng được giao quản lý 651ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn 12 xóm, gồm đất trồng lúa, trồng đinh lăng và trồng màu. Trong đó, riêng sản phẩm gạo tám hữu cơ, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất thử nghiệm trên diện tích 10 mẫu sử dụng nguồn giống gốc đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn lọc phục hồi. Quy trình canh tác được tuân thủ theo phương pháp hữu cơ truyền thống, hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Ngay cả khâu thu hoạch và chế biến cũng đảm bảo theo quy trình gặt non, phơi trong gió nhẹ và sử dụng ngay sau khi xay xát trong vòng từ 1 đến 1,5 tháng để gạo đạt chất lượng cao nhất. Hiện tại hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Sunshine Midori (Hà Nội) để xây dựng mô hình sản xuất chuỗi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ và gạo tám xoan bao tử… Với cách sản xuất này, các cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa thông thường. Đặc biệt sản phẩm gạo tám hữu cơ của hợp tác xã có giá bán từ 80-105 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp 3 lần so với gạo tám thông thường trên thị trường. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cứng cho doanh nghiệp từ 1.200 đến 1.500 tấn giống lúa lai; 500-800 tấn giống lúa thuần; 300-500 tấn thóc thương phẩm để sản xuất gạo chất lượng cao. Bên cạnh việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao, dấu ấn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở xã Hải Toàn còn được thể hiện qua sản phẩm đinh lăng dược liệu với sản lượng khoảng 200 tấn khô mỗi năm để làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm. Công ty cổ phần Traphaco đã chọn vùng đất Hải Toàn để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đinh lăng theo quy trình chuẩn GACP-WHO; Công ty xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái và tập huấn cho người dân; trong suốt quá trình sản xuất, Công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về kiểm tra chất lượng, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật canh tác cũng như kỹ thuật sơ chế đảm bảo chất lượng nguyên liệu trước khi đơn vị thu mua. Đến thời điểm hiện tại, cả xã có khoảng 150 hộ trồng đinh lăng trên tổng diện tích 20ha. Một vài hộ dân trong xã còn đứng ra làm đầu mối thu gom sản phẩm và sơ chế cho nhà máy nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị kinh tế từ trồng đinh lăng ở Hải Toàn bình quân đạt 520-580 triệu đồng/ha. Cây đinh lăng đang được xem là cây “kinh tế xanh” của địa phương. Ngoài hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa và đinh lăng dược liệu, Hải Toàn còn khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo vườn tạp sản xuất các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, cam, bưởi, gừng, nghệ… Tiêu biểu như gia đình chị Trần Thị Thim, xóm 4, đã có thu nhập trăm triệu mỗi năm từ các loại cây ăn trái như thanh long đỏ, cam, bưởi; hay như gia đình anh Trần Trọng Kim, xóm 8 trồng và chế biến tinh bột nghệ, bột sắn dây.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, giúp người dân làm giàu ngay tại quê hương, xã Hải Toàn quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế, tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, các dự án đầu tư công nghệ mới, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hiện đại./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com