Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế (kỳ 1)

06:02, 13/02/2019

Hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, là một nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ðảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp đồng bộ để tận dụng tối đa các cơ hội nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

I. Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

Ðến nay, nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực các nước ASEAN và quốc tế với gần 60 nước thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Những thành tựu hội nhập kinh tế thế giới đã thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của các doanh nghiệp cả nước cũng như của tỉnh ta.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm gạo sạch.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm gạo sạch.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, đã tích cực tìm hiểu thông tin để chủ động đáp ứng những đòi hỏi của các thị trường nơi xuất hàng đến theo yêu cầu của đối tác. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã nghiêm túc đánh giá thực lực, đặc biệt chú trọng phân tích những hạn chế nhằm nỗ lực khắc phục những yếu kém tồn tại, phát huy những điểm mạnh để tận dụng tốt các cơ hội; xác định các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh cần tập trung phát triển thành mũi nhọn chủ lực để thâm nhập thị trường quốc tế và giữ vững thị phần tại “sân nhà”, bao gồm: dệt may, cơ khí, nông sản, thực phẩm… Doanh nghiệp tập trung tìm hiểu các hàng rào kỹ thuật, hệ thống vệ sinh, kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn, quy định khiến hàng hóa khó vào thị trường các nước đối tác FTA để có biện pháp chủ động đáp ứng. Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, vẫn phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu và công nghệ cũ về để sản xuất xuất khẩu nên khó được hưởng lợi về mặt thuế suất do các nội dung trong nhiều hiệp định FTA quy định khắt khe về quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Doanh nghiệp tỉnh ta còn nhiều yếu kém so với yêu cầu đòi hỏi của thị trường hội nhập quốc tế, bao gồm các yếu tố như: công nghệ lạc hậu, khâu kiểm soát thị trường, tổ chức sản xuất chưa theo kịp các nước. Ngoài ra, khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA sẽ không còn khái niệm “sân nhà”. Ðiều này cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp của tỉnh phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Tuy nhiên, cũng có những tác động tích cực như, khi tham gia các Hiệp định FTA, các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn để tận dụng nguồn vốn, việc chuyển giao công nghệ và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh các ngành hàng nông nghiệp, thủy sản của tỉnh đã chủ động tổ chức lại sản xuất, tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề đại diện, làm đầu mối chứng minh giá trị chất lượng nông sản, đáp ứng các yêu cầu sản xuất sạch, an toàn và có trách nhiệm. Toàn tỉnh đã có 32 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Ðịnh, có 35 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện được việc dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 130 sản phẩm nông nghiệp; có 20 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa, trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nông sản chất lượng cao của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế và mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước, tiêu biểu như: sản phẩm gạo chất lượng cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng…; riêng sản phẩm ngao sạch sơ chế của tỉnh đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam đã xác lập vùng nguyên liệu ngao có thương hiệu, chất lượng (thịt dày, béo ngọt, hương vị thơm ngon), sản lượng ổn định trên 32 nghìn tấn/năm của hai huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng và áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi đến chế biến. Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân trở thành doanh nghiệp có thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên "sân nhà" nhờ sản phẩm Gạo sạch Toản Xuân được sản xuất theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Ðông Nam Á. Các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may (một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh), cũng đã có nhiều nỗ lực, chủ động đổi mới tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo quy chuẩn quốc gia và các nước đối tác. Công ty cổ phần May Nam Hà triển khai nhiều dự án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị, công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 tích hợp với hệ thống quản lý môi trường ISO 1400, cải tiến hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000 thành hệ thống PAS 99-2012; các hệ thống quản lý 5S; TPM, KPI, Kaizen… Nhờ đó, Công ty vinh dự được nhận giải Bạc Chất lượng quốc gia 7 năm liên tục. Chất lượng sản phẩm của Công ty luôn được khách hàng đánh giá cao, được nhiều thương hiệu may mặc lớn của Mỹ, EU lựa chọn; Công ty chiếm khoảng 10% thị phần xuất khẩu quần áo bơi của Việt Nam vào các thị trường lớn. Các doanh nghiệp ngành cơ khí đã nỗ lực đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quản lý phát triển doanh nghiệp và sản xuất, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Ðánh giá về những đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp tỉnh nhà, đồng chí Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sự nỗ lực hội nhập của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh nhà. Năm 2018, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay: tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 8,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13,5%, chương trình xây dựng nông thôn mới có 7/10 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu ngân sách đạt trên 5.200 tỷ đồng... Chính các sản phẩm chất lượng cao và các thương hiệu uy tín của tỉnh đã được khẳng định trên thị trường quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế tỉnh Nam Ðịnh.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh Thúy

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com