Các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

08:02, 19/02/2019

Năm 2018, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, ban hành cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm đưa các KCN của tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Nhờ đó, năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) của các KCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 19 nghìn tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD; tạo việc làm thường xuyên cho gần 41 nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước 310 tỷ đồng.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Khu công nghiệp Hòa Xá (Thành phố Nam Định).
Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Khu công nghiệp Hòa Xá (Thành phố Nam Định).

Trong công tác quy hoạch, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng 9 KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với tổng diện tích 2.082ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 KCN là: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Rạng Đông đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hạ tầng đăng ký là 6.290 tỷ đồng. Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, làm đầu mối đón tiếp các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động đổi mới, thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư; phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga... và các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thường xuyên các hoạt động quảng bá hình ảnh về các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, công nghệ cao đầu tư. Với sự nỗ lực không ngừng, trong năm 2018 công tác thu hút đầu tư vào các KCN đã có bước chuyển biến rõ nét với 9 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới (trong đó có 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký là 92 triệu USD và hơn 76,95 tỷ đồng; 6 dự án được điều chỉnh tăng vốn thêm 17,91 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư thu hút trong năm 2018 đạt 109,91 triệu USD và hơn 76,95 tỷ đồng; vốn quy đổi bằng 113,37 triệu USD. Các KCN: Hòa Xá, Bảo Minh đã được lấp đầy 100% diện tích; KCN Mỹ Trung khai thác 30% diện tích. KCN Dệt may Rạng Đông đã triển khai san lấp được 80ha mặt bằng; các hạng mục đã và đang triển khai thi công gồm: xây dựng các tuyến đường trục N2 (được khoảng 2,8km), các cống thoát nước, hồ chứa nước thô rộng 14ha, tuyến đường điện trung áp giai đoạn I, phần thô của khu nhà điều hành KCN. Hiện đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm. Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư KCN Mỹ Thuận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch khoảng 168,8ha. Lũy kế đến nay, trong các KCN trong tỉnh đã có 172 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó có 42 dự án của 39 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 7.312 tỷ đồng và 778,18 triệu USD; vốn thực hiện là 4.188 tỷ đồng, bằng 57,3% và 492,38 triệu USD, bằng 63,27% vốn đăng ký. Tính đến hết năm 2018, trong các KCN của tỉnh đã có 137 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó có 58% doanh nghiệp hoạt động tốt, 33% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 9% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các dự án đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 41 nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) của các doanh nghiệp trong KCN đạt 19 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2017; chiếm tỷ trọng 30,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao gồm: sản phẩm may công nghiệp, sợi các loại, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ nến, bộ dây dẫn điện... kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của các KCN đạt 700 triệu USD, tăng 16,7% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 43,35% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu tăng trưởng là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Youngone Nam Định, Công ty Dệt nhuộm Sunrise Luen Thai, Công ty Sợi dệt nhuộm Yulun, Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định, Công ty trách nhiệm hữu hạn Padmac, Công ty cổ phần May Nam Định, Công ty Universal Candle Việt Nam.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, năm 2019 Ban Quản lý các KCN tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các lợi thế và các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, các sở, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung mời gọi các dự án đầu tư thứ cấp có vốn lớn, công nghệ cao, vốn đầu tư nước ngoài, công nghiệp phụ trợ, điện tử vào các KCN: Rạng Đông, Bảo Minh. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công các công trình đầu tư hạ tầng, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cung cấp nước sạch của KCN Dệt may Rạng Đông; triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn II Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá theo hình thức PPP. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1. Hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng KCN Mỹ Thuận, mở rộng KCN Bảo Minh. Đề xuất với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hoặc xử lý các dự án vi phạm quy định về đầu tư, đất đai, môi trường, lao động. Mở các lớp tập huấn, trợ giúp pháp lý và đào tạo nghiệp vụ cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là bảo đảm quy định cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ từ doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh về: cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân. Phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển tại các KCN; đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 22-8-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, của UBND tỉnh. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, tái cơ cấu trong đầu tư, tổ chức sản xuất; tiếp cận và thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đối với doanh nghiệp. Tăng cường giám sát thực hiện các trách nhiệm của người sử dụng lao động về đối thoại trong doanh nghiệp, chấp hành quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội và bảo đảm an toàn cao trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Với những giải pháp đồng bộ trên, trong năm 2019, Ban Quản lý các KCN tỉnh phấn đấu thực hiện và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu: thu hút vốn đầu tư vào các KCN đạt trên 100 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 21 nghìn tỷ đồng; giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 740 triệu USD; tạo thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động... góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com