Ra quân diệt chuột bảo vệ cây trồng

07:02, 18/02/2019

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi vụ chuột phá hại hàng trăm ha cây trồng ở các địa phương trong tỉnh, là nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng lúa, cây màu. Năm 2018, các địa phương trong tỉnh đã tích cực phát động diệt chuột nên chỉ có 238ha lúa bị chuột hại. Vụ xuân 2019 có xu hướng ấm, ít mưa nên khả năng sinh sản và mức độ phá hại của chuột rất mạnh. Đặc biệt, những vùng gò cao, giáp các khu công nghiệp, ruộng bỏ hoang… là những nơi thuận lợi cho chuột đào hang ẩn nấp. Do vậy, để bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố phát động nhân dân hưởng ứng chiến dịch đồng loạt ra quân “Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột”. 

Tổ diệt chuột xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đặt bả diệt chuột.
Tổ diệt chuột xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đặt bả diệt chuột.

Xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có tổng diện tích gieo trồng trên 500ha. Ngay từ đầu vụ xuân năm nay, UBND xã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hà chủ động phối hợp với thôn, đội tập trung diệt chuột bằng nhiều phương pháp; phân công trách nhiệm cho lực lượng bảo vệ đồng ruộng do Hợp tác xã quản lý tổ chức các đợt đặt bả diệt chuột đồng loạt trong toàn xã. Hợp tác xã chủ động chuẩn bị thuốc và mồi, trộn theo đúng tỷ lệ hướng dẫn, sau đó giao cho các lực lượng được phân công đặt mồi đồng loạt trên toàn địa bàn vào các thời điểm lấy nước đổ ải, trước khi cấy từ 3-5 ngày và khi lúa mới cấy. Ngoài ra, các hộ nông dân cũng chủ động diệt chuột bằng nhiều biện pháp như: dùng bẫy, dùng bả, đào bắt, phát triển đàn mèo… Nhiều hộ dân trong xã đã mua từ 30-50 chiếc bẫy các loại và tích cực diệt chuột; điển hình là hộ ông Trần Đức Tuấn ở xóm 1 đã bẫy được hàng trăm con chuột trên thửa ruộng của gia đình mình. Nhờ thực hiện tốt công tác diệt chuột nên sản xuất lúa và màu ở Mỹ Hà luôn được đảm bảo an toàn trong những năm qua. Xã Minh Tân (Vụ Bản) có trên 400ha đất lúa; đê sông Sắt bao quanh 3 thôn: Lúa, Tân Lập và Ngăm Hạ; ven làng cây cối, cỏ dại um tùm, là nơi thuận lợi cho chuột trú ngụ và sinh sôi, phá hoại lúa màu. Thực hiện chỉ đạo của xã, Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tân đã xây dựng kế hoạch cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật, trong đó đặc biệt chú trọng công tác diệt chuột. Mồi đánh chuột bằng thuốc Kill-Rat trộn với thóc ngâm được đặt trên các bờ vùng, lối đi, cửa hang của chuột từ 16-17 giờ hàng ngày; phủ một lớp trấu tránh sương, mưa. Ban quản trị Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra việc đặt mồi của tổ dịch vụ, kịp thời điều chỉnh lượng mồi và kỹ thuật đánh đảm bảo hiệu quả diệt chuột và công tác vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Hợp tác xã tiếp tục phát động xã viên kết hợp đánh bắt chuột bằng phương pháp thủ công; diệt chuột từ trong nhà đến ngoài đồng bằng bẫy bán nguyệt (bẫy kẹp), đây là phương pháp diệt chuột hiệu quả nhất hiện nay tại địa phương, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường, chi phí thấp.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 100 tổ, đội dịch vụ diệt chuột. Các tổ, đội diệt chuột đã lựa chọn, áp dụng nhiều hình thức diệt chuột khác nhau, đảm bảo hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với việc thực hiện các phương pháp thủ công như: sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt… từ đầu vụ xuân đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đặt 2-3 đợt bả với tổng số thuốc hóa học để trộn với bả được sử dụng là trên 1 tấn (chủ yếu là sử dụng các loại thuốc: Kill-Rat, Storm, Cat…) và 14 tấn bả sinh học Biorat. Nhìn chung, các xã, thị trấn đã bám sát chỉ đạo của UBND huyện, thành phố và hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các đợt diệt chuột đúng theo kế hoạch. Các hợp tác xã và nông dân tích cực hưởng ứng nên công tác diệt chuột đạt kết quả tốt, góp phần hạn chế thiệt hại do chuột gây ra. Hiện, diện tích cây trồng bị chuột hại của toàn tỉnh không đáng kể, chỉ khoảng 5ha. Nhiều địa phương thực hiện công tác diệt chuột hiệu quả như các xã: Hợp Hưng, Tân Khánh (Vụ Bản); Yên Thành, Yên Hưng, Yên Phong (Ý Yên); Đồng Sơn, Nam Lợi (Nam Trực); Xuân Kiên (Xuân Trường); Trực Đạo, Trực Chính (Trực Ninh); Hải Thanh, Hải Trung (Hải Hậu); Giao Long, Giao Thiện (Giao Thủy)… Có 2 loại mô hình diệt chuột hiệu quả là: mô hình diệt chuột đồng loạt, tập trung trong toàn xã và mô hình tổ, đội diệt chuột. Mô hình diệt chuột đồng loạt, tập trung trong toàn xã đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều xã như: Yên Thành, Yên Mỹ (Ý Yên); Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Nam Vân (Thành phố Nam Định); Hải Trung (Hải Hậu); Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). UBND các xã phát động nông dân đồng loạt bẫy, bắt và diệt chuột bằng phương pháp thủ công như dùng bẫy kẹp, soi đèn, đào bắt… Người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và phương thức diệt chuột theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Các tổ, đội dịch vụ diệt chuột hoạt động liên tục trong suốt vụ, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của UBND xã. Mỗi thôn, đội xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ, đội diệt chuột; trách nhiệm, chế độ đóng góp phí dịch vụ diệt chuột của hộ nông dân. Số tiền thu dịch vụ diệt chuột được khoán cho tổ, đội chuyên diệt chuột và có quy định trách nhiệm rõ ràng, nếu tổ, đội diệt chuột để chuột phá hại lúa thì phải đền bù cho người dân. Nhiều xã còn phát động toàn dân diệt chuột và thực hiện thu mua đuôi chuột để khuyến khích người dân tích cực, chủ động diệt chuột. 

Hiện nay, cùng với việc tổ chức diệt chuột, nhiều xã, thị trấn tích cực vận động nhân dân dọn sạch cỏ dại, phát quang bụi rậm ven làng để hạn chế nơi trú ngụ của chuột; tổ chức tốt việc thu gom, xử lý xác chuột chết đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ nay đến khi lúa đứng cái làm đòng, các địa phương sẽ căn cứ theo mức độ xuất hiện, gây hại của chuột, tiếp tục phát động các đợt ra quân diệt chuột đồng loạt để ngăn chặn chuột di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, đảm bảo hiệu quả triệt để./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com