"Xuất ngoại" học nghề nông (kỳ 1)

08:04, 06/04/2018

Trong khuôn khổ chương trình liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa tỉnh ta với các tỉnh Mi-i-a-gia-ki, I-ba-gia-ki (Nhật Bản), từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã cử hàng chục cán bộ kỹ thuật, người lao động tham gia học tập tại Nhật Bản. Từ những chuyến đi bổ ích đó, các cán bộ kỹ thuật đã trở thành những hạt nhân góp phần quan trọng giúp người nông dân trong tỉnh thay đổi thói quen lao động, tư duy sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

I. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

Với quan điểm xây dựng nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay, tỉnh ta đã tăng cường thúc đẩy hợp tác tạo mọi điều kiện thực hiện việc đưa cán bộ kỹ thuật và người lao động ra nước ngoài học nghề nông. Mục đích của các chuyến đi nhằm giúp các cán bộ kỹ thuật và người lao động “tai nghe, mắt thấy” cách làm, phương pháp tư duy về làm nông nghiệp hiện đại, đề xuất những giải pháp nâng cao giá trị lao động nông nghiệp cũng như cách tiếp cận chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu và lựa chọn những cách làm nông nghiệp phù hợp nhất với thực tế đồng đất địa phương.

Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra đồng ruộng tại Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh). Ảnh: Do Sở NN và PTNT cung cấp
Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra đồng ruộng tại Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh). Ảnh: Do Sở NN và PTNT cung cấp

Cụ thể hóa quan điểm đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp theo xu thế mới, từ năm 2015 đến nay, đã có khoảng 20 cán bộ kỹ thuật, người lao động của Sở NN và PTNT, các doanh nghiệp nông nghiệp và cán bộ, nông dân một số địa phương trong tỉnh được chọn cử đi học nghề nông tại Nhật Bản. Sau khi trở về, các cán bộ kỹ thuật, người lao động đã có những thay đổi về tư duy trong sản xuất, đề xuất nhiều ý tưởng có giá trị, xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo công nghệ mới, bước đầu góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Năm 2016, đoàn công tác 7 người gồm cán bộ kỹ thuật của Sở NN và PTNT, Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) được cử sang học tập tại tỉnh Mi-i-a-gia-ki (Nhật Bản) trong 30 ngày theo chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai tỉnh Nam Định và Mi-i-a-gia-ki. Trong suốt thời gian học tập, làm việc tại Mi-i-a-gia-ki, tất cả các cán bộ kỹ thuật của tỉnh đã cùng ăn, cùng làm với nông dân, công nhân của 2 Cty nông nghiệp của tỉnh Mi-i-a-gia-ki tập trung vào một số nội dung thực hành quy trình làm cỏ rau giai đoạn trước khi thu hoạch và sau trồng 40 ngày; thu hoạch khoai sọ và cải bó xôi; sơ chế các loại rau củ (rửa củ gô bô - còn gọi là củ ngưu bàng, một loại thực phẩm bổ dưỡng và còn là vị thuốc nam đa dụng, khoai lang, phân loại khoai sọ); sơ chế các loại rau đến sản phẩm cuối cùng (phân loại rau, đóng gói sản phẩm,...); tham quan cách làm đất, phun thuốc trừ cỏ và tham gia trồng cây gô bô. Đoàn cũng tham quan thực tế tại Trung tâm nghiên cứu cây nhiệt đới, Trung tâm nghiên cứu cây thảo dược, Trường Đại học Mi-na-mi Ki-u-su, Cty sản xuất phân hữu cơ, chợ nông sản đầu mối của tỉnh Mi-i-a-gia-ki, thăm tỉnh Cu-ma-mo-ta (tỉnh ven biển sản xuất nhiều rau trên ruộng lúa nước) và được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp tỉnh Mi-i-a-gia-ki hướng dẫn cách sử dụng máy đo pH, EC trong đất. Trò chuyện về kết quả chuyến đi, các thành viên cho biết, ngoài kiến thức chuyên môn kỹ thuật, trong thời gian học tập, làm việc, mọi người trong đoàn công tác còn tự học được cách làm việc khoa học, tính kỷ luật cao và sự quý trọng đồng đất, tài nguyên thiên nhiên của các đồng nghiệp và nông dân Nhật Bản. Anh Cao Quang Ninh, cán bộ Phòng Kỹ thuật - tài chính (Sở NN và PTNT) cho biết: Sau một tháng làm việc với các chuyên gia Nhật Bản, cán bộ kỹ thuật và người lao động, chúng tôi khâm phục họ về tính kỷ luật, hết lòng vì công việc. Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi đã tiếp thu được nhiều kỹ năng hữu ích, bỏ được nhiều thói quen, tác phong chưa tốt trước đây. Hơn thế nữa, cách cư xử ân cần, chi tiết khi truyền thụ kiến thức của các bạn Nhật đã khiến chúng tôi hiểu rằng phải thay đổi nhiều trong tư duy, phương pháp tiếp cận, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Về nước, đoàn công tác đã đề xuất với UBND tỉnh, Sở NN và PTNT và các doanh nghiệp nông nghiệp những nội dung quan trọng góp phần cải tạo sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Trong đó, đề xuất tiếp tục cử cán bộ sang học tập chuyên sâu về từng lĩnh vực sản xuất để xây dựng nguồn nhân lực và làm cầu nối chuyển giao kỹ thuật từ Mi-i-a-gia-ki về Nam Định; tăng cường tương tác trao đổi thông tin hai chiều trong quá trình thực hành sản xuất để giải quyết ngay các vấn đề phát sinh đảm bảo đối tác ở Mi-i-a-gia-ki hỗ trợ kỹ thuật sát hơn. Đoàn cũng đề xuất dành riêng 1.000-2.000m2 đất tại Trung tâm giống cây trồng Nam Định để xây dựng khu thực nghiệm áp dụng các kỹ thuật canh tác của Nhật (cải tạo đất, khảo nghiệm các giống rau, các biện pháp canh tác…). Từ kết quả thực nghiệm để xác định các biện pháp cải tạo đất; lựa chọn các giống rau phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh; đánh giá theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Triển khai xác định độ pH trong đất cho toàn bộ các vùng đất màu của tỉnh, trước mắt là những xứ đồng dự kiến kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư. Rà soát các trang trại chăn nuôi lớn, xác định nguồn phân hữu cơ để vận động các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có điều kiện tổ chức sản xuất phân hữu cơ và xây dựng điểm phân phối sản phẩm hữu cơ phục vụ sản xuất. Những kiến nghị này đã được UBND tỉnh, Sở NN và PTNT ghi nhận, cho triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, hầu hết các đề xuất đều mang lại kết quả khả quan. Trong đó, việc sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất đã được triển khai bài bản tại xã Yên Cường (Ý Yên), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, đất nông nghiệp được tận dụng rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất và phân trâu bò, lợn gà để cải tạo tăng độ phì nhiêu. Môi trường trên địa bàn từ đồng ruộng, xóm ngõ, chợ dân sinh sạch sẽ nhờ học và áp dụng cách làm phân hữu cơ của người Nhật Bản. Bên cạnh đó, qua phong trào này mà sản xuất đã được tổ chức lại, bà con nông dân lại chung sức đồng lòng cùng làm phân bón, cùng chia nhau sản phẩm để canh tác và cùng trồng cấy theo quy trình kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tinh thần lao động tập thể có kỷ luật, có tổ chức, có trách nhiệm “một người vì mọi người, mọi người vì một người” đã thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển ở Yên Cường.

Với những cán bộ kỹ thuật được đưa sang Nhật Bản đào tạo để củng cố, xây dựng lực lượng làm công tác hoạch định kế hoạch cho phát triển nông nghiệp ở tầm vĩ mô hay truyền thụ kiến thức giúp người dân dần thay đổi thói quen, phương thức sản xuất cũ. Còn với những nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, được “xuất ngoại” học nghề nông là cơ hội quý nên các thành viên trong đoàn rất tích cực để tiếp cận thông tin, học hỏi kỹ thuật, cách làm việc và say sưa thực hành khi trở về. Tiêu chí để lựa chọn người tham gia đoàn đi là những nông dân có tinh thần trách nhiệm, có trình độ thâm canh cao và là phụ nữ để dễ dàng thuyết phục những hộ dân khác làm theo. Các chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Cẩm và Phạm Thị Nga, thôn Khả Lang cũng xã Yên Dương (Ý Yên) được chọn cùng đi với các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh sang tỉnh I-ba-gia-ki để học tập cách sản xuất, tổ chức tiêu thụ nông sản. Chỉ trong vòng 10 ngày mà hai chị đã trang bị được cho mình khá nhiều kiến thức về quy trình trồng rau sạch, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Ngay sau khi về địa phương, toàn bộ kiến thức đã tiếp thu được chị Hòa, chị Nga ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất. Là một nông dân giỏi nghề, lại được học tập, tiếp cận với cách sản xuất khoa học của người Nhật đã giúp các chị trở thành chuyên gia thực thụ trên chính đồng ruộng của mình. Ngay sau khi trở về địa phương, chị Hòa nhận với HTX DVNN hướng dẫn tiếp hai hộ dân khác sản xuất rau sạch theo công nghệ Nhật với tổng diện tích 1.000m2; chị Nga cũng trực tiếp xây dựng mô hình sản xuất rau sạch trên diện tích 1.000m2. Không chỉ thực hành trồng rau sạch, các chị còn xây dựng kế hoạch làm việc cho từng mùa vụ, từng cây trồng và từng ngày làm việc; cải tạo ruộng đồng; vệ sinh đồng ruộng và cách quảng cáo, tiêu thụ nông sản. Những công việc này trước đây thường bị coi là “cách rách” nhưng lại chính là điều kiện cần để đảm bảo tính khoa học trong lao động, không bị động khi sản xuất và hạn chế tối đa sâu bệnh hại cây trồng. Vừa làm, các chị vừa giảng giải, thuyết phục bà con trong xóm, trong xã và được nhiều người tin tưởng làm theo. Sản phẩm rau sạch Yên Dương ngày càng có năng suất, chất lượng cao và chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hỏi chuyện về chuyến đi Nhật học nghề nông, chị Nguyễn Thị Hòa kể: Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Trong 10 ngày ở Nhật, tôi học được cách xây dựng kế hoạch sản xuất, quản lý môi trường và kỹ thuật canh tác, cách thu mua nông sản, cách bán hàng đảm bảo truy xuất nguồn gốc nông sản. Điều khiến chúng tôi tâm đắc nhất là tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của người Nhật Bản trong cả sản xuất và tiêu dùng. Ở đó, người sản xuất nhất định không cho sản phẩm xuất xưởng khi không đạt chuẩn và người mua chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi trở về, tôi đã vận dụng sáng tạo vào việc sản xuất của mình. Đồng thời kể lại những gì tôi đã nhìn thấy, đã học được để bà con trong làng, trong xã cùng làm theo mà trước hết là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Trong vụ đông 2017, riêng xã Yên Dương đã có 2.000m2 rau sạch sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, bên cạnh đó, người dân rất tích cực tiếp cận với phương thức sản xuất mới, không sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật cũng như tự giác vệ sinh đồng ruộng trước và sau buổi làm đồng mà không phải nhắc nhở tuyên truyền nhiều như trước đây.

Từ thực tế hiệu quả việc ra nước ngoài học nghề nông nhiều nông dân mong muốn được tham gia các chương trình tương tự. Qua kết quả điều tra sơ bộ của ngành chức năng, nhu cầu được tham gia các khóa học nghề nông ở nước ngoài tăng nhanh với nhiều nguyện vọng khác nhau. Ngoài học tại Nhật Bản, nhiều người muốn được mở rộng ra các lĩnh vực khác, ở nhiều quốc gia khác nhau như chăn nuôi lợn, gà, nuôi tôm công nghiệp ở Thái Lan; trồng hoa cây cảnh ở Đài Loan; trồng, chế biến nấm ăn ở Hàn Quốc; trồng lúa gạo sang Phi-lip-pin, Ít-xra-en, Thái Lan./.

(Còn nữa)
Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com