Mỹ Lộc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm

08:04, 13/04/2018

Huyện Mỹ Lộc nằm tiếp giáp với Thành phố Nam Định nên tốc độ đô thị hóa nhanh, các loại hình dịch vụ ăn uống cũng phát triển đa dạng, khó kiểm soát nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ngộ độc thực phẩm (NĐTP), ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở khu vực Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc.
Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở khu vực Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện và các xã, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, đề ra các giải pháp tích cực để đảm bảo ATTP. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật ở người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các bài viết tuyên truyền về ATTP, phòng chống NĐTP, phòng chống dịch bệnh lây qua đường ăn uống được Trung tâm Y tế huyện chuyển về các xã, thị trấn để tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn, đài phát thanh huyện. Vào các đợt cao điểm về ATTP như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, công tác tuyên truyền về ATTP còn được tiến hành bằng hình thức chăng treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực đông dân cư, các cơ quan, xí nghiệp, trường học; hoặc lồng ghép trong các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể thôn xóm, qua các buổi nói chuyện, tập huấn… Nội dung tuyên truyền hướng tới người sản xuất, chế biến thực phẩm, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng… Với việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục về ATTP đã thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng, tạo sự chuyển biến tích cực nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm Y tế huyện phân loại đối tượng để có biện pháp tác động phù hợp. Đối với các hộ kinh doanh thức ăn vỉa hè, Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn các xã, thị trấn khảo sát thực trạng các điều kiện vệ sinh tại từng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, ký cam kết thực hiện 10 nội dung đảm bảo ATTP giữa chủ cơ sở với UBND, trạm y tế các xã, thị trấn; tổ chức lớp tập huấn kiến thức ATTP, thực hiện khám sức khỏe cho chủ hộ và người tiếp xúc với thực phẩm; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thẩm định và cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện ATTP” cho các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Đến nay huyện đã xây dựng được 1 mô hình điểm về ATTP lễ hội tại xã Mỹ Phúc. Toàn huyện hiện có 361 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý, trong đó có 62 cơ sở sản xuất, chế biến, 114 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 185 cơ sở dịch vụ ăn uống, 17 bếp ăn tập thể, 23 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 5 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Trong số các cơ sở được quản lý, có 79,3% số cơ sở đạt điều kiện ATTP. Ngoài ra, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở thực phẩm vào các thời điểm: Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và kiểm tra đột xuất theo nhu cầu phòng chống dịch. Từ năm 2017 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP huyện đã tổ chức 4 đợt với hơn 100 cơ sở được kiểm tra. Qua kiểm tra, có gần 80 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 78,5%; số cơ sở không đạt yêu cầu chiếm 21,5%, trong đó 15,9% cơ sở vi phạm bị xử lý, 0,6% cơ sở bị cảnh cáo, 15,9% cơ sở bị phạt với số tiền gần 30 triệu đồng. Với những giải pháp tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào nề nếp. Tiêu biểu trong công tác đảm bảo ATTP là các xã Mỹ Tân, Mỹ Phúc, Mỹ Thịnh… Tại Mỹ Tân, để tăng cường quản lý về ATTP, UBND xã đã phân loại cụ thể từng loại hình kinh doanh thực phẩm. Hiện tại xã đang quản lý 24 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, 4 cơ sở sản xuất thực phẩm, 29 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Với việc tăng cường công tác quản lý, xã thường xuyên nhắc nhở các hộ sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm làm tốt quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ngộ độc cao… 

Tuy nhiên, do đặc điểm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nên việc quản lý và kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; nhiều doanh nghiệp mức ăn, suất ăn thấp, chất lượng nguyên liệu, thực phẩm không đảm bảo, chưa kiểm soát được nguyên liệu, thực phẩm đầu vào… nên nguy cơ NĐTP vẫn luôn tiềm ẩn. Công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều địa phương phát hiện vi phạm chỉ nhắc nhở, không xử phạt… Ngoài ra, việc quản lý để đảm bảo ATTP qua các khâu từ nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, bảo quản và dịch vụ trên địa bàn huyện chưa liên hoàn, đồng bộ. Để giải quyết được các tồn tại trên, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng, các địa phương trong huyện để công tác đảm bảo ATTP được bền vững, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com