Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững

08:04, 11/04/2018

Tiếp tục đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng NTM; đồng thời không ngừng đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ... nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH để phát triển kinh tế, thoát nghèo đang là mục tiêu mà Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung thực hiện. 

Được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay vốn, ông Nguyễn Văn Đang ở xã Yên Tân đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.  Bài và ảnh: Văn Đại
Được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay vốn, ông Nguyễn Văn Đang ở xã Yên Tân đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. 

Hết năm 2017, tất cả 9 chương trình tín dụng chính sách đang được Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai trên địa bàn có tổng dư nợ đạt 2.589 tỷ đồng, tăng 174,7 tỷ đồng so với năm 2016. Có 105.723 hộ gia đình đang còn vay vốn, chiếm gần 20% số hộ dân trên địa bàn. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH năm 2017 đã giúp 2.641 hộ thoát nghèo, 1.386 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 1.280 lao động; 6.793 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 24.900 công trình nước sạch, vệ sinh; xây sửa 193 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương. Trong quý I-2018, cả 9 chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 151 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 108.728 hộ gia đình đang còn vay vốn. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình cho vay: chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường tăng 60,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo tăng 53 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo tăng 47,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm tăng 10,2 tỷ đồng, hộ nghèo tăng 7,1 tỷ đồng. Các đơn vị đều có dư nợ tăng trưởng so với năm trước, một số đơn vị có mức tăng trưởng cao như: Hải Hậu tăng 45,1 tỷ đồng, Ý Yên tăng 30,6 tỷ đồng, Nghĩa Hưng tăng 26,3 tỷ đồng, Nam Trực tăng 16,9 tỷ đồng. Trong quý I có 749 hộ nghèo, 2.519 hộ cận nghèo, 1.122 hộ mới thoát nghèo được vay vốn, tạo việc làm cho 400 lao động; 2.612 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi trả việc học tập; xây dựng 13.907 công trình nước sạch, vệ sinh; 2 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, chưa có nhà ở... Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa kịp thời đến những người khó khăn, giúp họ “chiếc cần câu” mưu sinh, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH và chính quyền các cấp đã ưu tiên việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính để cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, kết quả đó cũng đã khẳng định mô hình tổ chức thực hiện tín dụng CSXH ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tế ở tỉnh ta. Việc phân công trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác định đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện nghiêm túc; việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong hoạt động tín dụng chính sách tại cộng đồng dân cư được phát huy tích cực; kết hợp với sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách đã và đang góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại xã đã tiết giảm chi phí cho người vay vốn, đồng thời phát huy dân chủ, giám sát xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng. 

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách ổn định, bền vững, nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM thì ngoài nguồn vốn cấp từ ngân sách Nhà nước, Ngân hàng CSXH tỉnh cần tiếp tục được tăng cường nguồn vốn ủy thác tại địa phương; đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện không hoàn lại để tạo lập nguồn vốn tại chỗ cho vay. Ngân hàng CSXH cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; nhất là việc dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chủ động thực hiện phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các huyện, thành phố theo chỉ tiêu được Trung ương thông báo, ưu tiên cho những nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của từng thành viên Ban đại diện HĐQT trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững và nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện tốt chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát, phấn đấu Ban đại diện tỉnh kiểm tra xong trước ngày 30-6, Ban đại diện cấp huyện xong trước 30-9 và chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, sai sót. Các thành viên Ban đại diện là chủ tịch UBND cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự phân công trong việc quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả cao...

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com