Khởi sắc ở một vùng quê biển

06:11, 10/11/2017

Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, xã Hải Đông (Hải Hậu) đã xây dựng được các vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần xây dựng NTM Hải Đông bền vững và phát triển.

Đồng chí Nguyễn Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Hải Đông đưa chúng tôi đi tham quan những “mô hình” chuyển đổi kinh tế của xã. Điều dễ nhận thấy ở Hải Đông là việc quy hoạch NTM của xã khá bài bản và quy củ. Đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, khu trang trại, chăn nuôi, khu trồng cây dược liệu, vùng nuôi tôm, được quy hoạch đồng bộ, thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và đi lại. Vốn trước đây được xem là “vùng sâu, vùng xa” của huyện Hải Hậu do tác động từ “biển lở”, đời sống của người dân Hải Đông gặp nhiều khó khăn vì thiên tai, bão lụt, nhưng hiện tại xã có nhiều tỷ phú nhất huyện.

Anh Đinh Văn Thuận, 35 tuổi, ở xóm 5 là “tỷ phú” trẻ nổi tiếng trong vùng với nghị lực và tinh thần “dám nghĩ, dám làm”. Tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, anh làm việc cho một số Cty tại các tỉnh phía Nam. Năm 2013, nhận thấy thị trường cây dược liệu phát triển, loại cây đinh lăng phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương; anh Thuận quyết định về quê hương “khởi nghiệp”. Được gia đình và người thân cho vay vốn, trên diện tích 2,3ha, anh đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu, quy hoạch thành 3 vùng “chuyên canh” cây đinh lăng theo phương thức “gối vụ”, tạo quy trình sản xuất cây giống, vùng trồng cây thương phẩm, đảm bảo luôn đủ nguồn hàng “cung ứng” cho khách hàng trong năm. Chia sẻ về kỹ thuật canh tác đinh lăng, anh Thuận cho biết: Cây đinh lăng có thể thích nghi với nhiều vùng đất trồng khác nhau, tuy nhiên vùng đất có khả năng thoát nước tốt, phù hợp nhất là vùng đất cát pha có độ tơi xốp cao, độ ẩm đất trung bình. Theo kinh nghiệm của anh Thuận, đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn, chịu nóng nhưng không chịu úng ngập. Cây có biên độ sinh thái rộng, có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 28oC (từ giữa mùa thu đến cuối xuân cây phát triển nhanh nhất). Đối tượng sâu bệnh hại trên cây chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu xanh,… Khi chăm sóc cần tỉa bớt lá chỗ quá dày, khi thu vỏ rễ, vỏ thân thì thu hoạch lá trước, sau đó mới chọn hom giống. Đối với vỏ và rễ cây, tiến hành thu hoạch vào cuối tháng 8-9 dương lịch của năm thứ 2 (cây trồng 5 năm có năng suất vỏ rễ, vỏ thân cao nhất). Rễ và thân cây rửa sạch đất cát, cắt rời rễ lớn, hong gió một ngày cho ráo nước để riêng từng loại vỏ thân, vỏ rễ sau khi bóc. Rễ nhỏ có đường kính dưới 10mm không bóc vỏ. Rễ cần được phơi, sấy liên tục đến khi khô giòn là được. Củ và rễ tươi đã thu hoạch cần chế biến ngay, không nên để quá 5 ngày. Có thể thái lát mỏng 0,3-0,5cm rồi rửa sạch đem phơi hoặc sấy khô. Hiện tại, gốc và rễ đinh lăng được bán với giá 25 nghìn đồng/kg; lá đinh lăng khô được bán với giá 10 nghìn đồng/kg, còn cây giống được bán với giá từ 30-35 nghìn đồng/kg. Với hơn 2,3ha trồng cây đinh lăng, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, anh Thuận thu lãi 800 triệu đồng. Anh cho biết, trong năm 2018, anh sẽ đấu thầu gần 6 mẫu đất, đầu tư hệ thống trang trại chuyên trồng cây nghệ đỏ. Đây là loại cây dược liệu quý, được thị trường ưa chuộng, cho giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tuy, xóm Xuân Hà, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho sản lượng và giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tuy, xóm Xuân Hà, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho sản lượng và giá trị kinh tế cao.

Với lợi thế có nhiều thùng đào, ao đấu, lại gần biển, phương châm xây dựng NTM của Đảng ủy, UBND xã Hải Đông là xây dựng cơ chế tạo động lực cho bà con mở rộng sản xuất, chỉnh trang kết cấu hạ tầng thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp. Xã đã quy hoạch 8 vùng sản xuất, như: vùng lúa chất lượng cao, trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản,... từ đó, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Xóm Tây Cát là địa phương dẫn đầu xã Hải Đông về phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Từ năm 2003 đến nay, UBND xã đã quy hoạch và chuyển đổi 22,8ha diện tích đất cấy lúa tại vùng Bòng Đây thuộc xóm Tây Cát - vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả. Xóm có 8 cụm dân cư với 1.600 nhân khẩu, trong đó có 12 đảng viên. Bất cứ làm việc gì, chi bộ đều bàn trước, giao cho đảng viên phụ trách các hộ gia đình cùng với các tổ chức đoàn thể đến các hộ gia đình tuyên truyền, giải thích và vận động nhân dân ủng hộ. Đơn cử như các trang trại nuôi lợn, gà, gia đình đảng viên chăn nuôi gương mẫu làm hầm bi-ô-ga trước, sau đó mới vận động nhân dân làm theo. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ việc tìm đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y… đến đầu ra cho sản phẩm sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ nông dân ở Tây Cát đã thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi, đều xây bể bi-ô-ga để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại vùng chuyển đổi, nhiều hộ trong xóm đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình anh Đinh Công Uẩn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn thịt được chia thành nhiều khu riêng biệt gồm: khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Gia đình anh Nguyễn Văn Luật xây chuồng nuôi gà khép kín với quy mô mỗi lứa từ 8-10 nghìn con; nuôi lợn thịt quy mô mỗi lứa 150 con; quy hoạch khu vực ao nuôi cá với 15 nghìn con cá diêu hồng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Là một trong ba xã của huyện Hải Hậu có điều kiện thích hợp với nuôi tôm, đến nay, Hải Đông đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp 36ha, mỗi năm thu nhập hơn 36 tỷ đồng; có 22ha ngoài đê nuôi vạng giống mỗi năm cũng thu 22 tỷ đồng. Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở nuôi tôm của gia đình, anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Hợp Thành, xã Hải Đông cho biết, gia đình anh nuôi tôm hơn chục năm, nhưng gần đây mới “ăn nên, làm ra”. Anh đã trúng thầu 1,2ha đất làm muối năng suất thấp để thực hiện cải tạo thành các ao, đầm. Sau này, anh làm thêm 32 bể nuôi tôm theo hướng công nghiệp, mỗi bể diện tích 25m2, sau 3 tháng nuôi có thể đạt 130kg tôm. Để tránh dịch bệnh, nước biển được bơm trực tiếp vào bể, ao, đầm mà không qua hệ thống kênh mương. Với tổng kinh phí đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, mỗi năm, anh Cường thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hay mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tuy, xóm Xuân Hà, trên diện tích 3.000m2, từ 7 năm nay đã giúp anh có “bát ăn, bát để”; đồng thời, bản thân anh luôn nhiệt tình, giúp đỡ các hộ dân trong xã về kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc tôm thương phẩm, cho sản lượng và giá trị kinh tế cao.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã Hải Đông đã huy động sức dân và các nguồn vốn khác để làm đường giao thông nông thôn, đèn chiếu sáng, trung tâm hành chính “một cửa”, thủy lợi nội đồng, lò đốt rác thải... Cả 9 xóm đều có nhà văn hóa và khu thể thao liên xóm,... Bí thư Đảng ủy xã Hải Đông Phạm Văn Hiên chia sẻ, xã sớm đạt chuẩn xây dựng NTM là do đã huy động và tạo động lực để bà con nông dân thật sự là chủ thể trong việc thực hiện chương trình mục tiêu này. Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Đông, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Hải Đông có nhiểu khởi sắc: Tổng đàn lợn của xã đạt 3.000 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 342 tấn/năm; đàn gia cầm 135 nghìn con, trong đó có 120 nghìn con gà và 15 nghìn con vịt, sản lượng đạt 430 tấn/năm. Thu nhập từ chăn nuôi cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập từ sản xuất lúa, muối. Tổng thu ngân sách đạt 7,805 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 33 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng. Với phương châm xã và nhân dân cùng làm, nhân dân đã tự nguyện hiến 4.414m2 đất thổ cư để làm đường giao thông tháo dỡ các công trình như bếp, tường bao, bể nước, công trình phụ, ước tính giá trị trên 200 triệu đồng, xây được 2.800m bờ mương để thoát nước trị giá 840 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công lao động trị giá 1,3 tỷ đồng, cầu Hải Điền đã hoàn thành với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông xóm đã hoàn thành gồm 128 tuyến đường dài 29,14km, tổng giá trị trên 10 tỷ đồng; đường giao thông nội đồng đã cơ bản hoàn thành, đã có 63 tuyến đường dài 19,34km, tổng giá trị trên 6 tỷ đồng. Về xây dựng hạ tầng nông thôn, đã đầu tư xây dựng 3 nhà cao tầng, 18 phòng học và phòng chức năng trường THCS, 4 phòng học trường mầm non khu Tây Cát, xây dựng 6 phòng học và công trình phụ trợ trường mầm non khu 22/12; nâng cấp 4 phòng học và xây mới 6 phòng trường tiểu học khu A; lắp đặt lò đốt rác thải; xây dựng khu thể thao trung tâm xã và các công trình phụ trợ với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Năm 2014 xã Hải Đông đã được công nhận đạt chuẩn NTM./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com