Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp

08:08, 22/08/2017

Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người nông dân. Tuy nhiên, việc sử dụng các máy móc, công nghệ hiện đại một cách bừa bãi, thiếu khoa học ở một số nơi đang khiến người nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình lao động.

Tai nạn do thiếu hiểu biết và chủ quan
 
Trang trại của gia đình bà Hoàng Thị Hương, xóm 3, xã Trực Đạo (Trực Ninh) chăn nuôi lợn với tổng đàn lớn nên phải sử dụng quạt công nghiệp để thông gió, hút mùi, làm mát, ổn định nhiệt độ chuồng nuôi, đồng thời ngăn cản mưa hắt, côn trùng, chuột vào khu chăn nuôi khi không sử dụng. Năm 2015, trong một lần vào chuồng chăm sóc đàn lợn, do sàn chuồng trơn, bà đi chân đất nên bị trượt ngã, chống tay vào quạt thông gió. Hậu quả bà bị cánh quạt chém đứt 2 ngón tay. Không những tốn kém chi phí điều trị mà mấy tháng sau xảy ra sự cố, sức khỏe của bà vẫn chưa bình phục. Bà Hương cho biết, đến nay mỗi khi lao động, tay bà không được “thật”. Ngoài tai nạn do bất cẩn, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do chủ quan hoặc thường bỏ qua các khuyến cáo sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV. Bà Đới Thị Oanh, nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) cho biết: Cách đây mấy tháng, có lần đi thăm ruộng thấy lúa bị sâu nặng quá, bà mua thuốc trừ sâu phun gấp, không kịp đeo khẩu trang, chỉ mặc áo vải và đội nón lá. Thấy sâu hại nhiều nên bà phun lượng thuốc nhiều hơn bình thường, đúng thời điểm trời nắng nóng. Xong việc, khi về nhà bà thấy đầu óc choáng váng, chân tay bủn rủn phải nghỉ làm mấy ngày. Sau này bà mới biết nguyên nhân do lần đó đi phun thuốc trừ sâu đã tuỳ tiện, không chú ý bảo vệ sức khoẻ. Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn và khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV không thể tùy tiện mà phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” là đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng lúc và đúng cách.
 
Sản xuất ngày càng phát triển đòi hỏi việc đưa máy móc vào các khâu công việc ngày càng nhiều để đáp ứng yêu cầu thời vụ… Các loại máy móc, thiết bị, hoá chất phục vụ trong sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng nhiều, đa dạng, cung cấp rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên việc sử dụng máy móc, hoá chất một cách tự phát, không được đào tạo, chỉ dẫn, thiếu khoa học trong nông nghiệp và ngành nghề nông thôn như hiện nay đã và đang khiến người nông dân phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro về mất an toàn sức khỏe lao động. Hiện nay đa phần lao động trong ngành nông nghiệp “hổng” kiến thức, kỹ năng sử dụng máy và hóa chất. Phần lớn nông dân tìm hiểu kỹ thuật sử dụng máy theo kiểu “học lỏm”, do vậy những tai nạn xảy ra gây tổn thất về vật chất như: hư hỏng máy móc thiết bị hoặc gây tai nạn cho người sử dụng máy và những người xung quanh vẫn thường gặp ở nông thôn. Mặt khác, với thói quen tâm lý đơn giản hóa trong lao động đã hạn chế người nông dân tiếp xúc với những kiến thức chuyên môn và kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Đơn cử như khi phun thuốc trừ sâu nhiều nông dân thường bỏ qua công tác bảo hộ như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ... Nhiều trường hợp để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình mà không được bảo quản một cách cẩn thận, hay đang pha chế thuốc sâu cũng châm thuốc để hút, hoặc tiện tay lau mồ hôi trên mặt, thậm chí ăn uống trong quá trình pha chế thuốc. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly… để tăng năng suất cây trồng đã làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp ngày càng tăng mạnh. Về lâu dài, chính người nông dân sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiếu an toàn này.
 
Cần được quan tâm đúng mức
 
Trước tình trạng này Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động cho nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao tay nghề cho người nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi như: hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi, hướng dẫn vận hành, sử dụng một số loại máy móc, trang thiết bị nông nghiệp, nghề nông thôn. Trong chương trình “hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động cho chủ sở hữu và người sử dụng máy móc, thiết bị điện, hóa chất trong sản xuất và ngành nghề nông thôn” của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT), từ năm 2012 đến năm 2015, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức 8 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 400 lượt người tham gia. Các đợt tập huấn đã trang bị kiến thức về bảo đảm an toàn trong sử dụng máy kéo, máy làm đất; máy gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng; máy thu hoạch và vận chuyển nông sản ở nông thôn; một số loại máy cố định như: máy đập lúa, máy xay xát gạo, bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc… và các biện pháp xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp. Mặc dù vậy việc tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta trong những năm qua vẫn chẳng khác gì như “muối bỏ biển” bởi ngoài chương trình này, không có nhiều chương trình hỗ trợ khác trong việc trang bị kiến thức cho nông dân về biện pháp an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất giúp bà con tự cải thiện điều kiện lao động, tự bảo vệ mình khỏi tai nạn và bệnh tật trong quá trình lao động. Có một thực tế là tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa được thống kê, báo cáo, chưa có đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp. Do vậy tai nạn lao động trong nông nghiệp nhiều khi được đánh đồng là tai nạn sinh hoạt ở nông thôn. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp bị buông lỏng, việc thanh tra, kiểm tra bị bỏ ngỏ.
 
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tỉnh đã và đang có những chuyển biến tích cực, các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa không ngừng được mở rộng. Đây là điều kiện để người nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Để sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, công tác phổ biến kiến thức, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về an toàn vệ sinh lao động cho người nông dân cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Triển khai những giải pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ số lượng và chất lượng để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người sản xuất và cộng đồng, bảo vệ môi trường sống./.
 
Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com