Cơ hội mới cho xuất khẩu cám gạo

08:08, 19/08/2017

Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi có hệ thống sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 251km mang theo nguồn phù sa giàu dinh dưỡng rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh hiện nay có trên 76 nghìn ha được phân bố ở 10 huyện, thành phố. Trong đó 2 huyện Ý Yên và Hải Hậu có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất. Người dân từ bao đời nay có truyền thống trồng lúa nước nên trình độ thâm canh cao. Hiện nay, năng suất lúa của tỉnh đã đạt mức tương đối cao. Đối với vụ xuân năng suất bình quân ước đạt 69 tạ/ha, vụ mùa năng suất bình quân ước đạt 50 tạ/ha. Nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập trên một ha canh tác, vừa qua, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam và Cty Sanwa Yushi (Nhật Bản) đã có buổi làm việc với HND tỉnh và một số doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh về việc khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu cám gạo tại tỉnh ta. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch HND tỉnh đã thông tin về những tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị với lãnh đạo Cty Sanwa Yushi  hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, công nghệ chế biến, bảo quản lúa gạo sau thu hoạch, cũng như giúp bà con nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau buổi làm việc đoàn đã về thăm và làm việc với Cty TNHH Toản Xuân tại xã Yên Lương (Ý Yên) - một Cty đi đầu tại Nam Định về lĩnh vực sản xuất gạo và cám gạo sạch. Trong khuôn khổ buổi làm việc, 2 bên thống nhất, thời gian tới, Cty Sanwa Yushi sẽ hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm cám gạo cho nông dân trong tỉnh.

Cơ sở chế biến nông sản Việt Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản) mỗi năm chế biến, tiêu thụ trên 300 tấn gạo sạch và gần 100 tấn cám gạo.
Cơ sở chế biến nông sản Việt Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản) mỗi năm chế biến, tiêu thụ trên 300 tấn gạo sạch và gần 100 tấn cám gạo.

Được biết cách đây vài năm, gạo và cám gạo của Việt Nam cũng đã xuất sang thị trường Trung Quốc qua việc ký kết tiêu thụ giữa một số Cty trong nước và đối tác. Từ đây, gạo và cám gạo của Việt Nam đã có một vị thế mới, xuất khẩu theo đường chính ngạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chủ động hơn trong việc đàm phán trong giá cả. Các sản phẩm sau hạt gạo mà người Việt Nam chúng ta thường gọi là “phụ phẩm” như cám, trấu và phôi gạo đã trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực cho một loạt ngành công nghiệp sau gạo. Như vậy, nếu hiểu đúng thì lúa gạo không chỉ thuộc lĩnh vực “sản xuất nông nghiệp”. Giá trị gia tăng của các sản phẩm sau gạo được tạo ra đều ở quy mô sản xuất công nghiệp ngày càng sâu với hàm lượng chất xám và công nghệ rất cao, lúa gạo đã trở thành lĩnh vực sản xuất “nông nghiệp - công nghiệp”. Trao đổi bên lề buổi làm việc, các chuyên gia của doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, dầu gạo, hay dầu cám gạo được chiết xuất từ cám gạo, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Vì vậy, đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản đã tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc lúa gạo, quy trình xay xát, sản lượng và chất lượng cám gạo của cơ sở.

Cám gạo thường chiếm 10% trọng lượng hạt thóc. Ở nước ta, cám gạo được coi là phụ phẩm nông nghiệp, dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cám gạo đã được chứng minh là chứa nhiều chất dinh dưỡng và các chất có hoạt tính sinh học cao. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, sử dụng cám gạo có lợi cho sức khỏe: chống lão hóa, ổn định huyết áp, tăng sức đề kháng, cân bằng đường huyết, điều chỉnh hệ thống nội tiết tố cho phụ nữ tiền mãn kinh, đặc biệt hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư. Nguyên nhân một số doanh nghiệp nhập khẩu cám gạo bởi trong cám gạo có protein (11-17%), chất béo (12-29%), carbonhydrate và chất xơ (6-31%); chưa kể các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6), vitamin E, vitamin K, cholin, acid folic và các chất khoáng như Fe, K, P, Se, Mg, Zn… Ngoài ra hiện nay, trên thế giới đã sử dụng dầu cám gạo như thực phẩm bổ sung mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong các trường hợp bị tiểu đường, thông qua cơ chế làm giảm quá trình stress, ôxy hóa, dẫn tới quá trình tái sinh các tế bào tụy, thận, tim, gan trở nên bình thường. Dầu cám gạo cũng làm giảm tình trạng rối loạn lipid máu, làm giảm sự tăng đáp ứng với nồng độ insulin cao trong trường hợp đái tháo đường. Dầu cám gạo chứa các thành phần có hoạt tính sinh học cao như g-oryzanol, vitamin E, squalen, tocopherol nên có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư da, ung thư đại tràng, ung thư tụy. Ngoài ra, dầu cám gạo cũng được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da như giữ ẩm, làm mềm da, chống lão hóa, làm trắng da. Tại Nhật Bản, bí quyết giữ sắc đẹp của phụ nữ xứ sở hoa Anh Đào cũng chính là cám gạo. Được sử dụng trong các chế phẩm sữa rửa mặt giữ ẩm cho da, kem dưỡng da có tác dụng chống ôxy hóa, chống lão hóa, chống hấp thụ tia UV... Cám gạo còn được dùng để bổ sung vitamin B, đặc biệt B1 và acid folic cho khẩu phần ăn của phụ nữ có thai, giúp cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.

Với việc một trong những doanh nghiệp chế biến nông sản hàng đầu của Nhật Bản sang khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu cám gạo là một cơ hội lớn cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Để có thể xuất khẩu cám gạo, nhất là với thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản, yêu cầu đặt ra là người nông dân phải bắt tay vào liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến nông sản tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, gieo cấy những giống lúa có chất lượng và áp dụng quy trình sản xuất sạch. Từ đó, mở ra hướng sản xuất theo chuỗi khép kín, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com