Bảo đảm an toàn môi trường trong thi công xây dựng

07:08, 17/08/2017
Theo quy định hiện hành, trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường. Mặc dù công tác quản lý về ATLĐ và vệ sinh môi trường trong lĩnh vực xây dựng đã được quan tâm, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm song tình trạng ô nhiễm môi trường tại các công trình xây dựng vẫn phức tạp ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là ở những khu đô thị, các công trình nhà ở dân cư tại nơi mật độ xây dựng cao (KĐT mới, dự án đầu tư xây dựng lớn) gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh khu vực. Theo cơ quan chức năng, các vi phạm phổ biến là không có bạt che chống bụi; tập kết phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; các phương tiện vận chuyển che chắn không cẩn thận làm rơi vãi bùn đất phế thải, vật tư, vật liệu xây dựng, bùn đất, cát, đá ra đường phố gây bụi bẩn vừa mất an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường; thậm chí có trường hợp đổ bê tông thừa ra hè phố, đường giao thông... không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn hư hại hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư xây dựng công trình không nắm bắt đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường. Do công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, còn buông lỏng quản lý việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm môi trường của chủ thi công công trình.
Thi công xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện Sơn Nam tại Thành phố Nam Định.
Thi công xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện Sơn Nam tại Thành phố Nam Định.
Hiện tại, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thi công xây dựng, theo Sở Xây dựng, các dự án đều phải lập báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường ngay khi đề xuất đầu tư và phải thông qua các sở, ngành chức năng thẩm định, phê duyệt trước khi khởi công dự án. Báo cáo phải bao gồm các giai đoạn lập dự án (khảo sát tác động tới môi trường thiên nhiên, sức khỏe con người và an toàn môi trường); giai đoạn thi công dự án và giai đoạn đưa vào hoạt động. Nội dung, phạm vi đánh giá phải đúng và đủ các tác động của khí thải phát sinh từ thi công, phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng, tiếng ồn, nước thải phát sinh từ sinh hoạt của công nhân, rác thải xây dựng. Đặc biệt, xác định rõ các tác động của chất thải rắn xây dựng (đất, cát, đá vữa gây thu hẹp dòng chảy của cống thoát nước; vỏ bao xi măng, mảnh gỗ vụn, vỏ thùng…), chất thải rắn sản xuất, chất thải sinh hoạt bình quân của lực lượng lao động. Các chủ đầu tư phải đề xuất được các biện pháp khắc phục và giảm thiểu rủi ro, tác động đến môi trường như khống chế khói, bụi trong quá trình thi công (che chắn bằng tường hoặc tôn; phun nước hạn chế bụi, đất cát theo gió phát tán vào không khí, phủ kín xe vận tải vật liệu xây dựng, bố trí biển báo, quét dọn công trường khi hết ngày làm việc). Khống chế nước thải (nạo vét bùn lắng ở các cống thoát khi giai đoạn xây dựng kết thúc). Bố trí bãi chứa, nhà kho, khu lưu trữ quy định để khống chế chất thải rắn trong quá trình thi công, chờ xử lý theo đúng quy trình. Anh Phạm Xuân Thắng, quản đốc Cty CP Xây dựng Nasaco tại công trường thi công KĐT trung tâm Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường song song với triển khai từng bước thi công trên công trường nên dự án được thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra, các yếu tố môi trường tại công trường đảm bảo theo quy định, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của công nhân và môi trường các khu dân cư xung quanh, góp phần tạo nên hình ảnh uy tín, chuyên nghiệp cho chính nhà thầu, chủ đầu tư.
 
Hiện Bộ Xây dựng đang dự thảo thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong ngành Xây dựng, đề xuất nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư, như việc yêu cầu chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Một số yêu cầu đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và các bên liên quan phải thực hiện để đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo dự thảo như: phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn cho phép. Khi thi công phải bố trí cầu rửa xe ở các vị trí có xe, phương tiện thi công ra vào công trường. Các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, phương tiện thi công khi đi vào nội thành hoặc ra khỏi công trường phải được rửa sạch đảm bảo mỹ quan và không gây bụi, bẩn đường phố. Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải cầu rửa xe đảm bảo yêu cầu trước khi thải vào hệ thống thoát nước, ao, hồ của khu vực. Ngoài ra, theo dự thảo, trên công trường xây dựng phải bố trí hệ thống thoát nước thi công, thiết kế biện pháp đấu nối hợp lý đảm bảo tiêu nước triệt để, không gây ngập úng trong suốt quá trình thi công. Nước thải thi công trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực phải thu về hố ga, lắng đọng bùn đất, phế thải qua các ngăn lắng đọng, kích thước các hố ga phải phù hợp với lưu lượng nước thải. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nạo vét, thu gom bùn rác chuyển đến nơi quy định; không để vật liệu, phế thải xây dựng, dung dịch khoan, hóa chất... thải vào hồ ao, kênh mương, hệ thống thoát nước chung của khu vực. Bên cạnh đó, khi khoan giếng, khai thác nước ngầm để thi công phải được cấp có thẩm quyền cho phép và tuân thủ theo các quy định có liên quan về quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm; trám lấp lỗ khoan theo đúng quy định… Đồng thời, nhà thầu bố trí bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường; xây dựng nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình. Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, CNLĐ và các đối tượng có liên quan trên công trường. Đặc biệt, chủ đầu tư có quyền đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường trong khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi cho phép tiếp tục thi công.
 
Việc quy định chặt chẽ cụ thể, tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu sẽ là biện pháp hữu hiệu để siết chặt quản lý, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng hướng tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com