Hiệu quả các giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn ở Hải Bắc

08:08, 01/08/2017
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, đời sống, kinh tế của nhân dân xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã được cải thiện đáng kể. Tính đến hết năm 2016, bình quân thu nhập đầu người của xã đã đạt trên 37 triệu đồng. Ngoài nghề dệt chiếu truyền thống ở xóm Phương Đức, xã đã phát triển thêm một số ngành nghề thủ công nghiệp như: may công nghiệp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, mộc mỹ nghệ, chế biến lương thực - thực phẩm, cơ khí… ở các xóm Triệu Phúc, Triệu Thông, An Lộc... 
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Chính - Huế, xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Chính - Huế, xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu).
Xã Hải Bắc có 11 xóm với trên 7.000 nhân khẩu, vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế bởi liền kề Thị trấn Yên Định - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Phát huy các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, lao động để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình “xây dựng NTM bền vững và phát triển”; đề án “phát triển sản xuất CN-TTCN, giải quyết việc làm trên địa bàn”... giai đoạn 2015-2020 theo chủ trương của huyện. Để phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, tín dụng giúp các cơ sở, hộ cá thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, xã đã lập đề án quy hoạch và phát triển làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ NN và PTNT. Năm 2012, làng nghề dệt chiếu ở xóm Phương Đức đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ NN và PTNT. Ngoài các khung dệt chiếu thủ công, làng nghề Phương Đức đã có 2 hộ là các ông: Trần Văn Bích, Bùi Văn Phụng đầu tư dàn dệt chiếu máy; bình quân mỗi ngày một dàn dệt chiếu sản xuất được từ 45-50 lá chiếu (khổ rộng từ 0,8-1,6m, dài 2m). Hộ ông Bích còn là đại lý cung ứng nguyên liệu cói nhập từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa..., nhận gia công các công đoạn in hoa văn, hấp sấy và bao tiêu sản phẩm (xuất đi các tỉnh phía Bắc) cho bà con. Bên cạnh nghề dệt chiếu, nghề làm bánh nhãn đặc sản ở xóm 12 vẫn được duy trì và phát triển sang cả các xóm: 10, Giáp Nội, Đông Biên... thu hút trên 100 hộ gia đình (mỗi hộ từ 2-3 lao động) tham gia. Các nghề may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí tổng hợp cũng phát triển sôi động... Toàn xã hiện có gần 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đa dạng các ngành nghề, dịch vụ. Nghề may công nghiệp có trên 20 cơ sở (quy mô từ 15-30 lao động/cơ sở) chuyên nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp may lớn trong và ngoài tỉnh tạo việc làm và thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 500 lao động trong xã. Trong đó, có nhiều hộ đã đầu tư vốn phát triển các cơ sở may công nghiệp quy mô từ 30 máy may/cơ sở như các ông bà: Vương Văn Tam, xóm 4; Hoàng Thị Loan, xóm Triệu Thông B; Bùi Văn Điền, xóm Phương Đức... Nghề cơ khí cũng phát triển với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng sản phẩm như: kéo sợi nhôm, sản xuất lõi cáp dây điện của anh Vũ Viết Cao ở xóm 4; xưởng sơn tĩnh điện của anh Nguyễn Trung Kiên, xóm Triệu Thông B; Cty TNHH Thành Lộc Lập, xóm Phố Mới chuyên sản xuất các loại cửa nhựa lõi thép uPVC, cửa nhôm kính các loại... Anh Kiên cho biết: Đầu năm 2016, anh đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 150m 2 trang bị một buồng sơn, 1 buồng sấy và hệ thống cẩu công suất nâng 1 tấn để nhận các hợp đồng sơn tĩnh điện các loại: cửa xếp, cổng, hàng rào... phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng. Buồng sơn của anh có công suất tối đa trên 100m 2 cửa/ngày. Sản phẩm sau khi được sơn xong được cẩu sang buồng sấy sử dụng điện (nhiệt độ khoảng 200 độ C) sấy khô trong khoảng 1 tiếng nên không chỉ bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ mà còn đảm bảo độ bền qua thời gian sử dụng. Cơ sở của anh hiện tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề mộc - khảm trai cũng là nghề phát triển mạnh ở Hải Bắc với hàng chục cơ sở sản xuất nằm tập trung ở các xóm: An Lộc, 4... Anh Nguyễn Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Chính - Huế, ở xóm 4 cho biết: Cơ sở của anh bình quân mỗi tháng tiêu thụ từ 4-5m 3 gỗ để sản xuất từ 6-8 bộ sản phẩm các loại (tủ, sập, giường, bàn ghế...) theo lối cổ. Năm 2015, anh mạnh dạn đầu tư thêm 1 máy chạm khắc gỗ CNC loại 6 dao từ nước ngoài để đảm bảo sản xuất. Hiện tại cơ sở của anh thường xuyên sử dụng từ 7-8 thợ với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Một số cơ sở sản xuất gạch không nung từ xi măng - cát - đá mạt; đúc cấu kiện bê tông, làm hàng rào bê-tông, quay ang - chậu trồng cây cảnh của các hộ: Nguyễn Văn Giáp, Vũ Văn Viên đều ở xóm An Lộc; Trần Văn Cường, xóm Triệu Phúc... cũng làm ăn khấm khá, tạo nhiều việc làm cho lao động phổ thông ở địa phương.
 
Phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN, cơ cấu kinh tế của xã Hải Bắc đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Năm 2016, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của xã đã được giảm xuống còn 34%; sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ được nâng lên mức 66%. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để xã Hải Bắc phấn đấu thực hiện và hoàn thành chương trình “xây dựng NTM bền vững và phát triển” trong năm 2017./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com