Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin minh bạch của doanh nghiệp

09:07, 31/07/2017
Sức mạnh và giá trị của thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nằm ở chỗ doanh nghiệp sớm hoặc kịp thời nắm bắt được thông tin đúng thì mới có thể đưa ra các định hướng, chiến lược kinh doanh thích hợp từ đó mới chuyển hóa các cơ hội thành hiện thực đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng “thiếu” thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư... đang khá phổ biến đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. 
 
Thực tế cho thấy, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế; trong đó không ít trường hợp thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư… Theo kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh những năm gần đây, chỉ số tính minh bạch thông tin có xu hướng giảm dần từ năm 2012 đến nay. Đến năm 2016, chỉ số tính minh bạch thông tin có chững lại, không tăng so với năm 2015; là tỉnh duy nhất trong tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng có chỉ số này không cải thiện. Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào trang web của chính quyền đạt tỷ lệ cao (51,45%, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố) nhưng điểm số đánh giá về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh rất thấp (xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố). Chỉ có 54,76% doanh nghiệp cho rằng các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi được phê duyệt khiến chỉ số này của tỉnh giảm 5 bậc so với năm 2015 (xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố). Đáng quan ngại là tình trạng mối quan hệ cá nhân với công chức Nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có trên 61% doanh nghiệp được điều tra tại tỉnh cho biết phải sử dụng các “mối quan hệ” để có được các thông tin, tài liệu của tỉnh, kéo chỉ tiêu này giảm 8 bậc so với năm 2015, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, chính những bất cập trong tiếp cận thông tin minh bạch nêu trên là một phần nguyên nhân dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp không có nhiều cơ hội nắm bắt và tiếp cận các nguồn lực về đất đai, nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ, dẫn đến để tuột các cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận thông tin minh bạch có thể kéo theo các hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, cụ thể như nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý Nhà nước thay vì tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 
Dây chuyền sản xuất bia tại Cty CP Bia NaDa Nam Định.
Dây chuyền sản xuất bia tại Cty CP Bia NaDa Nam Định.
Để cải thiện, nâng cao chỉ số về tính minh bạch thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc công khai rộng rãi thông tin, tăng cường áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Chấn chỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước nghiêm túc, bảo đảm công tâm, công bằng, minh bạch trong quá trình công khai và xử lý các vấn đề liên quan đến việc công khai thông tin. UBND tỉnh giao cho Sở TT và TT và Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trong nâng cao điểm số về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm cải thiện chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH và ĐT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm cải thiện chỉ số về doanh nghiệp cho rằng các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin minh bạch cho doanh nghiệp. Sở TT và TT đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử phục vụ cải cách hành chính, công khai, minh bạch phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp; phấn đấu trước ngày 1-9-2017 hoàn tất xây dựng Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT tại các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo hướng lựa chọn nội dung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, tránh hình thức. Phấn đấu đến 1-7-2018 việc ứng dụng CNTT của tỉnh đạt được các mục tiêu: Thực hiện giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 tại các huyện, thành phố. Cải cách hành chính, kết hợp việc ứng dụng CNTT với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong cơ quan Nhà nước. Đảm bảo các hệ thống thông tin được kết nối liên thông, chia sẻ dùng chung tài nguyên giữa các cơ quan Nhà nước. Sở TT và TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phấn đấu đến hết tháng 8-2017 hoàn thành xây dựng trục kết nối liên thông bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kết nối thông suốt phần mềm từ Chính phủ đến tỉnh, huyện, xã. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin, văn bản theo hướng bảo đảm chất lượng, thực chất, kịp thời trên Cổng/trang thông tin điện tử. Từ nay đến trước ngày 31-12-2017, Sở TT và TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, lựa chọn, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp... 
 
Bên cạnh sự tăng cường hỗ trợ bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng từ phía các cơ quan chức năng, sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp trong việc xác định chính xác mình đang cần thông tin gì, tiếp cận ở đâu, với ai để lựa chọn chính xác kênh thông tin là yêu cầu cần thiết để có thể cải thiện chỉ số này của tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com