Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong xử lý vi phạm bến bãi ven sông

08:08, 14/08/2017
Một trong những hình thức vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh ta diễn ra phổ biến, phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến đê điều, cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ là hoạt động kinh doanh của các bến bãi ven sông không theo quy hoạch. Theo thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh có 284 vị trí bến trên các tuyến sông Trung ương quản lý, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bốc xếp hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu và sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy. Trong số 219 bến hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép…) hiện nay mới chỉ có 144 bến được cấp phép, có tổ chức hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng; các bến còn lại hoạt động không phép, hình thành tự phát chủ yếu dựa vào các điều kiện tự nhiên sẵn có. Trong đó, một số bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ cầu, đường bộ, hành lang bảo vệ đê điều; một số bến cải tạo trái phép gây ảnh hưởng đến dòng chảy; chủ bến không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh bến bãi; tàu thuyền ra vào bốc xếp hàng hóa chủ yếu là các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm; các phương tiện đường bộ ra, vào bốc xếp vận chuyển hàng hóa thường xuyên không chấp hành các quy định về tải trọng, ATGT, vệ sinh môi trường. Ngay cả các bến bãi đã được cấp phép, về cơ bản đầu tư thiếu đồng bộ, năng lực khai thác, xếp dỡ, kho bãi, giao thông kết nối còn hạn chế. Việc quản lý các phương tiện ra, vào bốc xếp hàng hóa còn thiếu chặt chẽ, nhiều phương tiện không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, tải trọng hàng hóa và các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường. Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm này phổ biến và kéo dài là do chính quyền xã, thị trấn sở tại thiếu kiểm tra, chậm phát hiện vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa. Có nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo kịp thời nhưng UBND xã, phường, thị trấn cũng không ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và không báo với cấp cao hơn để xử lý sớm. Nhiều vi phạm được cấp trên kể cả UBND tỉnh chỉ đạo nhưng chính quyền cơ sở vẫn không xử lý hoặc xử lý một cách hình thức, không triệt để, không kịp thời.
Cty CP Thiên Trần Vũ vi phạm kinh doanh bến bãi ven sông trong hành lang bảo vệ tuyến đê hữu sông Hồng (Mỹ Lộc).
Cty CP Thiên Trần Vũ vi phạm kinh doanh bến bãi ven sông trong hành lang bảo vệ tuyến đê hữu sông Hồng (Mỹ Lộc).
Để hoàn thành việc giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông, trong tổng thể các giải pháp đồng bộ, UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường, thị trấn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi và bãi sông đúng thẩm quyền luật định. Yêu cầu cấp xã, phường, thị trấn phải chủ động báo cáo với thường trực cấp ủy về tình hình vi phạm đê điều, bến bãi ven sông trên địa bàn để chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm công trình đê điều, bến bãi ven sông; xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các ngành và các xã, phường, thị trấn. Tại Trực Ninh, UBND huyện đã giao UBND các xã, thị trấn phải xác định nhiệm vụ giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi, bến bãi ven sông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm của cấp ủy, chính quyền; Chủ  tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để phát sinh vi phạm mới và kết quả thực hiện kế hoạch giải tỏa. Các xã, thị trấn phải huy động các tổ chức đoàn thể vào cuộc một cách mạnh mẽ, thiết thực. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và các vi phạm bến bãi ven sông. Bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời ngay từ ban đầu đối với các vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi, các vi phạm bến bãi ven sông, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; phối hợp với Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê Trực Ninh, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh, Hải Hậu tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn; xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm trong năm 2017 và 2018 và những năm tiếp theo đảm bảo tính khả thi, phấn đấu xử lý triệt để những vi phạm còn tồn tại và không để phát sinh vi phạm mới. Theo chỉ đạo này các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch phân loại, giải tỏa vi phạm theo hướng: Năm 2017 tập trung xử lý các vi phạm trên mặt đê, mái đê, trong hành lang an toàn đê điều, trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra; các vi phạm phát sinh kể từ khi có Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh đến nay; các lò gạch thủ công; các vi phạm trong lòng kênh, mái kênh, hai bên bờ kênh, vi phạm trong phạm vi bảo vệ cống đập, trạm bơm, công trình thủy lợi. Năm 2018, giải tỏa các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trong hành lang thoát lũ trên bãi sông không được cấp phép; các vi phạm ở hai bên bờ kênh; các vi phạm trong hành lang thoát lũ các tuyến sông và hành lang bảo vệ các tuyến kênh, công trình thủy lợi. Để đảm bảo đồng bộ huyện kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều trên địa bàn huyện; đặc biệt là các đoạn mặt đê chưa được cứng hóa bằng bê tông, chưa đủ cao trình và mặt cắt thiết kế. Ban hành hướng dẫn đồng bộ hồ sơ, thủ tục cấp phép xây dựng công trình dự án, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông. Đầu tư xây dựng barie trên đê tại các vị trí có nhiều xe chở vật liệu xây dựng đi lại để hạn chế xe quá khổ, quá tải. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh tạo điều kiện để các cơ sở, bến bãi vào vùng quy hoạch và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Tại Nam Trực, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn trong rà soát, lập kế hoạch xử lý các vi phạm đê điều, vi phạm kinh doanh bến bãi ven sông phải đảm bảo chính xác, phương án xử lý phải mang tính khả thi cao, trên cơ sở kế hoạch xử lý đã được thông qua theo đúng thẩm quyền thì phải tổ chức thực hiện bằng được, tránh xử lý hình thức, không hiệu quả. Huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn giao cán bộ địa chính rà soát, phân tách rõ phần đất vi phạm không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà kinh doanh bến bãi ven sông trái quy định cũng như các vi phạm đến đê điều, công trình thủy lợi phải xử lý kịp thời. Phối hợp với Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh rà soát, lập kế hoạch, lộ trình, xác định vị trí cắm mốc hành lang công trình thủy lợi. Giao Phòng NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Hạt quản lý đê, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch xử lý, cung cấp cho các xã, thị trấn đầy đủ, chi tiết danh sách các vi phạm; hướng dẫn các xã, thị trấn về thủ tục hành chính trong việc xử lý, cưỡng chế giải tỏa các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp trong việc huy động lực lượng chức năng giúp các địa phương xây dựng phương án bảo vệ an ninh trật tự khi tổ chức cưỡng chế xử lý giải tỏa các vi phạm, đảm bảo an toàn, đúng các quy định của pháp luật.
 
Sự chủ động nâng cao trách nhiệm cấp xã cùng các biện pháp đồng bộ thiết thực được áp dụng là cơ sở quan trọng để công tác quản lý, xử lý vi phạm về đê điều, kinh doanh bến bãi ven sông trên địa bàn tỉnh ta sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com