Xuân Trường đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nâng cao hiệu quả sản xuất

03:07, 16/07/2017
Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường: rét đậm, rét hại kéo dài trong vụ xuân; khô hanh, ấm, ít mưa trong vụ đông; mưa úng trên diện rộng, bão xuất hiện muộn vào thời gian cuối vụ khi thu hoạch lúa mùa… ảnh hưởng đến kết quả sản xuất hằng năm. Cùng với đó, tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng có xu hướng gia tăng mức độ gây hại trên diện rộng làm thiệt hại lớn đến sản xuất như: bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu đục thân… Trước những ảnh hưởng bất lợi trên đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ và thời gian gieo cấy lúa nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp có tính hiệu quả, bền vững.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Kiên.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Kiên.
Các xã, thị trấn đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ, tiếp thu, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời tập trung đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống thủy lợi tại các vùng sản xuất để chống úng, chống hạn đảm bảo an toàn cho sản xuất. Đến nay, cơ cấu giống lúa của huyện được chuyển mạnh sang các loại giống có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày; trừ tỷ lệ nhỏ (chiếm 8% diện tích) cấy lúa đặc sản trong vụ mùa. Trong vụ xuân là các giống lúa: BT7, RVT, DQ11, Nếp 97, BC15, TH3-3, trong đó giống BT7 chiếm tới 97% diện tích; vụ mùa là các giống BT7 kháng bạc lá (chiếm 40% diện tích), BC15 (chiếm 15% diện tích), diện tích còn lại là các giống lúa khác như DQ11, Nếp 97, tám, nếp đặc sản… Đi đôi với chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống lúa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và thời vụ gieo cấy cũng được huyện xem là yếu tố then chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách ổn định, bền vững. Những năm qua, đối với cây lúa huyện chuyển mạnh sang “xuân muộn” và “mùa sớm”. Ở vụ xuân, huyện cơ bản tập trung chuyển sang gieo mạ nền xung quanh tiết lập xuân. Việc bố trí 100% diện tích gieo cấy sang xuân muộn nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại trong các đợt rét đậm, rét hại ở 3 vụ xuân 2014, 2015, 2016. Ở vụ mùa, diện tích cấy lúa của huyện có xu hướng chuyển mạnh sang cấy lúa mùa sớm và mùa trung sớm, chiếm trên 90% diện tích để hạn chế nhiều rủi ro do thời tiết xấu cuối vụ. Ngoài chuyển dịch cơ cấu giống thì việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, phương thức thâm canh chính là mấu chốt để huyện rút ngắn thời vụ, thực hiện thành công công thức “xuân muộn - mùa sớm”, đồng thời đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH, giảm bớt chi phí sản xuất cho nông dân. Toàn huyện đã tập trung chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, từ đó đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn “3 cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác). Đến nay, huyện Xuân Trường đã xây dựng 51 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 2.100ha. Điển hình là xã Xuân Kiên xây dựng 4 cánh đồng mẫu lớn với quy mô 205ha, Xuân Vinh và Xuân Ninh 6 cánh đồng mẫu lớn, Xuân Phú 4 cánh đồng mẫu lớn… Từ tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa các khâu sản xuất ngày càng được mở rộng diện tích tại các xã, thị trấn. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích. Phương thức gieo sạ với ưu thế giảm công lao động cho nông dân, giảm lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 10-15%... so với phương thức cấy truyền thống được các hộ nông dân trong huyện áp dụng đến 70% diện tích trong vụ xuân. Trong vụ mùa, một số địa phương chủ động được tưới, tiêu nước vẫn tổ chức gieo sạ với tỷ lệ cao, như: Xuân Kiên 100% diện tích; Xuân Thượng, Xuân Châu, Xuân Phương, Xuân Ninh… trên 50% diện tích. Để đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch, trước vụ thu hoạch 10 ngày, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rút nước triệt để, tạo thuận lợi cho việc đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng, nhất là tại những vùng có chân ruộng trũng như Xuân Hòa, Xuân Thủy. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch của huyện đã đạt 97% diện tích nên tốc độ gặt rất nhanh, sớm giải phóng đồng ruộng. Toàn bộ 5.500ha lúa của huyện được thu hoạch chỉ trong vòng 10 ngày. Nhờ nâng cao năng lực khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như: giảm tổn thất khâu thu hoạch, giảm giá thành sản xuất cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ, tránh xả thải rơm rạ ra kênh mương gây ách tắc dòng chảy… Đặc biệt còn rút ngắn thời vụ, giảm áp lực chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa. Việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, thay đổi cách tổ chức sản xuất, phương thức thâm canh đã giúp huyện Xuân Trường mở rộng cơ cấu trà lúa “xuân muộn” trong vụ xuân và trà lúa “mùa sớm” trong vụ mùa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo tính an toàn thời vụ cao. Cụ thể ở các xã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ như: Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Phú, Thọ Nghiệp... đã tránh được một số loại dịch gây hại như bệnh bạc lá, vàng lùn và lùn xoắn lá, sâu đục thân, rầy nâu... và tránh được bão, mưa úng thường xuất hiện nhiều vào cuối vụ. Chính vì thế, năng suất lúa bình quân hằng năm của huyện luôn đạt trên 123 tạ/ha, sản lượng đạt trên 70 nghìn tấn, là một trong những địa phương đứng đầu về năng suất của tỉnh.
 
Trong những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn tiến hành sản xuất song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không hiệu quả. Trước tình trạng trên, huyện chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích các hộ nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 20 tổ chức, cá nhân thuê gom tích tụ ruộng đất đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các hộ cá nhân tập trung trồng lúa là chính. Tiêu biểu là Cty TNHH Cường Tân thuê 70ha đất ở 2 xã Xuân Ninh và Xuân Thượng để tạo thành vùng sản xuất lúa giống tập trung; Cty CP Cơ khí Đình Mộc thuê gom tích tụ 42ha đất ở Xuân Vinh, Xuân Bắc, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa trồng ớt xuất khẩu, ngô ngọt và các loại cây dược liệu như: trạch tả, địa liền; ông Đoàn Văn Khải, xã Xuân Thượng tích tụ 20ha sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao… Trong vụ mùa 2017, huyện Xuân Trường tiếp tục sử dụng chủ yếu các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chống chịu được với điều kiện thời tiết bất thuận như: BT7 kháng bạc lá, BC15, Nếp 97, TH3-3… Hiện toàn huyện đã hoàn thành công tác làm đất và sẽ tiến hành gieo sạ từ ngày 9-7, cấy lúa từ ngày 10-7; phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 15-7, sớm hơn so với lịch của tỉnh 5 ngày.
 
Nhờ quyết tâm mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ nói riêng, trong toàn bộ các lĩnh vực nông nghiệp nói chung, kinh tế nông nghiệp Xuân Trường đang đổi thay tích cực. Đây cũng là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả  tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com