Khó khăn mở rộng thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản

07:07, 13/07/2017
Thời gian qua, tỉnh ta tích cực triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản nhằm hỗ trợ cho người nông dân chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc Cty Bảo Minh Nam Định cho biết: Cty Bảo Minh Nam Định được thành lập năm 2005, là thành viên của Tổng Cty CP Bảo Minh, với 100% vốn Nhà nước là 1 trong 3 doanh nghiệp lớn nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong suốt 12 năm hoạt động, Cty Bảo Minh Nam Định đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Đặc biệt 2 năm gần đây đơn vị đã đạt mức tăng trưởng doanh thu hơn 100% là thương hiệu có uy tín trên địa bàn tỉnh. Cty luôn lấy phương châm “Bảo Minh - Tận tình phục vụ” và hành động bồi thường “nhanh - đúng - đủ”. Với uy tín, vị thế của mình, Cty đã được UBND tỉnh lựa chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm cây lúa trên địa bàn 3 huyện: Vụ Bản, Trực Ninh và Hải Hậu. Tổng số hộ nông dân cấy lúa được Cty bảo hiểm là trên 10 nghìn hộ… Cùng với triển khai bảo hiểm cây lúa, thời gian gần đây, trước những diễn biến bất thường của thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Cty Bảo Việt Nam Định đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình bảo hiểm đối với tàu cá đóng mới cải hoán theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Để chủ trương này đi vào đời sống, Cty đã phối hợp với các sở: Tài chính, NN và PTNT cùng Chi cục Nguồn lợi thủy sản tỉnh, Phòng NN và PTNT các huyện tổ chức các hội nghị lồng ghép để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích các chính sách bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản và bảo hiểm tai nạn thủy thủ, thuyền viên, thân tàu, trang thiết bị ngư lưới cụ theo Nghị định 67 nói riêng để bà con nông dân hiểu, chủ động tham gia. 
 
Triển khai thực hiện chương trình bảo hiểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Cty Bảo Việt Nam Định đã nhận bảo hiểm cho 32 tàu cá của tỉnh có công suất từ trên 400CV; trong đó có 28 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 và 4 tàu được cải hoán. Tổng số thủy thủ, thuyền viên làm nghề đánh bắt cá của 32 tàu cá trên là 368 người. Số phí bảo hiểm Cty thu được của toàn bộ số tàu trên là 4 tỷ 979 triệu đồng. Trong đó phần phí bảo hiểm của 32 chủ tàu cá tự nộp là 494 triệu đồng (tương đương 10%), còn lại phần phí bảo hiểm do ngân sách Nhà nước cấp bù là 4 tỷ 485 triệu đồng (tương đương 90%). Đây chính là phần phí bảo hiểm mà 32 chủ tàu cá và toàn bộ số thủy thủ, thuyền viên của các tàu cá được thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm thủy sản của Nhà nước… Ông Trần Văn Thực ở xã Hải Lý (Hải Hậu) cho biết: Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, tôi được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới tàu cá vỏ thép tại Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 27-5-2015. Ngay sau khi tàu cá được hoàn thiện, tôi đã đưa vào sử dụng khai thác thủy hải sản ở các ngư trường của Việt Nam. Để phòng ngừa rủi ro, tôi đã quyết định tham gia bảo hiểm cho toàn bộ tàu cá và các thủy thủ, thuyền viên trên tàu. Tổng số tiền tham gia bảo hiểm là 161.828.200 đồng, trong đó tôi đóng 15.942.820 đồng; số tiền còn lại được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Ngày 15-12-2016, tàu của tôi đang khai thác thủy, hải sản trên biển thì gặp thời tiết xấu, gió lớn, biển động mạnh đã nhấn chìm con tàu. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã báo cáo các sở, ngành và Cty Bảo Việt Nam Định. Với sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan, ngày 7-6-2017 tôi đã được Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt hỗ trợ bồi thường toàn bộ số tiền 15 tỷ 194 triệu đồng, trong đó số tiền tổn thất thân tàu là 10 tỷ 409 triệu đồng và tổn thất ngư lưới cụ 4 tỷ 785 triệu đồng… Ông Thực cho biết thêm: Với số tiền hỗ trợ này, tôi sẽ đầu tư đóng một con tàu mới để tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác nguồn lợi thủy, hải sản, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 
Tham gia bảo hiểm, ông Trần Văn Thực (bên trái), chủ tàu cá NĐ-95666-TS ở xã Hải Lý (Hải Hậu) đã được Cty Bảo Việt Nam Định bồi thường 100% giá trị thân tàu và ngư lưới cụ khi không may bị rủi ro chìm tàu trên biển.
Tham gia bảo hiểm, ông Trần Văn Thực (bên trái), chủ tàu cá NĐ-95666-TS ở xã Hải Lý (Hải Hậu) đã được Cty Bảo Việt Nam Định bồi thường 100% giá trị thân tàu và ngư lưới cụ khi không may bị rủi ro chìm tàu trên biển.
Rõ ràng việc tham gia các loại hình bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đã hỗ trợ tích cực cho người nông dân nếu không may gặp rủi ro do thiên tai gây ra. Về cơ chế, chính sách, ở tầm vĩ mô Chính phủ đã có Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, hộ nông dân nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm nông nghiệp, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí và các hộ không thuộc diện trên được hỗ trợ 60%; còn các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm… Tuy nhiên trên thực tế ở các địa phương trong tỉnh, số lượng nông dân, diêm dân, ngư dân tham gia các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản chưa nhiều và chủ yếu là người nghèo còn các đối tượng khác thì rất ít. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định về chính sách bảo hiểm còn “gây khó” cho người tham gia. Chẳng hạn, quy định trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ muốn được hưởng bảo hiểm nông nghiệp thì số vật nuôi bị rủi ro ở địa phương (xã, phường, thị trấn) phải đạt 10% tổng đàn. Đây là “điều kiện khó” bởi hiện nay các địa phương đã thực hiện khá tốt việc tiêm phòng các loại dịch bệnh, hoặc ngay khi xuất hiện ổ dịch các ngành chức năng sẽ tiến hành khoanh vùng, dập dịch nên khó xảy ra tình trạng dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến 10% tổng đàn. Nếu theo quy định thì hầu hết nông dân rất khó được hưởng bảo hiểm nông nghiệp, gây thiệt thòi cho người chăn nuôi, cấy lúa khi tham gia bảo hiểm. Theo phản ánh của lãnh đạo Phòng NN và PTNT các huyện thì không chỉ có những khó khăn về cơ chế trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm mà khi xảy ra rủi ro, người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục, chờ các đơn vị liên quan đánh giá mức độ thiệt hại để được thanh toán tiền bảo hiểm. Những khó khăn trên đã và đang khiến chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản khó triển khai vì người nông dân không “mặn mà” tham gia, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm “lo sợ” vì hai lĩnh vực kinh tế này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Để chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản góp phần giúp nông - ngư dân vượt qua khó khăn, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước, Chính phủ về chính sách bảo hiểm giúp người dân nói chung, nông - ngư dân nói riêng chủ động tham gia, nếu không may gặp rủi ro, tai nạn sẽ được các Cty bảo hiểm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, tiếp tục có được nguồn lực để tổ chức lại sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, quê hương./.
 
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com