Xuất khẩu tăng trưởng khả quan

08:07, 11/07/2017
6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 600,1 triệu USD, tăng 34,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khối các doanh nghiệp địa phương ước đạt 257,2 triệu USD, tăng 35,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 324 triệu USD, tăng 34,5%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hàng may mặc đạt 480,7 triệu USD, tăng 33,6%; chế biến gỗ đạt 18,25 triệu USD, tăng 34,4%... Đây là con số ấn tượng bởi chưa bao giờ xuất khẩu của tỉnh ta đạt quá 50% kế hoạch năm ngay trong 6 tháng đầu năm mà thường tăng trưởng mạnh vào thời điểm nước rút cuối năm. Đặc biệt Cty CP May Sông Hồng được Tổng cục Hải quan quyết định công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Cùng với sự tăng trưởng của các ngành may mặc, chế biến gỗ, ngày 10-6 vừa qua, lô hàng ngao sạch đầu tiên của Cty Thủy sản Lenger (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) đã xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu, đánh dấu mốc phát triển vượt bậc của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Những tín hiệu vui này thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế có tính cạnh tranh cao như hiện nay cũng như định hướng phát triển đúng đắn, sự hỗ trợ tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đối với doanh nghiệp.
Sơ chế ngao trước khi chế biến tại Cty Thủy sản Lenger (TP Nam Định).
Sơ chế ngao trước khi chế biến tại Cty Thủy sản Lenger (TP Nam Định).
Toàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng xuất khẩu thuộc nhiều thành phần kinh tế và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo hình thức ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu đạt 10 triệu USD trở lên. Hàng hóa xuất khẩu đa dạng, phong phú, tập trung ở 6 ngành hàng chủ yếu là nông sản, lâm sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và cơ khí chế tạo. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may vẫn thể hiện thế mạnh, tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong cán cân thương mại của tỉnh. Đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may là các doanh nghiệp: Cty CP May Sông Hồng đạt trên 119 triệu USD; Cty CP May Nam Hà đạt gần 8 triệu USD; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đạt 6,5 triệu USD; Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy đạt 8,8 triệu USD… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dệt may mới ở khu vực nông thôn cũng tham gia vào thị trường xuất khẩu với sự dìu dắt của những doanh nghiệp đi trước. Do đó vào thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã ổn định đơn hàng cho đến hết năm và chuẩn bị công việc cho thời gian tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng đặc trưng mang tính chuyên sâu cao như các Cty: CP May Sông Hồng với sản phẩm may mặc, chăn đệm; CP May Nam Hà với sản phẩm quần áo bơi; CP Thời trang thể thao Giao Thủy với sản phẩm trang phục thể thao… đã không còn phải lo tìm việc làm cho người lao động mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng tính cạnh tranh khi lựa chọn đối tác gia công sản phẩm. Bước đột phá trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay phải kể đến nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu tạo nên thành công nhờ đầu tư công nghệ, cải tiến kỹ thuật sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và chuyển một phần sang xuất khẩu hàng chế biến sẵn thay cho xuất khẩu nguyên liệu thô trước đây. Cty Thủy sản Lenger đã thành công với lô hàng đầu tiên xuất khẩu 22 tấn ngao sạch sang I-ta-li-a (một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu). Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết: Ngay sau lô hàng đầu tiên xuất sang I-ta-li-a Cty sẽ xuất khoảng 10 công-ten-nơ ngao sạch sang thị trường châu Âu. Dự kiến, Cty sẽ tiếp tục triển khai các đơn hàng xuất sang các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp với sản lượng khoảng 5.000 tấn ngao sạch mỗi năm. Cùng với xuất khẩu sản phẩm ngao đông lạnh, Cty đã có kế hoạch làm việc với đối tác của các nước để triển khai thực hiện đơn hàng xuất khẩu 4,5 triệu lon ngao đóng hộp. Bên cạnh đó, Cty cũng chú trọng xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu hướng đến các thị trường ngoài châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Đây là tín hiệu vui, một cơ hội lớn cho người nuôi ngao bởi tỉnh ta có thế mạnh rất lớn với vùng nuôi ngao có diện tích trên 2.000ha, tập trung tại 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 30 nghìn tấn ngao nguyên liệu nhưng những năm qua, sản phẩm ngao chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội địa, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu ở phía Nam. Để có được thành công này, từ nhiều năm nay, Cty tập trung xây dựng nhà xưởng và trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu. Theo đó, toàn bộ máy móc, trang thiết bị đều được nhập trực tiếp từ Hà Lan, có công suất thiết kế lên tới 300 tấn ngao/ngày, cho ra nhiều sản phẩm đa dạng từ ngao tươi sống, đến đồ hộp và đông lạnh. Đặc biệt Cty đã đầu tư thêm dây chuyền đóng hộp ngao tách vỏ và cấp đông nhanh bằng nitơ lỏng để sản xuất đồ hộp xuất khẩu phục vụ khách hàng các nước châu Âu, Nga, Mỹ, Nhật Bản. Toàn bộ cán bộ, công nhân của nhà máy đã được tham gia các lớp đào tạo đảm bảo quy định trong sản xuất, chế biến và ATVSTP. Đối với nguyên liệu đầu vào, Cty Lenger thu mua từ những vùng nuôi đã được kiểm tra môi trường nước bảo đảm an toàn, sạch bệnh, đã được chứng nhận là vùng nuôi an toàn. Ngao sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản. Tại đây, ngao được làm sạch bởi dòng nước chảy liên tục để loại bỏ tạp chất, sau đó tiếp tục được chuyển sang hệ thống công nghệ diệt sạch vi khuẩn và khử mặn, làm sạch hoàn toàn và đóng gói. Sau khi đóng gói, ngao được làm lạnh đột ngột để bắt đầu chế độ ngủ đông và vận chuyển đi tiêu thụ. Sản phẩm ngao được đóng trong hộp chuyên dụng, bảo quản lạnh ở nhiệt độ phù hợp nên không cần sử dụng hóa chất bảo quản nhưng khi đến tay người tiêu dùng ngao vẫn giữ nguyên độ tươi ngon và chất dinh dưỡng. Với công nghệ này sản phẩm ngao sẽ có cơ hội lớn tiếp tục mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới.
 
Với đà tăng trưởng về xuất khẩu 6 tháng đầu năm cùng những nhận định tình hình khó khăn về kinh tế, tài chính, thị trường và những hạn chế như giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu chưa cao, còn quá phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống… cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đều đặt chỉ tiêu phấn đấu 6 tháng cuối năm sẽ đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu của từng đơn vị, tiến tới hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu cả năm 2017 của toàn tỉnh là 1.200 USD. Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp lớn, các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, giải phóng hàng hóa… Trong đó, giải pháp ưu tiên là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế và những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới giúp doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay và ưu tiên các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, bình ổn giá, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động… Tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com