Nuôi thủy sản những tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tích cực

08:07, 10/07/2017
Những tháng đầu năm 2017, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường khiến môi trường ao nuôi thủy sản luôn biến động, nhiệt độ thay đổi đột ngột. Ngành Thủy sản tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai các nhiệm vụ khai thác, phát triển nguồn lợi, nuôi thủy sản. Công tác sản xuất giống thủy sản đã đạt được kết quả khá.
Người dân huyện Mỹ Lộc thu hoạch cá nước ngọt truyền thống.
Người dân huyện Mỹ Lộc thu hoạch cá nước ngọt truyền thống.
Sản xuất giống năm 2017 ở cả nước ngọt và mặn lợ đều tiến hành muộn hơn so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã sản xuất được 8.070 triệu con giống các loại. Trong đó, giống thủy sản nước ngọt 1.502 triệu con; giống thủy sản mặn lợ 6.568 triệu con. Riêng tôm thẻ chân trắng và tôm sú, con giống chủ yếu nhập từ ngoài tỉnh nên Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển, Thanh tra Sở NN và PTNT giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng tôm giống cũng như an toàn dịch bệnh. Anh Phạm Văn Giang, xã Nghĩa An (Nam Trực) nuôi và sản xuất giống cá nước ngọt truyền thống cho biết: “Ngoài việc cho đàn cá bố mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tôi thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, sức khỏe của đàn cá để có biện pháp chữa trị và xử lý kịp thời”. Về tình hình nuôi thủy sản, người nuôi đã căn cứ vào khung lịch thời vụ do cán bộ thủy sản hướng dẫn, tập trung thả giống nhiều đối tượng nuôi. Tại các vùng nước ngọt, đối tượng nuôi thả chủ yếu là các loại cá truyền thống, đặc biệt là một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá trắm đen, cá lóc bông. Đến nay, các con nuôi đều sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Đối với các vùng nuôi mặn lợ, đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp, cá vược... Các đối tượng nuôi cơ bản đã được thả giống ngay từ những ngày đầu tháng 4 đến tháng 5. Riêng tôm thẻ chân trắng, vụ nuôi đầu năm 2017, người nuôi có xu hướng thả sớm hơn so với năm 2016. Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã thả giống được 660ha, tương đương với kế hoạch diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của toàn tỉnh. Tuy nhiên, đầu tháng 5 thời tiết diễn biến thất thường nên tại một số vùng nuôi tôm quảng canh và nuôi xen canh tôm thẻ với cá biển tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy có hiện tượng tôm chết rải rác. Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với phòng NN và PTNT các huyện tích cực nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tôm chết cục bộ. Nhiều hộ nuôi đã tiến hành thả các loại cá vào ao tôm để cá ăn tôm chết, tôm bị dịch bệnh, tôm có sức đề kháng kém. Nhờ đó đã hạn chế được dịch bệnh lây lan, giảm thiểu tổn thất. Với những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn cũng như các hộ nuôi nên đến đầu tháng 6, hiện tượng tôm chết đã chấm dứt hoàn toàn trên các vùng nuôi trong tỉnh. Vào thời điểm này, các đối tượng nuôi thu tỉa, thả bù như các loại cá truyền thống, ngao và một số đối tượng nuôi quảng canh đạt kích cỡ thương phẩm đang được người nuôi tiến hành thu hoạch. Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống sớm đã thu tôm thương phẩm với kích cỡ 80-90 con/kg, đạt năng suất 5 tấn/ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 41.328 tấn; trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt đạt 21.261 tấn, mặn lợ đạt 20.067 tấn. Trong những tháng tiếp theo, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản, các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ vùng nuôi, nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển các đối tượng thủy sản tại các vùng nuôi, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng và ngao. Nắm bắt tình hình thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn cho người nuôi các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt sức khỏe các đối tượng nuôi; thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản. Tăng cường quản lý các cơ sở, đại lý kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, các loại hóa chất kháng sinh dùng trong nuôi thủy sản. Anh Trần Văn Hiếu, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết: “Được sự khuyến cáo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cán bộ thủy sản nên tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra yếu tố môi trường cũng như diễn biến thời tiết, nhiệt độ, độ trong, độ mặn… của nước để có những biện pháp điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc tôm phù hợp. Ngoài ra tôi cũng chú trọng bổ sung các loại khoáng chất, vitamin vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho đàn tôm”.
 
Với những diễn biến như hiện nay, nhiều cán bộ thủy sản nhận định, năm 2017 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nuôi thủy sản như điều kiện thời tiết diễn biến thất thường… nhưng các cơ quan chức năng cũng như người nuôi không ngừng cố gắng khắc phục, nỗ lực nên sản xuất có nhiều cơ hội đạt hiệu quả cao hơn năm trước./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com