Trăn trở nghề truyền thống ở Vĩnh Hào

04:06, 16/06/2017

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) hiện còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống. Xã có 5 thôn thì 4 thôn có nghề: làm gối mây ở thôn Tiên Hào; sơn mài ở thôn Đại Lại; đan cót ở thôn Vĩnh Lại và đan tre, nứa ở thôn Hồ Sen...

Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Quang Linh, thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào.
Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Quang Linh, thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào.

Theo lời các cụ cao niên trong xã, thôn Vĩnh Lại (tên cổ là làng Kẻ Si) có nghề đan cót từ thế kỷ XVII. Cót của làng Kẻ Si xưa có nhiều loại: Cót để quây lúa, đan bồ… Một số nghệ nhân khéo tay của làng còn nhuộm nan đan thành những bức hoành phi đại tự có hoa văn trang trí. Với lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm, ở thôn Vĩnh Lại từ trẻ em cho đến thanh niên trai tráng, phụ nữ, người già... đều thành thạo nghề đan cót. Nghề đan cót tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi lao động, nhiều hộ dân trong thôn ngoài làm nông nghiệp vẫn gắn bó với nghề truyền thống. Bình quân, mỗi ngày một người đan được từ 5-7 lá cót, người khéo léo, đan giỏi một ngày có thể đan được chục lá; thu nhập bình quân đạt từ 50-70 nghìn đồng/ngày. Thời điểm cực thịnh vào những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày thôn Vĩnh Lại sản xuất được hàng nghìn lá cót cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt, xây dựng của nhân dân địa phương và cả các huyện ngoài. Ở thôn Tiên Hào (xưa là làng Kẻ Tiên) lại có nghề làm gối mây truyền thống. Theo các cụ truyền lại, vào đầu đời Nguyễn có cụ Nguyễn Văn Tại người làng Kẻ Tiên vào sinh sống ở Xã Đoài (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) học được nghề làm gối mây đã về truyền dạy cho người dân trong làng. Ban đầu, gối mây được gọi là gối nghệ, dùng gỗ xoan làm cốt, đan sợi mây bọc xung quanh. Trước đây, dây mây được nhập về từ các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá và một phần khai thác từ các địa phương trong tỉnh. Ngoài sản phẩm chính là gối mây, với tài hoa và kinh nghiệm khéo léo, có thời điểm người thôn Tiên Hào còn phát triển tay nghề đan những bộ bàn ghế sa-lông bằng mây đan cốt tre để xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, ngoài nguyên liệu chính là sợi mây tự nhiên, người làm nghề ở thôn Tiên Hào còn sử dụng sợi ni-lông giả mây để làm gối. Loại sợi này có ưu điểm bền, nhiều màu dễ trang trí… Chủ động hơn về nguyên liệu, đa dạng mẫu mã, hoa văn trang trí đẹp nên nghề làm gối ở thôn Tiên Hào vẫn thu hút nhiều lao động đủ mọi lứa tuổi. Hiện nay, gối mây đã được sản xuất theo dây chuyền hiện đại để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài nghề làm gối mây, đan cót, ở xã Vĩnh Hào còn có nghề đan các sản phẩm từ nguyên liệu tre, nứa phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp như nong, nia, thúng, giỏ... ở thôn Hồ Sen và nghề sơn mài ở thôn Đại Lại.

Dù thị trường đã nhiều thay đổi, nhu cầu đối với các sản phẩm ở làng nghề của Vĩnh Hào không còn như xưa song người làm nghề vẫn tìm được cho mình giải pháp để sống và duy trì gắn bó với nghề thế hệ này qua thế hệ khác. Những kỹ thuật tinh hoa của nghề được đúc kết và truyền thụ cho thế hệ sau theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, “cha truyền con nối” nên người làm nghề ở các thôn trong xã đều biết nghề, giỏi nghề. Những năm gần đây, các nghề đan cót, sơn mài, đan tre nứa của các thôn Đại Lại, Vĩnh Lại, Hồ Sen... bị cạnh tranh khốc liệt do nhu cầu, thị hiếu của thị trường thay đổi và sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu mới nhưng ở các thôn, nhiều hộ vẫn bám nghề, giữ nghề. Theo thống kê mới nhất năm 2017 của UBND xã Vĩnh Hào, hiện toàn xã có khoảng trên 1.000 lao động vẫn tham gia làm các nghề thủ công truyền thống với tổng số 831/1.352 hộ. Nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào có 263/293 hộ tham gia; ở thôn Đại Lại có 250/512 hộ làm nghề gia công các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu từ tre, nứa chắp; đan cót tuy thu nhập thấp hơn nhiều nghề khác nhưng vẫn mang đến nguồn thu quan trọng của 232/332 hộ của thôn Vĩnh Lại; nghề đan lát các sản phẩm tre, nứa của thôn Hồ Sen vẫn còn 86/215 hộ tham gia. Toàn xã đã hình thành và phát triển được 2 doanh nghiệp quy mô từ 50-70 lao động tập trung; 6 tổ hợp sản xuất của các ông: Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Thế Thành đều ở thôn Vĩnh Lại; Nguyễn Văn Liêm, thôn Hồ Sen; Nguyễn Văn Lợi, thôn Đại Lại... Các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trong xã đã đảm nhiệm vai trò đầu mối tìm kiếm hợp đồng, tổ chức sản xuất từ chuẩn bị nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất trong xã. Ông Ngô Văn Lý, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn chuyên sản xuất các loại hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre, nứa chắp; sơn mài (sơn son, thếp vàng các loại tượng, đồ thờ) thôn Đại Lại cho biết: Với xưởng sản xuất rộng trên 3.000m2, hiện tại Doanh nghiệp của ông đang thu hút 70 lao động tập trung với mức thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, Doanh nghiệp sản xuất được khoảng 45-50 nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp và trên 20 nghìn sản phẩm khay, hộp, sọt nhựa khung sắt. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ trong xã và cả các xã lân cận như: Đại Thắng, Liên Minh... nhận sản phẩm gia công tại nhà, mỗi hộ có từ 1-2 lao động tham gia.

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, những nghề phụ truyền thống ở Vĩnh Hào đã tạo nguồn thu nhập quan trọng cho nhân dân trong xã. Ước tính, năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của xã sẽ đạt từ 35-37 triệu đồng. Tuy nhiên, việc duy trì các nghề truyền thống ở Vĩnh Hào đang phải đối mặt với một số nguy cơ “sống còn”. Do giá trị ngày công lao động quá thấp nên nhiều lao động trong độ tuổi không muốn gắn bó với nghề… Bên cạnh đó nhóm nghề này cũng không nằm trong “tầm ngắm” của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thông tin thị trường nên không khuyến khích mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đó là vấn đề mà lãnh đạo xã Vĩnh Hào luôn trăn trở và cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để phát triển ổn định ngành nghề nông thôn, mang lại nguồn thu nhập lớn hơn nữa cho người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com