Mùa tôm thuyền vào vụ

04:06, 16/06/2017

Tháng 5, khi ánh nắng đầu mùa trải dài khắp bao la mặt biển, ấy là lúc báo hiệu mùa tôm thuyền đã vào chính vụ. Một năm hai lần, dân chài lưới ven biển hồ hởi đón mùa tôm về đầy ắp các mẻ lưới.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vui, vợ anh Nguyễn Thành Chung xóm 3, xã Hải Lý (Hải Hậu) tay vẫn thoăn thoắt gỡ những chú cá bơn, mực, tôm thuyền khỏi các mắt lưới. Nhìn thành quả sau một đêm đi biển vất vả của anh Chung đang đầy dần theo bàn tay chị Vui, chúng tôi cũng có cảm giác vui lây giữa trưa hè nắng nóng. Chị Vui kể: “khoảng 2h sáng, chồng tôi đã trở dậy, ăn tạm bát mỳ tôm, lịch kịch mang theo nào nước, mỳ tôm, nước ngọt, đèn pin… chuẩn bị đồ nghề bám ven đê xuống biển. Ngày biển trời êm ả cũng như những ngày biển động cứ “đều như vắt chanh”, giờ đó mà dong khơi”. “Ngày” làm việc của hầu hết ngư dân trong xã đều bắt đầu như thế. Để khoảng 3h sáng, các bến thuyền đã sáng choang, ồn ã tiếng người. Và sau đó là tiếng máy nổ giòn giã đẩy những con thuyền xa gần bờ, hút vào nước trời xa thẳm. Đi được khoảng 3-5 cây số, những ngư dân bắt đầu bỏ lưới. Mỗi chiếc lưới dài khoảng 18-20m, rộng từ 7-8m mạnh mẽ “văng” xuống giữa lòng biển sâu mang theo hy vọng của một ngày đánh bắt thuận lợi. Mỗi mẻ lưới phải đi khoảng 1km. Không giống như các loại hải sản khác, tôm thuyền sinh sống ở vùng biển lộng, gần bờ nên để khai thác được, ngư dân dùng thuyền dạ ra khơi đánh bắt trong ngày. Vừa dong lưới, các bác ngư dân lại thủ thỉ tâm tình những chuyện trên trời dưới bể, chuyện làng xóm, chỉ dạy cho nhau những kinh nghiệm của nghề sông nước. Họ tranh thủ ăn lót dạ thêm chút gì, chờ sáng để thu lưới vào bờ. Với những ngư dân đánh bắt gần bờ, một số sản phẩm được họ thu ngay giữa biển như các loại mực, cua. Còn lại đa phần chờ lưới vào bến mới gỡ thành phẩm. Như nhiều gia đình ngư dân khác có sự phân công công việc rõ ràng, anh Chung đi biển, chị Vui có nhiệm vụ gỡ lưới, nhập bán sản phẩm. Mẻ lưới lần này của gia đình anh chị cơ bản là tôm thuyền. Những con tôm trứng đang vào vụ tươi xanh với đôi càng khỏe mạnh và mặt vỏ chắc nhẵn. Chỉ cần lật ngửa con tôm thuyền, thấy một điểm vàng ở chót đuôi là biết chắc tôm đang có trứng. Tôm thuyền thì hầu như có quanh năm, nhưng chính vụ vẫn là khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm. Tháng 9 đến tháng 12, ngư dân thỉnh thoảng vẫn đánh bắt được loại tôm này nhưng ít hơn. Để đánh bắt tôm thuyền phải tùy thuộc vào tiết trời. Những hôm biển động nhẹ chính là những ngày tôm thuyền dễ bị “sa lưới” nhất. Ngư dân đi biển lâu năm chỉ cần quan sát thời tiết, nước biển, hướng gió… để tìm cách thả lưới. Để đánh bắt tôm, thời gian lý tưởng để thả lưới là vào ban đêm, khi đó nước biển mát, tôm thường ra khỏi nơi trú ẩn để kiếm ăn.

Chị Nguyễn Thị Vui, xóm 3, xã Hải Lý (Hải Hậu) thu hoạch tôm thuyền.
Chị Nguyễn Thị Vui, xóm 3, xã Hải Lý (Hải Hậu) thu hoạch tôm thuyền.

Theo nhẩm tính của chị Vui, đa số ngư dân xã Hải Lý làm nghề đi biển hoặc chế biến các loại hải sản. Hiện xã có 3 bến thuyền. Bến thuyền mà gia đình anh chị Chung - Vui đậu được người địa phương gọi là Bến Ngang và là bến đông vui nhất xã. Bến có khoảng 100 chiếc thuyền của bà con ngư dân neo đậu. Suốt cả dọc bến, mẻ lưới đêm qua của ngư dân về đâu đâu cũng thấy tôm thuyền đầy ắp.

Riêng gia đình anh Chung đánh bắt được khoảng 8kg. Hàng vừa lên bờ, chị Vui nhập bán luôn cho đại lý. Cơ sở thu mua hải sản ở Bến Ngang là của anh chị Cao Lựu, cũng là quản lý bến. Anh Cao “đấu thầu” trông coi bến thuyền kiêm luôn đặt đại lý thu mua tôm, cá. Bình quân, mỗi ngày, đại lý của anh Cao thu mua từ 30-50kg tôm thuyền. Đại lý của anh nhập tôm với các mức giá 80-100 nghìn đồng/kg tôm to, 50-60 nghìn đồng/kg tôm lỡ. Tôm bé dao động từ 30-45 nghìn đồng/kg. Như vậy, ngày hôm nay, riêng bán tôm thuyền các loại, chị Vui nhẩm tính cũng được khoảng 500 nghìn đồng. Chưa kể các loại cá, ghẹ, mực. “Nếu ngày nào cũng được như hôm nay, trừ tiền khấu hao dầu mỡ, vợ chồng tôi cũng còn có lãi vài trăm nghìn đồng”. Sau khi thu mua tôm thuyền của bà con ngư dân, anh Cao cho tôm vào các bể nuôi có sục khí. Sau đó, các tiểu thương, chủ các nhà hàng đến thu mua hoặc bán lẻ đi khắp nơi cho khách hàng có nhu cầu. Tôm thuyền ở đây rất tươi ngon vì được đánh bắt trong ngày, đặc biệt khi mùa tôm đang vào chính vụ.

Theo kinh nghiệm của người dân miền biển, tôm thuyền đánh bắt được ngoài khơi thường to hơn, đặc biệt là loại sống ẩn nấp trong hang đá và các bãi cát gần bờ. Tôm ngon nhất là vào mùa trứng. Vào các ngày lễ, mùa du lịch biển, tôm thuyền trở thành món ăn hấp dẫn du khách gần xa bởi thịt của nó dai, chắc, ngọt, giàu chất dinh dưỡng và đậm đà hương biển. Vài năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều người biết đến điểm du lịch Nhà thờ đổ Hải Lý thì lượng người mua hải sản cũng tăng lên, nhiều nhất vào ngày cuối tuần. Theo đó, tôm thuyền cũng được giá hơn. Tôm thuyền hiện nay có giá bán tương đối ổn định, lượng đánh bắt cũng được nhiều hơn do ngư lưới cụ ngày càng phong phú, được ngư dân chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, để đánh bắt loại tôm này cũng không phải việc dễ dàng với ngư dân. “Chúng tôi không thích đánh bắt tôm thuyền cho lắm, bởi với đôi càng quá sắc, chúng thường làm rách lưới. Hơn nữa, loại tôm này còn rất dễ chết. Chúng thích hợp với khí hậu lạnh hoặc mát hơn là những ngày trời nóng do đó việc bảo quản tương đối khó khăn. Vào những ngày nắng nóng như thời tiết tháng 5, tháng 6, có khi đang còn ở trên lưới tôm đã chết. Tuy nhiên, giá tôm ổn định, người dùng ưa chuộng nên chúng tôi cũng khá yên tâm khi đánh bắt tôm thuyền”, chị Vui chia sẻ thêm.

Trưa nắng chang chang, gió biển thổi lồng lộng khắp bốn bề. Bên phải mũi thuyền của nhà chị Vui, nhiều du khách đang chụp ảnh, vui chơi tại khu vực Nhà thờ đổ Hải Lý. Một nhóm khác sà vào các thuyền, cá, tôm, trò chuyện, hỏi han về công việc đi biển vất vả của những người ngư dân mộc mạc, thân thiện. Khi ra về, họ không quên mua thêm ít cá, mực hoặc vài cân tôm thuyền về làm quà cho người thân. Và đầu mỗi mũi thuyền là các bà, các chị, các mẹ vẫn miệt mài gỡ lưới, giũ rồi phơi lưới. Nhịp sống giản đơn vùng chân sóng trong một ngày nắng nóng không hề vội vã. Còn chúng tôi chỉ hy vọng, mùa tôm thuyền rồi những mùa mực, mùa ghẹ, mùa cua, mùa cá… luôn đầy ắp các lòng thuyền ngư dân. Để mỗi ngày ra biển đều là một ngày bội thu./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com