Đổi thay kinh tế ở Giao Long

08:06, 12/06/2017
Những năm qua, xã Giao Long (Giao Thủy) đã đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp; hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
 
Xác định phát triển trang trại, gia trại tổng hợp là mũi nhọn kinh tế của địa phương, sau dồn điền đổi thửa, xã Giao Long quy hoạch và chuyển đổi 111ha đất hai lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Để hỗ trợ cho hướng đi này, xã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại các vùng chuyển đổi phục vụ cho sản xuất. Trong đó 4km tuyến đường trục chính được rải đá cấp phối, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư cũng như sản phẩm ở vùng chuyển đổi. Xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai hiệu quả việc cho đấu thầu đất tại các vùng chuyển đổi để nông dân mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, xã đã hình thành 2 vùng chuyển đổi tập trung, là vùng ven cống số 8, số 9 và vùng ven đê Bạch Long. Tại đây, đã có 151 hộ nông dân tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi thủy sản. Trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Du ở xóm 2 là một trong những trang trại quy mô lớn nhất ở Giao Long. Khi địa phương có cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, anh Du đã mạnh dạn tham gia. Với diện tích chuyển đổi 2,5ha, ban đầu, anh Du vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô nhỏ. Anh mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... Tích lũy lãi qua từng năm, anh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, hình thành một trang trại quy mô khá hoàn chỉnh với hệ thống chuồng trại chăn nuôi, kè ao kiên cố. Hiện trang trại của anh có 2 dãy chuồng nuôi 40 con lợn nái và 200 con lợn thịt. 2ha diện tích mặt nước anh nuôi 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày cho thu 700-800 quả trứng. Diện tích ao rộng vừa là chỗ cho vịt bơi lội, vừa là nơi anh kết hợp thả các loại cá trắm đen, trắm cỏ kết hợp nuôi xen canh tôm sú… Mỗi năm, trang trại gia đình anh Du thu lãi khoảng 300-500 triệu đồng. Trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Thành, xóm 10 nằm ở ven đê Bạch Long. Anh Thành cho biết, ngay sau khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi, anh huy động vốn đầu tư đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại. Với 4 ao có tổng diện tích mặt nước 1,5ha, anh nuôi thả các loại cá diêu hồng, trắm, chép… Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường trên chục tấn cá thương phẩm cho thu lãi trên 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn nuôi 60 con lợn, 500 con vịt đẻ, 500 con vịt thịt, kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Ước tính mỗi năm thu nhập từ mô hình chuyển đổi của gia đình anh đạt trên 200 triệu đồng. Hiện nay, ở các vùng chuyển đổi của xã Giao Long xuất hiện ngày càng nhiều trang trại, gia trại tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là các hộ: Trần Minh Toan, xóm 4 nuôi lợn, vịt đẻ, dê kết hợp nuôi thả cá trắm đen, trắm cỏ; Trần Văn Chinh, xóm 7 nuôi bò, dê và thả cá trắm đen, cá diêu hồng; Phạm Văn Lực, xóm 10 nuôi lợn, vịt, bò kết hợp thả cá diêu hồng, cá chim xen tôm… lãi từ 130-300 triệu đồng/năm.
Trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Du, xóm 2, xã Giao Long mỗi năm cho thu lãi từ 300-500 triệu đồng.
Trang trại tổng hợp của anh Trần Văn Du, xóm 2, xã Giao Long mỗi năm cho thu lãi từ 300-500 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Hữu Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Long cho biết: Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, xã tạo điều kiện về vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH để bà con nông dân đầu tư vào sản xuất. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Trung cấp Kinh tế Nông nghiệp Nam Định tổ chức 4-5 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Từ các lớp tập huấn, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong chăn nuôi, các hộ áp dụng các mô hình nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; xử lý chất thải bằng bể bi-ô-ga… Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân, thu và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại theo định kỳ đúng theo sự chỉ đạo của huyện. Ở thời điểm này, giá thịt lợn hơi giảm mạnh nên các trang trại, gia trại trong xã giảm đàn, chú trọng đẩy mạnh nuôi vịt và các loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá trắm đen, trắm cỏ, cá diêu hồng, cá chuối... xen canh với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Thức ăn cho cá và tôm được tận dụng từ nguồn thức ăn thừa, các phụ phẩm của lợn và gia cầm nên đã giảm đáng kể chi phí sản xuất. Nhờ đi bằng “nhiều chân”, “con vịt”, “con cá” vẫn gồng gánh, bù lỗ được cho “con lợn” nên nông dân Giao Long vẫn “bám đất, bám đồng” không bỏ bê sản xuất. Hiện nay, khó khăn của Giao Long là xã cuối nguồn, tiêu thoát nước cho 7 xã trong huyện qua cống số 8 và cống số 9 ra biển. Khi đóng cống lại, các loại rác thải của các xã dồn về ứ đọng gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sản xuất. Do chưa có biện pháp khắc phục triệt để nên hiện xã chỉ có thể tuyên truyền để bà con không lấy nước sản xuất trong những thời điểm các địa phương đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, xã thành lập 4 tổ tự quản đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực chuyển đổi. Các tổ có trách nhiệm thông báo cho các hộ về thời gian tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; lịch tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; thời gian lấy nước phục vụ sản xuất… Trong thời gian tới, xã sẽ thành lập HTX chuyên ngành để các chủ trang trại, gia trại tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững.
 
Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng đắn, xã Giao Long đã biến những chân ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa hợp lý, từ đó tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần cải thiện đời sống người nông dân và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM của xã./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com