Tăng cường quản lý chi phí khảo sát xây dựng

06:05, 11/05/2017
Khảo sát xây dựng là hoạt động thị sát, đo vẽ, thăm dò, thu thập dữ liệu, phân tích nghiên cứu và đánh giá tổng hợp các điều kiện về địa hình, địa mạo, địa chất công trình, các quá trình liên quan đến địa chất vật lý, khí tượng thủy văn nơi sẽ tiến hành thi công, hiện trạng công trình để lập giải pháp đúng đắn, hợp lý về kỹ thuật, kinh tế khi thiết kế xây dựng công trình. Chính vì thế, khảo sát có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn tiền dự án, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án khi triển khai trên thực tế, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng. Do vậy, cần phải đầu tư thích đáng cho công tác khảo sát. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý khoản chi phí này. Hiện nay, để quản lý hiệu quả chi phí đầu tư xây dựng, các cấp, các ngành đã xác định ưu tiên hàng đầu công tác quản lý chi phí khảo sát xây dựng. Ngày 6-2-2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, khảo sát phục vụ lập quy hoạch xây dựng và các công tác khảo sát khác có liên quan trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thi công xây dựng khu đô thị mới tại trung tâm Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Thi công xây dựng khu đô thị mới tại trung tâm Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Thực tế thời gian qua, qua thẩm định nhiệm vụ dự toán khảo sát công trình, Sở Xây dựng nhận thấy một số đơn vị tư vấn thường tăng giá trị khảo sát bằng nhiều cách như: tăng số lượng, tăng chiều sâu hố khoan, đề xuất những vị trí khoan không cần thiết... Xác định nhiệm vụ khảo sát chưa phù hợp với yêu cầu từng loại công việc, từng bước thiết kế. Khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật không phù hợp với nhiệm vụ khảo sát, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn không đầy đủ, dùng phương pháp suy đoán ngang để có các số liệu, dẫn đến không sát với thực tế. Việc tính toán, xử lý ổn định công trình qua các vùng đất yếu, sụt, trượt… sơ sài, tư vấn thường áp dụng định hình có sẵn mà không tính toán kiểm tra lại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình sau khi thi công cũng như gây lãng phí khi phải điều chỉnh thiết kế, phương án thi công do chất lượng khảo sát xây dựng, khảo sát thiết kế kém. Do đó, cơ quan chuyên môn đánh giá, Thông tư 01/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng có nhiều điểm mới, không chỉ quy định rõ ràng và chi tiết hơn các chi phí trong khảo sát xây dựng, tránh cách tính chung chung thiếu rõ ràng trước đây mà còn nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư đối với công tác khảo sát xây dựng. Cụ thể, chi phí khảo sát xây dựng được xác định phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo quy định Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Ngoài ra, chi phí khảo sát xây dựng yêu cầu được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình và phù hợp với các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, các bước thiết kế, loại công tác khảo sát xây dựng, cấp công trình và các quy định có liên quan. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng và quản lý chi phí khảo sát xây dựng. Theo đó, quản lý chi phí khảo sát xây dựng gồm có quản lý dự toán chi phí khảo sát xây dựng, quản lý định mức dự toán khảo sát xây dựng và quản lý giá khảo sát xây dựng. Chi phí dự toán khảo sát xây dựng không còn được xây dựng trên cơ sở vận dụng đơn giá khảo sát xây dựng của công trình tương tự mà được xác định rõ theo khối lượng hao phí vật liệu, nhiên liệu; nhân công; máy và thiết bị khảo sát và bảng giá tương ứng được xác định rõ ràng dựa trên mức giá do cơ quan có thẩm quyền công bố. Trường hợp loại vật liệu, nhiên liệu không có trong công bố giá của cơ quan có thẩm quyền thì được xác định theo báo giá phù hợp với thời điểm lập dự toán và giá thị trường nơi thực hiện công tác khảo sát xây dựng. Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung một số chi phí khác như chi phí lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng xác định bằng 3% của dự toán chi phí khảo sát xây dựng tương ứng. Chi phí giám sát khảo sát xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng công bố. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng ở các địa phương trong quản lý chi phí khảo sát xây dựng cũng được quy định rõ. Trong đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định giá vật liệu khảo sát xây dựng, giá nhân công khảo sát xây dựng, giá ca máy, thiết bị khảo sát và đơn giá khảo sát xây dựng làm cơ sở để công bố giá khảo sát xây dựng phục vụ việc lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng. Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán khảo sát xây dựng trên cơ sở phương pháp xác định giá khảo sát xây dựng, hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công cụ thể của công trình. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực để lập, thẩm tra nhiệm vụ, đơn giá, dự toán khảo sát xây dựng. Chi phí thẩm tra được xác định bằng cách lập dự toán. 
 
Với quyết tâm quản lý tốt chi phi dự án đầu tư xây dựng, các cấp, các ngành của tỉnh cần tăng cường quản lý chất lượng xây dựng các công trình, thẩm định, thẩm tra sát sao các bước khảo sát, thiết kế, dự toán công trình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, mỹ quan công trình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chấp hành đúng các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng ở tất các các khâu của dự án đảm bảo không lợi dụng đội giá đầu tư ở khâu khảo sát nhưng cũng không để khó khăn chi phí dẫn đến tư vấn làm sơ sài, chiếu lệ khâu này, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án xây dựng ở các khâu tiếp theo./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com