Tăng cường quản lý công tác kiểm định, bảo trì tháp truyền thông, thu phát sóng di động

03:05, 06/05/2017
Đầu tư xây dựng các cột tháp ăng-ten truyền thông (BTS) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương định hướng đúng của Đảng và Nhà nước ta được các đơn vị viễn thông triển khai tích cực trong thời gian qua. Do đặt ngoài trời lại cao nên nếu không được bảo trì, bảo dưỡng, các trạm thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người dân, nhất là khi mùa mưa bão đến.
 
Theo cơ quan chuyên môn, hiện nay hồ sơ kỹ thuật của các công trình phát sóng truyền thông trên địa bàn tỉnh ta hầu hết đều thiếu, không lưu giữ được các hồ sơ cần thiết như hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng thi công xây lắp. Đa phần không có quy trình bảo trì, không có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ. Chỉ có một số ít công trình được thực hiện bảo dưỡng và kiểm định chất lượng, việc quản lý, giám sát hoạt động này còn bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân chủ yếu do một số vướng mắc về quy định của pháp luật gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng khi tiếp cận quản lý loại công trình này. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 771 công trình thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, cột BTS; trong đó, có 1 cột tháp ăng-ten phát sóng truyền hình cao 160m và 770 công trình chiều cao dưới 100m. Công tác báo cáo định kỳ; kiểm định, bảo trì của chủ đầu tư đối với các công trình, dự án cột tháp ăng-ten truyền thông xây mới còn chưa được thực hiện nghiêm và đầy đủ. Bên cạnh đó, do công tác thống kê rà soát của các chủ đầu tư đối với số lượng các cột tháp ăng-ten cũ đã xây từ nhiều năm trước còn nhiều thiếu sót nên các cơ quan chức năng khó kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng. Do đặc thù chủ yếu là các công trình kết cấu thép dạng tháp được neo giữ bằng dây cáp, cao, ít được che chắn; các trạm BTS, cột thu phát sóng di dộng do chủ đầu tư tự thuê đơn vị thi công không qua thẩm định của cơ quan quản lý nên chất lượng vật liệu, thiết bị sử dụng để thi công rất khó kiểm soát. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chế độ kiểm định, bảo trì giữa lực lượng chức năng và chủ đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên do thiếu thốn về lực lượng lẫn kinh phí. Quy trình chuẩn về kiểm định và bảo trì công trình tháp truyền thông cột BTS chưa được ban hành và có quy định chi tiết cụ thể cũng gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý.
Cột tháp ăng-ten truyền thông được xây dựng tại số 2 đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).
Cột tháp ăng-ten truyền thông được xây dựng tại số 2 đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).
Để khắc phục tình trạng này, ngày 25-1-2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BXD phê duyệt Quy trình kiểm định và Quy trình bảo trì công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình nhằm siết chặt quản lý Nhà nước đối với chất lượng công trình cột BTS, khắc phục những thiếu sót về văn bản quy phạm pháp luật trước đây, đồng thời đảm bảo công trình luôn được an toàn và hoạt động bình thường. Theo Quyết định này trong quy trình bảo trì công trình cột BTS có 4 khâu kiểm tra cơ bản là: ban đầu, định kỳ, bất thường và chi tiết. Cụ thể, quy trình kiểm tra ban đầu được thực hiện sau 3 tháng kể từ thời điểm nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Biện pháp kiểm tra ban đầu được tiến hành trên toàn bộ kết cấu của công trình với phương pháp chủ yếu là bằng trực quan, kết hợp xem xét các bản vẽ: thiết kế, hoàn công và hồ sơ thi công (nhật ký công trình, các biên bản kiểm tra đã có). Kiểm tra định kỳ được tiến hành đối với mọi kết cấu thuộc công trình nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu hư hỏng của kết cấu trong quá trình sử dụng mà việc kiểm tra ban đầu và bất thường không nhận biết được. Từ đó có biện pháp xử lý sớm để bảo đảm duy trì tuổi thọ công trình. Kiểm tra định kỳ được tiến hành trên toàn bộ công trình do chủ công trình có thể tự kiểm tra hoặc thuê các đơn vị có chuyên môn phù hợp. Quy định về tần suất kiểm tra định kỳ như sau: Vùng ven biển không quá 24 tháng/lần, các vùng còn lại không quá 30 tháng/lần. Đối với các công trình đặc biệt, thử nghiệm (môi trường khắc nghiệt, cột cao, biển đảo, địa chất yếu,…) sẽ tiến hành theo yêu cầu của thiết kế. Toàn bộ kết quả thực hiện kiểm tra định kỳ cần ghi chép và lập thành biên bản để phục vụ công tác kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Kiểm tra chi tiết được tiến hành bằng các thí nghiệm chuyên dùng để đánh giá lượng hóa chất, lượng vật liệu và mức độ xuống cấp của kết cấu. Người thực hiện kiểm tra chi tiết phải có phương án thực hiện bao gồm quy mô kiểm tra, mức kết quả kiểm tra cần đạt, thời gian và kinh phí thực hiện. Phương án này phải được chủ công trình chấp nhận trước khi thực hiện.
 
Mới đây, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Nam Định (Chi cục Giám định xây dựng - Sở Xây dựng) đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel tiến hành kiểm định đối với 217 cột tháp BTS của đơn vị trên địa bàn tỉnh được xây dựng trong các năm từ 2005 đến 2014. Hầu hết là các trạm BTS loại 1 và loại 2 với kết cấu dây co và tự đứng với chiều cao trung bình từ 9-60m. Công tác kiểm định được tiến hành gồm khảo sát sơ bộ (bằng trực quan, tiếp cận xem xét hiện trường; quan sát, chụp ảnh hiện trạng công trình); kiểm định chi tiết (kết cấu, tổng thể cột; độ thẳng đứng thân cột; độ siết chặt của bu-lông; xác suất cường độ của các cấu kiện bê tông cốt thép đổ tại chỗ; vết nứt trong các kết cấu bê tông cốt thép; điện trở tiếp đất; quá trình duy tu, bảo dưỡng đối với công trình). Kết quả cho thấy toàn bộ các công trình đều được thi công phù hợp với hồ sơ thiết kế; chất lượng cột hiện trạng đảm bảo an toàn, sử dụng bình thường. Cùng với đó, nhằm phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sự cố công trình sập đổ tháp ăng-ten thu phát sóng viễn thông gây ra trong mùa mưa bão sắp tới, Chi cục đã có Công văn số 14/CCGĐXD-GĐ&ATXD yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng các công trình trên địa bàn tỉnh cử cán bộ chuyên môn phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định. Theo cơ quan chuyên môn, việc hoàn thiện quy trình kiểm định, bảo trì xây dựng đã tạo cơ sở để cơ quan Nhà nước tham gia quản lý, kiểm soát tốt hơn đối với các công trình nhưng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyết định. Bởi theo Quyết định 55, quy trình này chỉ có thể áp dụng cho công trình cần kiểm định trong trường hợp có yêu cầu của chủ đầu tư hoặc trường hợp cơ quan chức năng phát hiện ra các sự cố xuống cấp về chất lượng công trình. Chế tài xử lý đối với chủ đầu tư chưa thực hiện kiểm định, bảo trì để xảy ra sự cố công trình cũng chưa được quy định rõ ràng cụ thể. Vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện, thị trấn, xã trong quản lý, kiểm tra việc kiểm định bảo trì công trình tháp cột BTS được xây dựng tại địa bàn chưa thực sự rõ ràng.
 
Vì thế, nhằm hướng tới đảm bảo an toàn chất lượng các cột tháp BTS, tránh các sự cố công trình ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân, các cấp, ngành cần sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật siết chặt quản lý về đầu tư xây dựng các trạm BTS, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở các địa phương đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình tháp viễn thông trên địa bàn đúng theo pháp luật hiện hành./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com