Quản lý chặt chẽ chất lượng thức ăn thủy sản

08:03, 27/03/2017
Thức ăn là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng, sản lượng và chiếm từ 65-80% giá thành sản xuất trong nuôi thủy sản. Thời gian qua đã từng xuất hiện tình trạng sản phẩm thủy sản có dư lượng kháng sinh mà một trong những “con đường” là từ thức ăn. Chính vì vậy việc quản lý chất lượng thức ăn dùng trong nuôi thủy sản là một vấn đề bức thiết cần được quan tâm. 
Cơ sở kinh doanh thức ăn, con giống thủy sản Thiện Bích, xã Hải Triều (Hải Hậu).
Cơ sở kinh doanh thức ăn, con giống thủy sản Thiện Bích, xã Hải Triều (Hải Hậu).
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN và PTNT), toàn tỉnh có 51 đại lý và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chuyên cung cấp đa dạng các loại sản phẩm vật tư thủy sản, trong đó có thức ăn dành cho các loại thủy sản. Điều đó khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản và làm người sử dụng lúng túng khi lựa chọn cũng như cách sử dụng cho hiệu quả. Các kỹ sư thủy sản cho biết thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của người nuôi giảm đáng kể. Hiện trên thị trường, các loại thức ăn có nguồn gốc đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, In-đô-nê-xi-a… nên tất cả các loại thức ăn nhập khẩu vào Việt Nam phải đúng quy chuẩn do Bộ NN và PTNT quy định. Nếu là sản phẩm mới phải thông qua khảo nghiệm, nếu chưa có tên trong danh mục phải làm thủ tục đăng ký vào danh mục. Tuy nhiên, thông tin trên nhãn mác, bao bì và hướng dẫn sử dụng của nhiều sản phẩm chỉ được ghi bằng tiếng nước ngoài, không có phụ đề tiếng Việt khiến người mua không đọc được nên dùng theo cảm tính, không đúng hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn ham rẻ, mua sản phẩm kém chất lượng để nuôi thủy sản tạo cơ hội cho những đơn vị kinh doanh thức ăn thủy sản thiếu trách nhiệm, giở “chiêu trò” giảm giá, khuyến mại để thu hút người dân dùng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trước những thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tăng cường biện pháp quản lý chất lượng thức ăn thủy sản, chỉ cấp phép sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho những cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ NN và PTNT quy định để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm, các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác và quá hạn sử dụng… Xây dựng quy trình hướng dẫn sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ngay từ đầu năm 2017, Sở NN và PTNT đã tổ chức các đợt thanh, kiểm tra điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản trên địa bàn. Kết quả cho thấy phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đảm bảo quy chuẩn, điều kiện kinh doanh như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thức ăn thủy sản, kệ kê hàng, biển hiệu… Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện thủ tục hoặc giấy tờ cần thiết theo quy định, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu nhanh chóng hoàn tất. Ngoài sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những doanh nghiệp, đại lý kinh doanh thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; sản xuất các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ cho nuôi thủy sản để tăng sức cạnh tranh. Các đại lý kinh doanh và nhân viên tiếp thị phải có chuyên môn hướng dẫn người nuôi sử dụng hợp lý các loại thức ăn, tránh lãng phí gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản. Ngoài ra, các hộ nuôi thủy sản cũng cần nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc, sử dụng thuốc thú y bừa bãi không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có uy tín trên thị trường để sử dụng có hiệu quả, tránh gây lãng phí; không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác… Ông Hoàng Đức Thiện, chủ đại lý thức ăn, con giống thủy sản xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Đại lý của tôi đã được cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người nuôi lên hàng đầu nên những sản phẩm thức ăn thủy sản tôi kinh doanh đều được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo về xuất xứ cũng như chất lượng. Tôi luôn mong muốn nghề nuôi thủy sản của địa phương ngày càng phát triển bền vững”. Ông Nguyễn Văn Khương, xã Giao Thiện (Giao Thủy) có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Khương cho biết: “Ngoài nguồn thức ăn được chế biến từ những phụ phẩm nông nghiệp như ngô, khoai… hầu hết các hộ nuôi thủy sản như chúng tôi đều phải sử dụng thức ăn công nghiệp. Trước kia, do chưa có kinh nghiệm và hiểu biết tôi luôn gặp khó khăn trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp nên đàn tôm thời gian đầu lớn chậm, lượng thức ăn hao tổn nhiều dẫn đến hiệu quả nuôi không cao. Nhiều năm trở lại đây, do tích cực dự các lớp tập huấn về nuôi thủy sản địa phương tổ chức nên tôi có kinh nghiệm và chỉ tin tưởng mua thức ăn thủy sản tại những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy trung bình mỗi năm tôi thu hoạch được khoảng 6 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận sản xuất khá, đời sống ngày càng được nâng cao”. 
 
Để nâng cao chất lượng quản lý thức ăn trong nuôi thủy sản, thời gian tới Sở NN và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản chủ động chọn mua những loại thức ăn đảm bảo chất lượng. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com