Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng huyện

05:03, 25/03/2017
Triển khai lập quy hoạch vùng huyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các huyện trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, chương trình xây dựng NTM nói riêng. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu giúp các sở, ngành liên quan hỗ trợ UBND các huyện triển khai các công việc cần thiết để lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng các huyện.
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 16-2-2017, Sở Xây dựng đã hướng dẫn UBND các huyện bằng văn bản về hồ sơ, trình tự, thủ tục, các công việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các huyện lập quy hoạch, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện vào ngày 20 hằng tháng. Ngoài ra, tại các cuộc làm việc của đoàn công tác của tỉnh với UBND các huyện trong tháng 2 vừa qua, đại diện Sở Xây dựng đã trực tiếp hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị liên quan đến quá trình lập quy hoạch vùng huyện. 
Hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế - xã hội ở các địa phương theo hướng bền vững. Trong ảnh: Đường trục xã Hải Hà (Hải Hậu).
Hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế - xã hội ở các địa phương theo hướng bền vững. Trong ảnh: Đường trục xã Hải Hà (Hải Hậu).
Quy hoạch vùng huyện được hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối, điều chỉnh (nếu có) các quy hoạch của huyện; cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; hoàn thiện kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung có định hướng trên địa bàn huyện và làm cơ sở lập quy hoạch chung xây dựng đô thị và các khu chức năng đặc thù tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai. Do đó, Sở yêu cầu UBND các huyện phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai công tác lập quy hoạch cần thống nhất nội dung cơ bản của các quy hoạch đô thị; quy hoạch các khu chức năng đặc thù; quy hoạch NTM các xã; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở có đối chiếu (đề xuất điều chỉnh nếu có). Đồng thời, khớp nối các quy hoạch cấp tỉnh có liên quan. Đối với hồ sơ quy hoạch cần đảm bảo theo quy định và hướng dẫn thực hiện đối với loại hình quy hoạch vùng huyện tại Luật Xây dựng, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ, Thông tư 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26-12-2016 của Bộ NN và PTNT. Đối với nhiệm vụ quy hoạch: Xác định phạm vi ranh giới vùng; dự báo phát triển của các ngành có liên quan; dự báo sơ bộ quy mô dân số, đất đai; chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định cơ bản tại các hồ sơ đã có (Quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch NTM và các quy hoạch ngành khác). Trong hồ sơ nhiệm vụ tập trung làm rõ một số nội dung như: Xác định các yêu cầu trong thu thập số liệu, phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; định hướng phát triển không gian, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng; đánh giá môi trường chiến lược; quản lý quy hoạch vùng; các chương trình, dự án ưu tiên; xác định yêu cầu liên quan đến đặc điểm riêng của từng vùng. Đối với hồ sơ quy hoạch, tập trung vào 3 nội dung chính như: đánh giá, nhận xét hiện trạng; xác định các tiềm năng, các động lực phát triển vùng và dự báo phát triển; xây dựng mô hình và định hướng phát triển vùng. Yêu cầu chung cho các phần nội dung của quy hoạch vùng thực hiện chủ yếu tổng hợp, đánh giá lại và làm rõ một số nội dung về xác định những yếu tố mang tính đặc thù của vùng; đánh giá hệ thống hạ tầng xã hội vùng, hạ tầng kỹ thuật khung của vùng; đánh giá và phân định rõ các khu chức năng chính của vùng; xác định tính hiệu quả, khả năng thực hiện, làm cơ sở phân vùng phát triển, xây dựng mô hình và định hướng phát triển không gian vùng. Trong đó, các nội dung đề xuất trong quy hoạch phải xác lập các phạm vi các phân vùng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung tỉnh, vừa sử dụng hiệu quả các tiềm năng của địa bàn. Các phân vùng không gian xây dựng tập trung như KCN lớn cấp huyện, các vùng đô thị phát triển: khu cảng, khu nhà máy, các khu khai thác vật liệu xây dựng… Các phân vùng cảnh quan phải bảo tồn, tôn tạo gắn với dịch vụ du lịch. Các phân vùng phát triển không gian nông - lâm - ngư nghiệp, các vùng nông thôn gắn với công nghiệp vừa và nhỏ theo tiêu chí NTM. Đồng thời, quy hoạch cũng phải xác định quy mô, tiềm năng và chức năng chính của các phân vùng, những nguyên tắc kết nối các phân vùng. Ngoài ra, quy hoạch xây dựng vùng huyện phải đảm bảo giữ nguyên định hướng chung trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh phê duyệt như hệ thống các đô thị ở các huyện, phân cấp đô thị (thị trấn, trung tâm cụm xã, trung tâm xã…), định hướng không gian phát triển kinh tế ở từng vùng tại địa phương đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn liền với mục tiêu xây dựng huyện NTM giai đoạn 2016-2020, tăng cường tính liên kết vùng trong nội hàm huyện.
 
Tuy nhiên, do sức ép về thời gian, cộng với nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện còn khá mới lạ, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thiếu chi tiết, cụ thể khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai lập quy hoạch do vừa làm vừa phải nghiên cứu tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM theo kế hoạch, UBND tỉnh giao UBND các huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện thuộc địa bàn quản lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và các quy hoạch liên quan khác đã được duyệt. Các huyện: Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tháng 5-2017. Các huyện còn lại hoàn thành, trình phê duyệt quy hoạch vùng huyện trong năm 2017. Sở Xây dựng đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện cho Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh là đơn vị tư vấn giúp đỡ các huyện xây dựng quy hoạch vùng huyện. Với nỗ lực của các sở, ngành cùng với UBND các huyện, quy hoạch vùng huyện sẽ sớm được lập, hoàn thiện, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các huyện trong tương lai./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com