Tự hào cây lúa Nam Định

10:01, 24/01/2017

Trải qua bao biến thiên lịch sử thăng trầm của xã hội, của ngành Nông nghiệp, song Nam Định vẫn là trung tâm thâm canh lúa không chỉ của vùng đồng bằng sông Hồng mà của toàn miền Bắc.

Mỗi lần đi qua những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, trong tâm trí tôi lại văng vẳng những lời của ông tôi vẫn thường kể: ngày xưa cấy, cày vất vả lắm mà chẳng bao giờ đủ ăn. Nai lưng kéo cày thay trâu, cuốc bẫm, cày sâu “đầu tắt mặt tối” mà cả năm mỗi sào cũng chỉ được vài chục cân thóc. Ngày Tết mới có bát cơm gạo trắng cúng ông bà tổ tiên chứ ngày thường chỉ ăn độn khoai, sắn, dong…

Tỉnh ta là vùng đất thấp, ngoại trừ một vài huyện ven biển đồng đất tương đối bằng phẳng, còn lại cốt đất cao, thấp không đều. Nhiều vùng là rốn nước của các đồng chiêm trũng như: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực... Hằng năm cứ từ tháng 5 đến tháng 11, cánh đồng chiêm trắng nước, câu cửa miệng của người dân nơi đây nói về quê mình là đất “chiêm khê, mùa thối”, “6 tháng đi bằng tay, 6 tháng đi bằng chân”… Đến các nhà thơ đương thời cũng phải thốt lên rằng:

“Bèo nổi lênh đênh đồng nội sạch
Lúa chìm sâu thẳm cánh đồng không”

Chính những khó khăn mà người nông dân nơi đây phải gồng mình vượt qua, biết rút kinh nghiệm thường xuyên, trân trọng những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để áp dụng như: “cuốc bẫm, cày sâu”, “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, “một lượt tát, một bát cơm”… nên từ những năm 30-40 của thế kỷ trước, năng  suất lúa tỉnh ta đã đạt 13 tạ/ha - cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Cây lúa chủ lực thời ấy được người dân lựa chọn là những cây chịu ngập úng như: dé trắng, dé đen, dé ngoi, hin, hom… nước úng trắng đồng vẫn vượt lên cho người dân có mùa gặt hái. Nhiều giống lúa cho gạo, cơm thơm ngon “ăn một lần rồi nhớ mãi” đến nay vẫn còn được trân trọng, gìn giữ. Gạo nếp ngon phải kể trước hết giống nếp cái hoa vàng, nếp bắc, nếp thầu dầu; gạo tẻ có dự, di, tám xoan, tám tiêu - đặc sản cả nước biết đến - trồng tập trung ở nhiều xã thuộc 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và xã Xuân Đài (Xuân Trường)…

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Việt Hùng (Trực Ninh).
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Việt Hùng (Trực Ninh).

Cứ đi dọc các con kênh Tây, kênh Đông của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà đã được kiên cố hóa đến tận cánh đồng trũng của các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, rồi ngược từ cửa sông, cửa biển theo các công trình thủy lợi kênh Quần Liêu (Nghĩa Hưng); kênh 38, Cồn Nhất (Giao Thủy)… mới thấy công sức của nông dân tỉnh ta nhằm xây dựng một nền nông nghiệp chủ động hoàn toàn về tưới tiêu nước. Hàng loạt công trình như các trạm bơm Cổ Đam, Cốc Thành, Sông Chanh, Vĩnh Trị… và các cống, đập: cống Múc (Hải Hậu); cống Quần Vinh (Nghĩa Hưng); cống số 9, số 10 (Giao Thủy)… cùng hệ thống kênh tiêu, máng tưới hình thành, làm thay da đổi thịt cho vùng đất sản xuất 1 vụ bấp bênh thành 2 vụ ăn chắc trong 1 năm; nơi có điều kiện thì quay vòng 3-4 vụ, tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cùng với tiêu nước thoát úng, từng bước, công thức tưới tiêu khoa học được áp dụng vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo nhu cầu về nước theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa, cây màu có ý nghĩa quyết định, nhất là ở cánh đồng thâm canh cao sản. Việc quai đê lấn sông, lấn biển thật gian nan, công sức của hàng vạn lao động, ngày đêm thắt lưng buộc bụng, đổ cả mồ hôi, máu và nước mắt. Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Quyền đã cùng với hàng nghìn lao động lấn biển Rạng Đông để có được hơn 1.300ha bạt ngàn lúa, cói, dâu xanh trù phú bây giờ. Quai đê lấn biển Giao An (Giao Thủy), mở rộng diện tích ven sông Đáy, Yên Bằng (Ý Yên) chúng ta ghi nhớ công lao các Anh hùng Lao động Trần Văn Thuần, Lê Văn Toán. Thời ấy, xã nào cũng đều có Đội 202 chuyên lo công tác thủy lợi. Nhiều đội vinh dự nhận được Bằng khen của Chính phủ, Bộ Thủy lợi, UBND tỉnh như: Nam Giang (Nam Trực); Yên Lộc, Yên Ninh (Ý Yên); Nghĩa Lạc, Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng)… Đặc biệt HTX Đại Hải, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) có đội thủy lợi 202 trên 30 người toàn là nữ thanh niên do chị Hoàng Thị Thủy làm đội trưởng đã lập nhiều thành tích; được Chính phủ, Bộ Thủy lợi, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, chị Thủy được bầu vào đại biểu Quốc hội khóa V. Ông Phạm Quang Việp, đội trưởng Đội 202 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) được suy tôn là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đội thủy lợi 202 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) sau này được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lao động…

Tôi cứ ngợp trên những cánh đồng vụ đông bát ngát màu xanh của nào cải, nào xà lách, rau xanh các loại… mang lại hiệu quả kinh tế cao mà ở địa phương nào trong tỉnh cũng có. Những vùng vụ đông này là tiếp bước của 2 vụ lúa trước năng suất tới trên 12 tấn/ha/năm. Để có năng suất lúa cao như vậy, ngoài thủy lợi, giống lúa là khâu quyết định và phương thức canh tác mới là không thể thiếu. Nếu như những năm 1930-1940 năng suất lúa của tỉnh đạt 1,3 tấn đã là kỷ lục của miền Bắc thì bây giờ năng suất đã tăng lên chục lần. Nam Định là địa phương đi đầu trong cuộc “cách mạng xanh” từ việc chuyển đổi giống cây trồng. Các giống dé, hin, hom được thay thế bằng các giống Mộc tuyền, CR203,…  đặc điểm cây thấp, năng suất cao, ổn định. Một thời lúa lai cứu cánh cho thoát đói, Nam Định ứng dụng nhanh công nghệ sản xuất giống lúa lai F1 và mở rộng gieo cấy lúa lai thương phẩm. Chính nhờ mở rộng gieo cấy lúa lai, Nam Định trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa nhiều năm liền. Năm 1999 sản lượng lương thực đã đạt trên 1 triệu tấn, bằng sản lượng của cả tỉnh Hà Nam Ninh một thời, được đánh giá là “hiện tượng Nam Định”. Đồng chí Trần Văn Cận - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh từ nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa lai đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới… Khi an ninh lương thực không còn là vấn đề cấp bách, cơ cấu giống lúa lại chuyển dần sang các giống lúa thuần có chất lượng và giá trị cao như: BT7, nếp 97… và các giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng, dự hương, tám xoan, tám ấp bẹ… Nhờ các trung tâm giống, HTX đã lọc dòng tìm ra các giống đầu dòng năng suất cao vẫn giữ được chất lượng ngon, thơm như nguyên gốc nhưng nếu trước kia năng suất chỉ vài chục cân thì đến nay cũng đã tăng ổn định 1,5-2 tạ/sào. Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông các huyện, các trung tâm giống, các Cty giống xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, khảo nghiệm lúa để tiếp tục tìm ra các giống lúa lai và lúa thuần có năng suất, chất lượng tốt. Nhiều giống lúa triển vọng như CT16, M1-NĐ, Hương biển 3, Nam Định 5, BT7… thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất thấp dễ bị nhiễm sâu bệnh. Cty TNHH Cường Tân mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua bản quyền các giống lúa lai, lúa thuần để tổ chức sản xuất, cung ứng hạt giống lúa phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh. Hiện Cty là 1 doanh nghiệp mạnh trong ngành giống cây trồng của cả nước. Tập đoàn Syngenta thấy được những tiềm năng, ưu điểm đại diện cho đồng bằng sông Hồng nên đã xây dựng Trung tâm nghiên cứu lúa lai đầu tiên tại Việt Nam ở xã Tân Thịnh (Nam Trực). Tỉnh ta còn là địa phương đầu tiên khởi xướng cấy lúa xuân thay cho lúa chiêm xuân của miền Bắc để tránh thời tiết rét đậm, rét hại từ khi gieo mạ cho đến khi thu hoạch nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra. Từ kinh nghiệm của Nam Định Bộ NN và PTNT đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố miền Bắc chuyển sang gieo cấy vụ xuân.

Cơ sở sản xuất, chế biến gạo chất lượng cao của Cty TNHH Toản Xuân ở xã Yên Lương (Ý Yên).
Cơ sở sản xuất, chế biến gạo chất lượng cao của Cty TNHH Toản Xuân ở xã Yên Lương (Ý Yên).

Cùng với cải cách về thủy lợi, giống, tỉnh ta đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo công nghệ tiên tiến… góp phần đưa năng suất lúa lên cao, tăng nhiều diện tích đất để trồng vụ đông hàng hóa. Đặc biệt, người nông dân ứng dụng rộng rãi chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”, chương trình SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến)… nâng cao kỹ thuật thâm canh; tiết kiệm nước, phân bón; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Trong công cuộc xây dựng NTM, Nam Định đã hoàn thành công tác “dồn điền đổi thửa”, vận động các hộ nông dân góp đất, góp công, kinh phí; huy động máy móc, phương tiện đào đắp đường giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Đồng ruộng Nam Định được quy hoạch gọn gàng, liền bờ, liền thửa, hệ thống tưới tiêu nước được chủ động... tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn” thực hiện cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phục vụ cho thâm canh cao. Đưa nhanh cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh mạnh dạn đưa ra chính sách hỗ trợ nông dân mua máy gặt, máy cày lên đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc. Nếu như trước kia dù có phương tiện cơ giới nhưng nông dân vẫn phải đi bộ ra đồng bởi đường nội đồng nhỏ, hẹp, mấp mô, thì nay có thể đi xe máy, dùng ô tô, máy kéo đưa vật tư… tới tận ruộng, đến vụ thu hoạch ô tô đậu sát chân ruộng để bốc xếp rau củ lên xe. Giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn chuyển sang ngành nghề khác trong công cuộc xây dựng NTM.

Trước nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm sạch, tỉnh ta tập trung phát triển nhiều mô hình trồng lúa chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cánh đồng lúa bát ngát tại đây luôn tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch, cho ra đời những hạt gạo trắng, dẻo, thơm, ngon. Đây cũng là sự tiếp nối thành quả của các chương trình IPM, SRI, “4 đúng”, “3 giảm - 3 tăng”… được ngành Nông nghiệp và các địa phương nỗ lực xây dựng trên dưới 10 năm nay. Nhiều doanh nghiệp phối hợp cùng bà con địa phương thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Sự phối hợp này không những nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn giúp bà con giảm gánh nặng khi tham gia trồng trọt. Đi đầu là Cty TNHH Toản Xuân đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo với công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, đồng hành cùng nông dân xây dựng thành công thương hiệu gạo sạch Nam Định. Đây là đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng có sản phảm gạo được Bộ NN và PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”.

Dù thời nào thóc gạo Nam Định cũng được vinh danh trên thị trường. Ngày nay, giữa nhiều loại gạo không tên tuổi, không đảm bảo an toàn, gạo Nam Định đã và đang khẳng định chỗ đứng và sự tin dùng của nhiều thị trường và người tiêu dùng khó tính. Với truyền thống sản xuất lúa và những nỗ lực đổi mới, hội nhập xu thế hiện đại của ngành Nông nghiệp, trong tương lai gần, những loại gạo ngon Nam Định sẽ tiếp tục vươn xa, định vị trên thị trường trong nước và thế giới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com