Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

07:01, 19/01/2017
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh tăng cao. Trong khi đó, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hiện tượng vịt chết nghi mắc cúm gia cầm A/H5N1… Đứng trước nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, công tác kiểm soát dịch bệnh đang được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực.
Nông dân xã Trực Phú (Trực Ninh) rắc vôi bột khử trùng chuồng nuôi.
Nông dân xã Trực Phú (Trực Ninh) rắc vôi bột khử trùng chuồng nuôi.
Ngày 1-8-2016, cơ quan chuyên môn của tỉnh phát hiện dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò nuôi tại thôn 1 và thôn 7A của xã Yên Quang (Ý Yên) với tổng số mắc bệnh là 26 con (16 trâu, 10 bò). Ngày 10-12-2016, phát hiện 2.100 con vịt thịt 90 ngày tuổi của hộ ông Phạm Văn Thao xóm 13, xã Giao Long (Giao Thủy) thả nuôi tại cánh đồng thuộc xã Giao Tiến có hiện tượng ốm, chết do cúm A/H5N1. Ngay sau khi phát hiện dịch, Sở NN và PTNT cùng 2 huyện Ý Yên và Giao Thủy tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp chống dịch nên đã ngăn chặn không để dịch lây lan. Trước tình hình đó, các ngành chức năng càng tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Để thực hiện tốt công tác giám sát, báo cáo dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ bám sát cơ sở để nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo hằng tuần, hằng tháng, hằng quý và đột xuất khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ động thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh theo kế hoạch và theo các chương trình dự án để đánh giá tình hình dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật, nhờ đó các ổ dịch xảy ra được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đã cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, an toàn động vật, sản phẩm động vật. Chi cục đã cấp 8.123 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật: lợn thịt, lợn sữa, gia cầm giống, vịt thịt, gà thịt, trứng gia cầm và thịt đông lạnh, mỡ… Trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm, UBND tỉnh cấp kinh phí mua 700 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn, 60 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò, dê. Kết quả đã tiêm vắc-xin dịch tả lợn được 688.474 con; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 54.015 con; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 59.251 con. Ngoài số lượng vắc-xin dịch tả lợn và lở mồm long móng được tỉnh hỗ trợ, các chủ hộ chăn nuôi chủ động mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh vắc-xin. Tổng lượng vắc-xin người chăn nuôi tự mua là 3.259.900 liều, trong đó dịch tả vịt là 546.200 liều; 1.160.000 liều Niu-cát-xơn; 101.520 liều tụ huyết trùng gia cầm; 276.925 liều dịch tả lợn; 86.300 liều tụ huyết trùng lợn... Chính nhờ công tác tiêm phòng đạt kết quả khá đã góp phần hạn chế dịch bệnh. Trong năm 2016, Sở NN và PTNT phát động 2 đợt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”, xuất, cấp 17.954 lít hóa chất sát trùng cho các địa phương thực hiện; các hộ chăn nuôi đã chủ động mua hóa chất, vôi bột để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, sát trùng, tổng số 105,7 tấn vôi bột. Cán bộ Chi cục, các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, hộ giết mổ động vật làm tốt công tác vệ sinh, xử lý chất thải đúng kỹ thuật, không làm lây lan dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Là hộ chăn nuôi quy mô lớn với 15 nghìn con gà và 600 con lợn, những năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) luôn xác định bảo vệ an toàn đàn vật nuôi là bảo vệ tài sản của gia đình. Vì vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh, gia đình luôn chủ động tiêm phòng đầy đủ, định kỳ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y, qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trang trại, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Với tính chất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, hiện nay ngành Nông nghiệp cùng các huyện, thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thú y; tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm, các biện pháp phòng chống dịch; vận động người chăn nuôi tự giác khai báo khi có dịch, không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường; không giết mổ gia súc, gia cầm ốm chết làm thực phẩm… Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi và dịch bệnh gia súc, gia cầm. Vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó dập dịch ngay khi dịch xảy ra. Tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin cho đàn vật nuôi theo quy định, nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm cho đàn vịt. Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh vận chuyển động vật, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật phải thực hiện tốt vệ sinh thú y, đặc biệt là những nơi có lễ hội xuân như: Nam Trực, Vụ Bản, Thành phố Nam Định… Không được giết mổ gia súc, gia cầm ốm chết, chỉ giết mổ động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca mổ. 
 
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì việc nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ chăn nuôi trong việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chính là liều “vắc-xin” quan trọng nhất để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi và ngành chăn nuôi của tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com