"Mỗi làng một nghề" ở Hải Hậu

10:01, 24/01/2017

“Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt…”. Trên nền tảng truyền thống sản xuất nông nghiệp phát triển lâu đời, những năm qua Hải Hậu tập trung phát triển mạnh về công - thương nghiệp theo đúng phương châm ông cha xưa đã đúc rút “ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, đảm bảo cho kinh tế người dân và địa phương đi bằng nhiều chân kiềng vững chắc. Dễ hiểu vì sao Hải Hậu không chỉ trở thành huyện NTM đúng kế hoạch mà 100% số xã, thị trấn cũng đạt tiêu chí NTM. Đến năm 2016, toàn huyện Hải Hậu đã phát triển được 44 làng nghề ở 33/35 xã, thị trấn; tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Đỗ Văn Luyến, xóm 19, làng nghề mộc mỹ nghệ Đông Hữu, xã Hải Anh.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Đỗ Văn Luyến, xóm 19, làng nghề mộc mỹ nghệ Đông Hữu, xã Hải Anh.

Những ngày giáp Tết về Hải Hậu, đến bất cứ làng nào ngay từ các dong ngõ, đều thấy không khí làm nghề hối hả, tất bật từ làng nghề mộc; làng nghề dệt lưới cước đến làng nghề sản xuất bánh kẹo... Bên cạnh những tên tuổi làng nghề quen thuộc như: Phạm Rỵ, Bình Minh của các xã Hải Trung, Hải Minh, làng sản xuất bánh kẹo Đông Cường ở Thị trấn Yên Định đã có thêm những tên tuổi mới như: Kim Thành, Cồn Thịnh, Đông Hữu của các xã Hải Vân, Hải Anh, làng nghề kéo sợi PE và dệt lưới cước Minh Châu của Thị trấn Thịnh Long. Trong tiết trời se lạnh chuẩn bị đón xuân sang, trên những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lì - khẳng định vị thế huyện NTM thứ hai của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận, xen kẽ những ngôi nhà mới xây có cả những biệt thự, thậm chí cả biệt thự kiến trúc như lâu đài hiện đại. Nhà kiên cố 2-3 tầng ngày càng nhiều khiến cảnh tượng ở nhiều làng quê không khác gì ở các đô thị phát triển. Trên các con đường mới nâng cấp mở rộng từng đoàn ô tô tấp nập ngược xuôi vận chuyển hàng hóa. Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, bức tranh chung về đời sống của toàn huyện Hải Hậu đã thực sự đột phá chỉ trong vài năm nay. Thu nhập bình quân đầu người hiện tại đạt 34,48 triệu đồng/năm trong khi chỉ 5 năm trước, nhiều xã của huyện Hải Hậu chỉ đạt mức thu nhập bình quân 7,5-10 triệu đồng/người/năm, bằng 2-3 tháng lương của phần lớn lao động trong các làng nghề. “Xây dựng, phát triển các làng nghề” là một trong 6 đề án phát triển kinh tế - xã hội đã được BCH Đảng bộ huyện Hải Hậu nhiệm kỳ 2010-2015 ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Hậu trở thành huyện NTM… Mục tiêu là duy trì, mở rộng sản xuất tại các làng nghề hiện có và xây dựng, phát triển thêm các làng nghề mới. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một làng nghề, mỗi làng nghề có một loại sản phẩm đặc trưng, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các cơ quan quản lý chuyên môn đến các xã, thị trấn; tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế về nguồn lao động và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; CN-TTCN của huyện đã có bước đột phá mạnh mẽ. Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật để cung ứng nguồn lao động ổn định, tay nghề cao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Phát huy tối đa kinh nghiệm, vai trò và uy tín của đội ngũ nghệ nhân làng nghề để nhân rộng, phổ biến tinh hoa, kỹ năng nghề nghiệp trong sản xuất thực tiễn tại các làng nghề. Cùng với các yếu tố trên, thành công của huyện Hải Hậu trong xây dựng, duy trì hoạt động ổn định của các làng nghề là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Ban điều hành làng nghề trong chỉ đạo, điều hành toàn diện các hoạt động trong làng nghề; đồng thời chủ động tiếp cận thông tin, thị trường và phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh và chính quyền địa phương để tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề về: thủ tục hành chính, mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nghề… để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Công tác bình xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề được huyện chú trọng thực hiện đã kích thích, động viên những người có tâm huyết với ngành nghề truyền thống, phát huy lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp để tận tâm phát triển nghề. Qua các đợt bình xét, đến nay toàn huyện đã có 24 nghệ nhân được UBND huyện công nhận nghệ nhân làng nghề trong đó có 6 nghệ nhân nghề mộc mỹ nghệ; 18 nghệ nhân nghề sinh vật cảnh. Đến năm 2016, toàn huyện Hải Hậu đã xây dựng và phát triển được thêm 39 làng nghề mới với đa dạng các ngành nghề như: mộc mỹ nghệ, dệt chiếu, kéo sợi PE, chế biến lương thực - thực phẩm, sinh vật cảnh, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản. Nhiều làng nghề được duy trì, phát triển ổn định, có số lao động và doanh thu làm nghề chính tăng dần theo các năm như: nhóm nghề mộc mỹ nghệ tại các xã: Hải Minh, Hải Đường, Hải Trung, Hải Vân, Hải Long, Hải Anh...; nghề mộc truyền thống ở làng Phạm Rỵ phát triển đã thu hút 383 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc Phạm Rỵ là các loại đồ mộc gia dụng và đồ gỗ mỹ nghệ để xây dựng các công trình văn hóa tâm linh. Với bí quyết lâu năm và tài hoa của những người thợ lành nghề làng Phạm Rỵ từ khâu xẻ gỗ, thiết kế đến thi công sản phẩm sao cho tiết kiệm nguyên liệu nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm nên năng suất lao động thường cao hơn nơi khác. Nhờ đó, các sản phẩm của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh trong huyện, trong vùng và cả miền Bắc. Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề năm 2016, cơ cấu kinh tế của xã tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 28,8%; sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ tăng lên 71,2% trong cơ cấu kinh tế. Hằng năm, các hộ sản xuất trong làng nghề mộc mỹ nghệ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh thường đạt thu nhập bình quân từ 200-500 triệu đồng, riêng 8 hộ sản xuất lớn có thu nhập từ 750 triệu đến 1 tỷ đồng. Không chỉ phát triển mạnh ở các làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề mộc mỹ nghệ mới được UBND huyện công nhận cũng có những bước phát triển khả quan.

Hai làng nghề mộc truyền thống của xã Hải Anh là Đông Hữu, Cồn Thịnh đã tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động với tổng số 213 hộ sản xuất, bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Làng Kim Thành của xã Hải Vân có gần 150 hộ trong tổng số 350 hộ dân làm nghề mộc với khoảng 400 thợ chính, hàng trăm thợ phụ, học nghề. Không chỉ nhóm làng nghề mộc mỹ nghệ, nhiều làng nghề khác như: kéo sợi PE và dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long; sản xuất bánh kẹo ở Thị trấn Yên Định… đều có số lao động làm nghề chiếm từ 80-90% số lao động của làng, doanh thu các năm đều đạt từ 15-20 tỷ đồng/năm; chiếm trên 80% doanh thu của làng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công 2 làng nghề nuôi trồng thủy sản tại các xã: Hải Chính, Hải Châu mới được công nhận trong năm 2013 có số lao động và doanh thu đều đạt từ 85-90% tổng số lao động, doanh thu của làng; 5 làng nghề trồng cây dược liệu; 2 làng nghề xây dựng. Nhóm 20 làng nghề sinh vật cảnh tuy còn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm nhưng nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng, là động lực quan trọng góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của nhiều địa phương.

Trên cơ sở rà soát, phân tích và căn cứ vào tình hình thực tế, vừa qua, BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành đề án “Phát triển CN-TTCN, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 6.872 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,5 lần so với năm 2015; phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ trọng 35,3% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 10-12 nghìn lao động có việc làm thường xuyên tại các cụm, điểm công nghiệp; duy trì số lượng 10 nghìn lao động trong các làng nghề và thu hút thêm từ 5.000-7.000 lao động mới. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn ít nhất có 1 làng nghề, mỗi gia đình có một nghề.

Năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt trên 2.139 tỷ đồng, vượt 20,2% so với kế hoạch và tăng xấp xỉ 40% so với năm 2015. Khép lại năm 2016, mặc dù còn những vấn đề cần quan tâm trong khuyến khích phát triển làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững, song không thể không ghi nhận những đóng góp quan trọng của nó với vai trò là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của huyện Hải Hậu theo hướng công nghiệp hóa; giải quyết việc làm, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa, xã hội, xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com