Chuyển biến trong phát triển kinh tế ở Nghĩa Phong

09:01, 13/01/2017
Những năm qua, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, nguồn lao động để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Từ chỗ là xã thuần nông, đến nay, Nghĩa Phong đã phát triển đa ngành nghề phi nông nghiệp như: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, tàu cá vỏ gỗ; mộc dân dụng, cơ khí, may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng… Năm 2016, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt 15,86%; góp phần nâng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ chiếm gần 65% cơ cấu kinh tế toàn xã. 
Đóng tàu cá vỏ gỗ tại cơ sở Trường Dinh, xã Nghĩa Phong.
Đóng tàu cá vỏ gỗ tại cơ sở Trường Dinh, xã Nghĩa Phong.
Từ năm 2010 về trước, với vị trí địa lý thuận lợi “cận lộ, cận giang” nhưng xã Nghĩa Phong cơ bản thuần nông, kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Xã có tổng số dân  trên 8.200 người, trong đó có gần 3.500 người trong độ tuổi lao động; năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của xã mới đạt trên dưới 10 triệu đồng. Vì thế, thời điểm nông nhàn, hàng trăm lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước tình hình đó, Đảng uỷ, UBND xã đã triển khai nhiều biện pháp phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt tập trung phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN thành ngành kinh tế mũi nhọn, là bước đột phá để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân… Để thực hiện được mục tiêu đó, xã Nghĩa Phong đã tập trung hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất với vùng đất công được quy hoạch gọn để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương giải tỏa mặt bằng cho nhà thầu thi công nhanh chóng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình: tỉnh lộ 490 (đoạn qua địa bàn xã dài trên 5km); đường Giây Nhất (khoảng trên 3,5km); đường Hồng - Hải - Đông dài 2,5km… để tạo thêm lợi thế phát triển kinh tế. Để tạo nguồn vốn cho người dân đầu tư, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng cho người dân vay vốn đầu tư. Đến nay, với tổng dư nợ cho vay trên 46 tỷ đồng với 1.024 lượt hộ vay. Hằng năm, xã Nghĩa Phong đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức lớp dạy các nghề: may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động tham gia. Nhờ tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, xã Nghĩa Phong từng bước phá được thế “độc canh nông nghiệp”, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn với nhiều nghề thế mạnh như: may công nghiệp; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, đóng tàu gỗ, xây dựng dân dụng, mộc dân dụng và mỹ nghệ, cơ khí… Được sự quan tâm tạo điều kiện của xã, đến nay, nghề may công nghiệp đã phát triển mạnh ở xã Nghĩa Phong với tổng số 16 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với quy mô từ 20-50 lao động/cơ sở. Ngoài nhận hợp đồng gia công cho các doanh nghiệp may công nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh, trên địa bàn xã đã có doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu ký gửi sản phẩm sang các nước trong khối ASEAN. Các doanh nghiệp, cơ sở may công nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho gần 700 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Bên cạnh nghề may công nghiệp, phát huy lợi thế có vùng đất bãi sông Ninh Cơ rộng, xã chủ trương phát triển mạnh nghề đóng tàu (với 2 mũi nhọn là: đóng tàu cá vỏ gỗ và đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy) và sản xuất vật liệu xây dựng. Hoàn thành xây dựng và hoạt động liên tục gần 7 năm nay, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen, Cty TNHH Công nghiệp và Thương mại Nghĩa Hưng đã tạo việc làm thường xuyên cho 70-100 lao động với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trong lĩnh vực đóng tàu, 2 doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy trên địa bàn năm 2016 vừa qua đã hạ thủy được 5 phương tiện đóng mới có tải trọng từ 500-1.000 tấn và sửa chữa được hàng chục phương tiện có tải trọng đến 2.000 tấn. Chính thức bước vào hoạt động từ tháng 1-2016 trên diện tích bãi sông Ninh Cơ rộng gần 4ha (thuộc thôn Thành An), đến nay, Cty TNHH An Đức Phát đã hoàn thành và hạ thủy được 4 phương tiện vận tải thủy có tải trọng từ 500-800 tấn. Để có được năng lực sản xuất đó, Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị hệ thống cẩu công suất 30 tấn, xe nâng 3 tấn và lắp đặt trạm biến áp công suất 400KVA… Nhờ đầu tư đồng bộ, kỹ thuật tốt, trong tháng 12-2016, Cty đã ký được hợp đồng đóng mới tàu vận tải pha sông biển có tải trọng 8.200 tấn cho khách hàng ở tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại, Cty đang huy động tối đa mặt bằng, nhân lực để khẩn trương thực hiện các công đoạn: hàn, lắp thân ống; block mũi tàu, lái; hoàn thiện các chi tiết… Dự kiến, với trên 50 công nhân làm việc liên tục các ngày trong tuần, đến tháng 6-2017, Cty sẽ hoàn thành và bàn giao tàu vận tải 8.200 tấn trị giá trên 80 tỷ đồng (dài 98m; rộng 19m, cao 9m) cho khách hàng. Liền kề với Cty TNHH An Đức Phát, Cty TNHH Minh Quý, diện tích gần 2ha cũng đang khẩn trương hoàn thiện 1 tàu vận tải biển tải trọng xấp xỉ 1.000 tấn để bàn giao cho khách hàng và đang triển khai đóng mới 1 tàu tải trọng 1.100 tấn. Ngay sát bến phà Thịnh Long, cơ sở đóng tàu cá vỏ gỗ Trường Dinh của anh Cao Xuân Trường hiện đang thi công đồng loạt 13 tàu cá chịu được sóng gió cấp 7-8. Trong đó có 5 tàu đang bước vào những công đoạn hoàn thiện cuối cùng và bàn giao trong tháng 1-2017; 8 tàu còn lại sẽ hoàn thiện trong quý II-2017. Cơ sở hiện có trên 20 lao động thường xuyên với bình quân thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.  
 
Phát triển đa dạng ngành nghề CN-TTCN để giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho lao động nông thôn đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của xã Nghĩa Phong. Thời gian tới, xã Nghĩa Phong tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương với mục tiêu năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đạt trên 100 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2,5%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14-15%./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com