Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

04:12, 03/12/2016
Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và những khó khăn, vướng mắc về vốn, thị trường tiêu thụ… nên tình trạng các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng vẫn còn xảy ra. Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đã có 236 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm dệt may, cơ khí… gặp khó khăn. Ngành công nghiệp dệt may (một trong những mũi nhọn xuất khẩu của tỉnh ta và liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua ở cả giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu và tốc độ đầu tư) trong nửa đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu chỉ tăng 4,8%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước (trên 15%) và bình quân chung của cả nước. 
 
Năng lực đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh chưa được cải thiện đáng kể, đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, giá trị nhỏ, khó thế chấp, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; tài sản cố định, vốn chủ sở hữu không nhiều nên khả năng đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất và xử lý chất thải còn hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa qua đào tạo, kinh nghiệm thương trường, công tác kế toán và phân tích hoạt động kinh doanh của đa số các doanh nghiệp còn rất yếu dẫn đến không xác định được phương hướng đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, số lượng lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao trong đa số các doanh nghiệp còn thiếu nhiều. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào luôn biến động, làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Hơn nữa, kinh tế toàn cầu suy giảm kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước, các yếu tố đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp bị thu hẹp. Phần lớn các doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường khiến sản phẩm tồn kho nhiều, vốn chậm được luân chuyển... Ngoài ra, các khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng, các chi phí phát sinh (giá thuê đất trong các CCN tập trung tăng; chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp tăng 260% so với năm 2010) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 
Sản xuất các loại sợi, vải tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất các loại sợi, vải tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Để tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 9-6-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Đây là động thái thể hiện quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó yêu cầu tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong ba đột phá chiến lược để tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của nghị quyết là đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân. Phấn đấu trong 5 năm tới nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc “tốp” đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3 tỷ USD; đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của nghị quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành 3 văn bản về: cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2017 và định hướng đến năm 2020; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; quy chế về cấp, điều chỉnh quyết định, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “một đầu mối” đối với các dự án đầu tư ngoài KCN. Đặc biệt, ngày 22-9-2016, UBND tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp với các nội dung: các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng phấn đấu giải quyết trong 2 ngày làm việc; rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống dưới 10 ngày; hoàn thành kiểm tra hồ sơ hải quan chậm nhất trong 2 giờ làm việc; giảm 50% thời gian giải quyết một số thủ tục đất đai; giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư ngoài KCN. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành: KH và ĐT, Công thương, TN và MT, Thuế, Ngân hàng… thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền mà ở doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời phổ biến những quy định, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh trong quá trình đầu tư. Với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã có bước cải thiện khả quan cả về số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp và công tác thu hút đầu tư. Trong tháng 9-2016, toàn tỉnh đã có gần 500 doanh nghiệp thành lập mới; lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã phát triển được gần 6.400 doanh nghiệp, gần 500 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký gần 45,4 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả khả quan, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 45 dự án đầu tư trong nước và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 628,8 tỷ đồng và 160,5 triệu USD. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, 11 tháng năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) toàn tỉnh ước đạt gần 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt trên 91,42% kế hoạch năm 2016. Các sản phẩm chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ: bánh kẹo các loại tăng 7,1%; sợi các loại tăng 5,5%; vải các loại tăng 7,9%; quần áo may sẵn tăng 11,5%; giày, dép tăng 5,1%; thuốc dạng viên các loại tăng 4,3%; thuốc dạng lỏng các loại tăng 4,7%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 9,1%; đóng mới tàu thuyền tăng 6%; giá trị xuất khẩu ước đạt 979,5 triệu USD, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2015, trong đó khối các doanh nghiệp địa phương ước đạt 428,4 triệu USD, tăng 7,8%.
 
Để tiếp tục tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh phát triển được trên 10 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,5-2 lần so với năm 2016 (theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 30-6-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp; xây dựng mới các quy hoạch còn thiếu. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển như: KCN Rạng Đông (giai đoạn 1) quy mô 600ha, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định (tại huyện Hải Hậu) công suất 2.400 MW, cầu Thịnh Long, tuyến đường trục phát triển kết nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến quốc lộ ven biển… Kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng KCN Mỹ Trung, xây dựng mới hạ tầng KCN Mỹ Thuận và các khu, CCN khác theo quy hoạch để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. UBND tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, góp phần thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa tỉnh ta bước vào thời kỳ phát triển mới, kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, đời sống nhân dân ngày một nâng lên./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com