Hải Xuân khuyến khích phát triển đánh bắt, nuôi thủy sản

08:11, 29/11/2016
Những năm qua, nghề đánh bắt và nuôi thủy sản tại xã Hải Xuân (Hải Hậu) không ngừng phát triển. UBND xã thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển đánh bắt và nuôi thủy sản; ưu tiên cho bà con ngư dân vay vốn để yên tâm đầu tư phát triển nghề; tăng cường khuyến khích tổ chức các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân.
Thu hoạch cá quả tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cừu, xóm Xuân Hóa, Hải Xuân.
Thu hoạch cá quả tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cừu, xóm Xuân Hóa, Hải Xuân.
Hiện nay trên địa bàn xã có 32 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ và gần bờ. Trong đó, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh Bùi Văn Minh, xóm Hồng Thái đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 2 tàu cá theo Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Anh Minh cho biết: “Chính quyền xã đã có những chính sách ủng hộ, động viên và tạo điều kiện cho người dân chúng tôi vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu cá, có nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển. Ngư dân chúng tôi được tiếp thêm động lực để lao động hiệu quả, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Bên cạnh việc phát triển đánh bắt, khai thác hải sản thì nghề nuôi thủy sản trên địa bàn xã cũng được chú trọng quan tâm. Toàn xã hiện có 52ha nuôi thủy sản cả nước mặn và nước ngọt với tổng sản lượng trung bình hằng năm ước hơn 200 tấn. Hiện nay, Đảng ủy, chính quyền địa phương xã đang quy hoạch chuyển đổi thêm 8ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản để người dân phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Đức Chỉnh, xóm Xuân Hóa có 3ha ao chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, thả xen thêm cá diêu hồng và các loại cá truyền thống. Điều đặc biệt của hộ anh Chỉnh là nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt chứ không phải nước mặn lợ. Trước kia, tại nhiều địa phương đã có những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt nhưng chỉ được 2, 3 vụ thành công, còn những vụ tiếp theo tôm bị dịch bệnh và chết. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và sự nỗ lực tìm tòi học hỏi, anh Chỉnh cho biết tôm rất cần khoáng chất cho quá trình sinh trưởng và phát triển, trong vài vụ nuôi đầu tiên trong ao nước ngọt, chất khoáng trong đất giải phóng ra môi trường, góp phần đảm bảo nồng độ muối khoáng trong nước. Tuy nhiên, sau đó lượng khoáng này suy giảm nên dễ khiến tôm bị dịch bệnh. Chính vì vậy nên bí quyết để nuôi thành công tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt của anh Chỉnh là chủ động bổ sung đầy đủ và đúng cách các khoáng chất cần thiết cho tôm để tôm có thể lột vỏ. Cùng với đó, anh Chỉnh còn tìm tòi ra cách sử dụng thảo dược để chữa và phòng bệnh cho tôm nuôi. Anh áp dụng kinh nghiệm dân gian sử dụng lá cây mật gấu và cây chó đẻ đun sôi lấy nước trộn vào thức ăn cho tôm khi tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh hoặc vào những thời điểm nhạy cảm như thời tiết diễn biến thất thường khó nắm bắt. Đàn tôm của anh Chỉnh phát triển đồng đều, hiệu quả và không bị dịch bệnh. Những con tôm giống anh Chỉnh nhập đã được thuần hóa nước ngọt từ trại giống ở xã Hải Lý (Hải Hậu). Anh Chỉnh cho biết thêm: “Nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt có rất nhiều lợi thế so với nước mặn, quan trọng nhất là ít có mối nguy hiểm về dịch bệnh, do nguồn nước trong vùng nước ngọt không có sinh vật gây bệnh, ngoài ra thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, chỉ 3 tháng mà giá bán lại tốt hơn nhiều so với nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt”. Bên cạnh hộ anh Chỉnh là hộ của ông Nguyễn Văn Cừu, xóm Xuân Hóa. Ông Cừu năm nay đã ở độ tuổi thất thập nhưng ông vẫn say sưa và tâm huyết với việc nuôi cá quả. Hơn 10 năm nuôi cá quả, hiện diện tích ao nuôi nhà ông Cừu là 2ha. Ông Cừu cho biết: “Cá quả có khả năng nhảy phóng rất cao nên quá trình nuôi phải luôn chú ý để tránh bị hao hụt, nhất là khi mưa rào phải luôn chủ động thăm ao vì khi có dòng nước chảy hoặc trời mưa sẽ tạo điều kiện kích thích cá quả nhảy đi”. Ông cho biết thêm hằng ngày nên theo dõi khả năng bắt mồi của cá, nếu cá giảm ăn hoặc lượng thức ăn không tăng là có vấn đề. Hoặc là cá có dấu hiệu bị bệnh, hoặc là môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, thiếu ô-xy, khi đó cần kiểm tra màu nước của ao nuôi để có cách thay nước hợp lý. Ông cũng nhấn mạnh nên chọn mua con giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, con giống không dị hình, trầy xước và đặc biệt là không có dấu hiệu bị dịch bệnh là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định năng suất sau này. Mỗi năm trung bình ông thu hoạch được hơn 10 tấn cá tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Nam Định và các vùng lân cận. 
 
Để khai thác và nuôi thủy sản phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, xã Hải Xuân tiếp tục chú trọng khuyến khích người dân đầu tư đóng mới tàu, thuyền đánh bắt công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất và hiệu quả khai thác, thực hiện kế hoạch hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa với việc thành lập các tổ, đội tàu khai thác trên biển, vừa liên kết hợp tác đánh bắt, vừa giúp đỡ nhau những khi gặp rủi ro, khó khăn. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản để người dân nâng cao chất lượng nuôi thủy sản, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com