Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

08:12, 01/12/2016

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân Nam Định. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH và các loại hình tác động của BĐKH. Để thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra, ngành Nông nghiệp Nam Định đã chủ động đưa ra những giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất, giảm thiệt hại cho người nông dân...

Mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải tại xã Hải Trung (Hải Hậu).
Mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải
tại xã Hải Trung (Hải Hậu).

Nhìn lại hậu quả do BĐKH gây ra

Với 72km bờ biển, diện tích đất nông nghiệp 115 nghìn ha, trong đó diện tích đất trồng lúa gần 80 nghìn ha, hơn 15 nghìn ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), sản xuất nông nghiệp, thủy sản Nam Định đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động xấu do BĐKH và nước biển dâng. Có khoảng 20 nghìn ha đất trồng lúa vùng thấp trũng thường bị ngập úng trong vụ mùa, năng suất thấp; trên 11 nghìn ha đất canh tác chân ruộng cao sản xuất lúa và rau màu hằng năm vào mùa khô đều bị thiếu nước trầm trọng; trên 12 nghìn ha đất canh tác của 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bị ảnh hưởng mặn nặng nên việc canh tác lúa rất khó khăn, nhất là trong vụ xuân. Năng suất lúa ở các nơi này thường giảm 20-30% so với các nơi khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường, hạn hán, mưa bão lớn, úng lụt… làm cho hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng mỗi năm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điển hình như cơn bão số 1 năm 2016 làm hơn 74 nghìn ha lúa mùa bị ngập úng, 8.500ha rau màu dập nát; gần 1.200 con lợn, 44 nghìn con gia cầm bị chết do sập mái, ngập nước chuồng, gần 2.800 chuồng trại chăn nuôi bị sập hoặc tốc mái; 7.500ha NTTS bị thiệt hại… Bão số 1 còn làm sụt, sập, bong xô, hư hỏng 20 đoạn đê, kè hữu sông Hồng, sông Ninh Cơ và đê tả sông Đáy thuộc các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên với tổng chiều dài hàng chục km. Trước đó chưa lâu, trong vụ đông năm 2015, do ảnh hưởng của El Nino, mưa lớn tập trung nhiều vào tháng 11, 12, chỉ tính riêng tháng 11 lượng mưa vùng ven biển đã vượt mức lịch sử trong 50 năm qua làm ảnh hưởng, thiệt hại 299ha cây khoai tây, 143ha cây bí xanh, 11ha cây đậu tương và 223ha cây khác. Còn trong vụ xuân 2014 cũng đã chứng kiến các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 10-2 đến ngày 1-3 khi nhiệt độ bình quân xuống dưới 130C đã gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của mạ, lúa mới cấy và diện tích gieo sạ; đã có tổng 24.482ha lúa bị thiệt hại, trong đó diện tích lúa phải cấy lại 9.303ha. Ở vụ đông năm 2013, đợt mưa lớn giữa tháng 10 làm ảnh hưởng đến 1.445ha cây đậu tương, 852ha cây bí, 134ha cây ngô và hơn 400ha các loại cây khác; sau đó cơn bão số 14 xảy ra vào tháng 11 đã làm gần 4.000ha cây trồng đã bị ảnh hưởng bởi đúng vào thời điểm cây ngô đang trỗ cờ phun râu, cây đậu tương đang thời kỳ ra hoa; đã có 1.194ha cây ngô và 226ha cây đậu tương bị ảnh hưởng; 100ha cây khoai tây trồng sớm bị chết do thối củ… Cùng với các hiện tượng cực đoan về thời tiết, các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đang ngày càng phát sinh với mật độ cao, có diện phân bố rộng hơn và gây thiệt hại mùa màng ngày càng lớn hơn. Mỗi vụ đều có hàng chục nghìn ha lúa bị nhiễm sâu, rầy. Chi phí sử dụng thuốc BVTV hằng năm lên tới trên 200 tỷ đồng, trong khi năng suất cây trồng vẫn bị suy giảm và ô nhiễm môi trường gia tăng. Chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh như: dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm… Đối với NTTS, nước mặn lấn sâu vào nội địa làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thủy sản nước ngọt. Tôm cá ở nhiều vùng nước ngọt vào mùa khô hạn bị chết do nước mặn xâm nhập. Nhiệt độ biến động cũng gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật. Nhiều bãi ngao vào mùa nắng nóng nhiệt độ quá cao khiến ngao chết. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại vào các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Lượng mưa phân bố không đều và không theo quy luật làm môi trường NTTS không đảm bảo dẫn đến năng suất và sản lượng NTTS giảm…

Chủ động ứng phó với BĐKH

Sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, việc tổ chức hỗ trợ, khắc phục thiệt hại chỉ là giải pháp tình thế để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Vấn đề đặt ra cho ngành Nông nghiệp là cần có những giải pháp lâu dài để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường và ngày càng không theo quy luật của thời tiết. Những năm gần đây, cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vấn đề tổ chức sản xuất nhằm ứng phó với BĐKH cũng đã được ngành Nông nghiệp tính đến. Đó là tập trung chuyển đổi cơ cấu, cây trồng và thời vụ; tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu hạn, mặn, úng. Điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh như: vụ xuân tập trung hầu hết vào trà xuân muộn, vụ mùa sử dụng giống lúa ngắn ngày và gieo cấy sớm để tránh thiên tai, giảm tác hại của sâu bệnh cuối vụ. Trong chăn nuôi ưu tiên các giống vật nuôi có khả năng thích ứng cao với môi trường sống rộng. Xây dựng mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong sản xuất thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tỉnh ta đang tập trung nâng cấp toàn bộ tuyến đê kè biển, trước hết là những đoạn đê biển xung yếu và một số đoạn đê sông có nguy cơ sạt lở cao. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi, nhất là cho những vùng đất canh tác bị ảnh hưởng mặn ven biển và những vùng tưới tiêu bằng động lực. Tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, thực hiện tốt công tác trồng và bảo vệ rừng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất… Trong những năm qua, tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp triển khai một số dự án gắn với ứng phó BĐKH như: dự án rừng và đồng bằng (VFD); dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng… Hiện ngành Nông nghiệp và các ban, ngành liên quan của tỉnh đang tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản. Theo đó, tập trung khảo nghiệm, tuyển chọn đưa ra diện rộng các giống cây trồng, vật nuôi, các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính và thích nghi với BĐKH, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, canh tác thân thiện với môi trường. Chú trọng phát hiện, phòng trừ các loại dịch bệnh mới do BĐKH. Áp dụng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh thích hợp để phòng chống và dập dịch bệnh trong điều kiện thay đổi của khí hậu…

Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đó là đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đặc biệt là trồng cây chắn sóng bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng ngập mặn. Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có bằng cách tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng; hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra. Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng…

Bài và ảnh: Thiên Linh (Học viên BC và TT)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com