Siết chặt quản lý hoạt động của các bến bãi vật liệu xây dựng ven sông

07:10, 20/10/2016

Từ khi quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, các ngành, địa phương đã tập trung thực hiện việc phát triển GTVT đường thủy nội địa nói chung và quy hoạch các bến thủy nội địa nói riêng thu hút đầu tư hạ tầng cũng như kiểm soát việc phát triển hoạt động kinh doanh bến bãi tại các tuyến sông. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa đã được các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện khá hiệu quả. Trong năm 2015 và 8 tháng đầu năm 2016, các lực lượng thanh tra đường thủy đã xử phạt hành chính 50 trường hợp với số tiền trên 63 triệu đồng đối với các vi phạm trong việc khai thác bến bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập.

Tại huyện Nghĩa Hưng, qua điều tra ban đầu, toàn huyện có 37 cơ sở đang kinh doanh cát tại các bến bãi ngoài đê sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và tuyến đê biển. Hầu hết các bến bãi ven các tuyến sông (ngoài đê) thuộc địa giới quản lý hành chính của các xã, thị trấn đã hình thành từ nhiều năm nay đều không nằm trong quy hoạch sử dụng đất. Vị trí đất các doanh nghiệp, cá nhân tận dụng làm bến bãi đều là các loại đất bằng chưa sử dụng, đất mặt nước hoang (thùng đào) do lấy đất ấp trúc đắp đê, do các hộ gia đình, cá nhân đã khai thác đất làm gạch thuộc diện phải tự tháo dỡ lò gạch thủ công và đất thuộc hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi (sông, kênh, cống qua đê) được các hộ thuê làm mặt bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. UBND các xã, thị trấn đều có kế hoạch giao khoán, ký hợp đồng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp thuê đất với thời hạn từ 1-5 năm. Một số chủ hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng không đúng loại hình kinh doanh vẫn hoạt động kinh doanh cát, không làm thủ tục điều chỉnh cấp đổi giấy phép kinh doanh, kể cả những hộ chuyển đổi từ lò gạch thủ công, lò vôi sang kinh doanh cát, đá và các loại vật liệu xây dựng khác. Không chỉ ở huyện Nghĩa Hưng, theo thống kê của Sở GTVT, hiện toàn tỉnh có 284 vị trí bến thuộc các sông Trung ương quản lý, hoạt động khai thác chủ yếu trong các lĩnh vực bốc xếp hàng hóa, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa đóng mới phương tiện được phân bố theo các tuyến sông. Trong đó, có 219 bến hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép…). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 144 bến được cấp phép, có tổ chức hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng, chủ bến nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước; các bến còn lại hoạt động không phép, hình thành tự phát chủ yếu dựa vào các điều kiện tự nhiên sẵn có, phục vụ nhu cầu xếp dỡ vật liệu của một số khu vực dân cư. Trong đó, một số bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ cầu, đường bộ, hành lang bảo vệ đê điều, một số bến có các hành vi cải tạo trái phép gây ảnh hưởng đến dòng chảy; chủ bến không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh bến bãi, tàu thuyền ra vào bốc xếp hàng hóa chủ yếu là các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện chuyên chở đường bộ ra, vào các bến bãi thường xuyên không chấp hành các quy định tải trọng phương tiện, ATGT, vệ sinh môi trường. Các bến bãi đã được cấp phép về cơ bản đầu tư thiếu đồng bộ, năng lực khai thác, xếp dỡ, kho bãi, giao thông kết nối còn hạn chế. Việc quản lý các phương tiện ra, vào bốc xếp hàng hóa còn thiếu chặt chẽ, nhiều phương tiện không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, tải trọng hàng hóa và các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường. Nguyên nhân của những tồn tại kể trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ bến bãi còn nhiều hạn chế, thậm chí có hành vi chống đối, cố tình trốn tránh, không hợp tác khi bị kiểm tra, xử lý; viện dẫn lý do các phương tiện trên bến ngừng hoạt động hoặc bến mới đi vào hoạt động, chưa tiếp cận được quy hoạch và những thủ tục cần thiết khi mở bến bãi. Công tác quản lý hoạt động các bến, bãi còn nhiều hạn chế; các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa nỗ lực vào cuộc thực hiện trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Điển hình như đối với tình trạng vi phạm ở địa bàn huyện Nghĩa Hưng, UBND các xã, thị trấn tuy đã có báo cáo về tình hình vi phạm của các bến bãi nhưng chưa đề xuất phương án quy hoạch đất làm bến bãi và xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm nghiêm trọng về đê điều, hành lang thoát lũ và công trình thủy lợi. Công tác phối hợp quản lý, xử lý vi phạm giữa các ngành còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, kiên quyết. Lực lượng thanh tra còn mỏng trong khi các bến bãi được khai thác chủ yếu ở các khu vực xa trung tâm dẫn đến khó khăn trong kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm.

Để xử lý, xóa bỏ tình trạng các bến bãi ven sông hoạt động ngoài quy hoạch làm ảnh hưởng đến đê điều, cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ; UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực vào cuộc, nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình; siết chặt quản lý hoạt động bến bãi ven sông. Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Tích cực hướng dẫn thủ tục mở bến, thủ tục cấp phép hoạt động cho các tổ chức, cá nhân khai thác bến tại những vị trí nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép. Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành; thường xuyên kiểm tra xử lý các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến ngoài quy hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ kết cấu các công trình đường thủy, cầu, đường bộ. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung, tỉnh  Nam Định nói riêng, kết nối các phương thức vận tải và nâng cao năng lực xếp dỡ các bến, cụm qua bến, phát huy cao nhất lợi thế ngành đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu, phân cấp quản lý việc cấp, cấp lại giấy phép, đình chỉ hoạt động với các bến thủy nội địa cho các huyện theo địa phận quản lý hành chính để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com