Người mang nghề về làng

08:10, 14/10/2016

Sau nhiều năm miệt mài lao động, trải qua bao vất vả, khó khăn để gây dựng, đến nay chị Vũ Thị Hằng ở xóm Minh Đức, thôn Đông Hạ, xã Trung Đông (Trực Ninh) đã thành lập được doanh nghiệp chuyên sản xuất, may cắt các loại quần áo bảo hộ lao động, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 40 lao động địa phương và hàng chục hộ gia đình ở trong xóm, ngoài làng.

Chị Vũ Thị Hằng (bên phải) thường xuyên hướng dẫn người lao động đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật trong sản xuất sản phẩm.
Chị Vũ Thị Hằng (bên phải) thường xuyên hướng dẫn người lao động đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật trong sản xuất sản phẩm.

Trò chuyện với chúng tôi về quá trình “lập nghiệp” của mình, chị Hằng cho biết: Để có được doanh nghiệp May Hiệp Hằng phát triển như ngày hôm nay, chị đã phải nỗ lực vượt qua biết bao gian nan, thử thách, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc… Nhớ lại những năm 1995-1996, khi đó mới hơn 20 tuổi, như nhiều chị em ở quê, chị Hằng quyết định Nam tiến tìm kiếm việc làm những mong thay đổi và có được cuộc sống khấm khá hơn. Chân ướt, chân ráo đến chốn “phồn hoa đô hội” chị choáng ngợp và lo lắng vì chẳng biết làm gì bởi trình độ, nghề nghiệp thì không có, bản thân lại chẳng quen biết ai. Những khó khăn đó chị chẳng thể hình dung được trước khi quyết định bước chân ra đi, “nhưng chẳng nhẽ mọi người sống được mà mình thì không” - chị Hằng suy nghĩ như vậy và quyết định dấn thân, bước tiếp. Sau khi tìm được chỗ trọ, ngay hôm sau chị bắt đầu tìm việc làm, từ những việc đơn giản để có tiền sống như rửa bát, nhặt rau thơm, rồi chạy bàn ở nhà hàng… Chấp nhận vất vả để có tiền lo cho bữa ăn hằng ngày, trả tiền phòng trọ và đi học thêm nghề may giữa chốn “đất chật, người đông” đó. Suốt hơn 3 năm đằng đẵng miệt mài làm thuê cho hết nhà hàng này đến quán ăn kia, chị Hằng vẫn không ngừng nỗ lực làm việc, chắt chiu, tích cóp từng đồng để lo toan cho cuộc sống và học nghề. Rồi chị Hằng bắt đầu có thêm những người bạn và các mối quan hệ mới. Khi đã “thạo” nghề may, chị quyết định xin làm công nhân ở một doanh nghiệp may mặc có tiếng ở quận Gò Vấp. Do đã biết nghề may, lại chăm chỉ chịu khó và nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc nên chỉ sau một thời gian ngắn “thử việc”, chị Hằng đã được bố trí lên chuyền may công nghiệp. Quãng thời gian hơn 3 năm làm việc trong một doanh nghiệp may khá chuyên nghiệp là người ham học hỏi, quan sát giúp chị Hằng tích lũy được nhiều kiến thức trong tổ chức sản xuất, bố trí, sắp xếp lao động cũng như những kỹ năng nghề nghiệp. Đầu năm 2001, chị Hằng đã quyết định rời doanh nghiệp, ra ngoài hùn vốn cùng 2 người bạn khác thuê địa điểm mở cửa hàng may thời trang để vừa phát huy hết năng lực, sự sáng tạo nghề nghiệp, vừa khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Bước sang môi trường kinh doanh mới, với vai trò và trách nhiệm cũng như thách thức, sự cạnh tranh lớn hơn nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng sự khôn khéo đã giúp chị Hằng vượt qua tất cả. Cửa hàng kinh doanh may thời trang không ngừng lớn mạnh, khách hàng đến với chị ngày một đông, chị và những người bạn của mình làm không hết việc phải tuyển thêm 3 người nữa mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Cũng trong thời điểm này, chị Hằng quen và quyết định xây dựng gia đình với anh Bùi Ngọc Hiệp ở cùng quê và cũng vào làm ăn tại Sài Gòn. Cuối năm 2005, sau khi cô con gái đầu lòng ra đời, vợ chồng chị Hằng quyết định rời Sài Gòn trở về quê hương sinh sống. Trở lại miền quê dấu yêu, vợ chồng chị Hằng phải đối diện với bao khó khăn, áp lực là phải làm gì để tiếp tục duy trì cuộc sống và nuôi dạy con cái trưởng thành. Sau bao đêm trăn trở suy nghĩ, tìm tòi, chị Hằng quyết định phát triển tiếp nghề may mà mình đã theo đuổi bấy lâu nay. Mấy năm đầu vợ chồng chị làm nghề tại nhà, chủ yếu cắt may các loại quần áo thời trang theo mùa, phục vụ bà con trong xóm, trong thôn. Vừa làm, vừa tìm kiếm thêm đối tác bạn hàng. Đầu năm 2010, được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngành nghề theo tiêu chí xây dựng NTM, vợ chồng chị Hằng đã quyết định dồn toàn bộ số tiền tích cóp được trong suốt những năm qua và vay Quỹ tín dụng nhân dân Trung Đông 300 triệu đồng để mua 500m2 đất, xây dựng nhà xưởng, trang bị gần 50 máy may công nghiệp, 2 máy cắt bàn, máy giặt, máy in, lò nhuộm… để phục vụ sản xuất các loại quần áo bảo hộ lao động cung cấp cho thị trường. Chị tuyển lao động ở địa phương tổ chức đào tạo nghề tại chỗ, sau đó giao khoán sản phẩm cho từng người sản xuất. Có xưởng sản xuất, chị đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của nhiều khách hàng từ Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng… Mỗi tháng doanh nghiệp của chị xuất xưởng từ 20 đến 30 nghìn bộ quần áo các loại. Doanh thu mỗi năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm cùng giữ chữ tín trong quá trình giao hàng theo đúng hợp đồng nên doanh nghiệp của chị thường xuyên nhận được nhiều đơn đặt hàng của các bạn hàng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động làm tập trung tại xưởng, với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm gia công cho hàng chục hộ gia đình ở các xóm lân cận, giúp các hộ này có thêm thu nhập. Nhiều gia đình ở địa phương rất phấn khởi vì có việc làm phù hợp với hoàn cảnh gia đình, vừa có thu nhập, vừa không phải “ly hương”. Nhiều người dân nơi đây trìu mến nói về chị là người đưa nghề về làng với sự trân trọng và cảm phục về ý chí quyết tâm và nỗ lực vươn lên của chị.

Rời xưởng may của chị Hằng mà trong tôi vẫn cảm nhận rõ niềm vui, sự tin tưởng của những công nhân trong xưởng may bởi hơn ai hết họ hiểu rằng chính sự nỗ lực vươn lên để vượt qua khó khăn, thử thách, gây dựng sự nghiệp của những doanh nhân “trẻ” chị Hằng, anh Hiệp đã tạo ra cho họ cơ hội việc làm để có thêm thu nhập ngay chính trên quê hương mình, để mỗi ngày làm việc mới bắt đầu họ không còn phải canh cánh những nỗi lo thường trực khi phải đi làm xa nhà./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com