Trực Ninh phát triển nuôi thủy sản vùng ven sông

07:08, 25/08/2016
Trực Ninh có địa hình giáp sông Ninh Cơ là lợi thế thiên nhiên ưu đãi góp phần giúp nghề nuôi thủy sản của huyện phát triển vững mạnh, nhất là những xã vùng ven sông.

Đi dọc vùng ven đê từ Thị trấn Cổ Lễ tới xã Trực Mỹ, chúng tôi không thể rời mắt khỏi hình ảnh những lũy tre xanh rì, những ao nuôi cá vuông vức rộng rãi, xung quanh ao là nhãn, vải, bưởi, chuối... đủ loại. Bà con cho biết, trước kia, nhằm tận dụng diện tích đất có nguồn nước sông Ninh Cơ dồi dào phục vụ cho việc tưới tiêu nên vùng đất ven sông này chủ yếu chỉ trồng dâu nuôi tằm. Sau này nghề dâu tằm khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt, phát huy những tiềm năng có sẵn mà thiên nhiên ưu đãi. Xã Phương Định là một trong những xã có nhiều hộ nuôi thủy sản vùng ven đê với trên 50 hộ, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Năm, Vũ Văn Thọ, Lã Văn Thú… Hộ của ông Nguyễn Văn Năm là một trong những hộ nuôi có diện tích và quy mô lớn nhất vùng. Chuyển sang nuôi thủy sản đã chục năm nay, ông Năm cho biết: “Có được mô hình khang trang như hiện nay, vợ chồng tôi đã rất vất vả. Để chuyển đổi từ diện tích trồng dâu sang nuôi thủy sản, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và dồn thêm khoản tiền dành dụm được tất cả là 200 triệu đồng để đào ao, đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển sang nuôi cá”.

Chăm sóc ao cá tại hộ gia đình ông Lã Văn Chẩn, xã Trực Đạo.
Chăm sóc ao cá tại hộ gia đình ông Lã Văn Chẩn, xã Trực Đạo.

Hiện nay trang trại của ông Năm có 5 mẫu ao nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá chép… Bên cạnh đó ông còn kết hợp nuôi 500 con vịt, 200 con gà và 20 con lợn. Bằng sự cần cù lao động, học hỏi không ngừng nên mỗi năm, trung bình gia đình ông thu được 700-800 triệu đồng từ trang trại. Năm 2010, trang trại của gia đình ông Năm đã được công nhận đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Tiếp tục đi dọc tuyến đê, chúng tôi ghé thăm trang trại của ông Lã Văn Chẩn, xã Trực Đạo. Giống như gia đình ông Năm, ông Chẩn cũng rất khó khăn vất vả trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2008 ông nhận đất là bãi dâu hoang sơ nên ông phải đầu tư hơn 100 triệu đồng, từ thuê máy xúc san ghềnh, lấp trũng, đào ao, xây dựng hệ thống bờ ao vuông vắn, kiên cố. Đến nay, qua quá trình đầu tư, trang trại của ông khá khang trang với 2 mẫu ao nuôi cá, hệ thống chuồng nuôi 30 con lợn và 300 con gà. Ông Chẩn cũng như đa phần các hộ nuôi vùng ven đê đều không sử dụng thức ăn công nghiệp mà sử dụng cỏ và tận dụng phân lợn làm thức ăn cho cá, nhờ đó vừa giảm được chi phí về nguồn thức ăn, vừa đảm bảo chất lượng thịt cá luôn thơm ngon và an toàn. Tất cả sản phẩm cá, lợn hay gà của trang trại đều được thương lái đến tận nơi thu mua. Cứ “túc tắc” như vậy, mỗi năm gia đình ông cũng thu hoạch được hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi đến trang trại của ông Nguyễn Văn Ban, xã Trực Chính khi ông Ban đang cắt cỏ chuẩn bị cho cá ăn. Được hỏi về những thiệt hại sau cơn bão số 1 gây ra, ông Ban cho biết, trang trại của ông hầu như không bị thiệt hại gì nhờ ông đã có biện pháp phòng tránh kịp thời. Sau cơn bão, ông tích cực cải tạo, xử lý nguồn nước, liên tục cho bơm nước trong ao ra, rồi bơm nước từ sông vào. Cứ như vậy cho đến khi thấy nước đã trong sạch thì thôi. Chính vì thế nên đàn cá của ông vẫn phát triển hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Ban chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,5 mẫu ao, mỗi năm tôi thu hoạch 2 lần, cá nuôi chủ yếu là các đối tượng cá truyền thống. Trong thời gian tới, gia đình tôi dự định tiếp tục đầu tư vốn, mở rộng diện tích ao nuôi, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm để nâng cao giá trị kinh tế hơn nữa”. Riêng cá, mỗi năm gia đình ông cung cấp cho thị trường 2 tấn cá thịt với giá trị hơn 200 triệu đồng. 

Những năm qua, nghề nuôi thủy sản vùng ven sông ở huyện Trực Ninh phát triển không ngừng. Những trang trại khang trang, rộng rãi ngày càng nhiều. UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo các xã, thị trấn ven sông như Trực Chính, Trực Đạo, Phương Định, Cổ Lễ, Trực Khang… tạo mọi điều kiện khuyến khích người nuôi phát triển nghề, xây dựng trang trại, gia trại; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, mời các cán bộ thủy sản về hướng dẫn các kỹ thuật phù hợp, cụ thể cho người dân để bảo đảm chất lượng, hiệu quả nuôi thủy sản. Với các chính sách đồng bộ trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện và những kinh nghiệm trong thời gian qua nghề “canh trì” vùng ven sông Trực Ninh sẽ phát triển mạnh hơn nữa./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com