Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Yên Đồng

07:08, 23/08/2016
Trong giai đoạn 2011-2015, xã Yên Đồng (Ý Yên) đã tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn bằng các biện pháp: thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong xã đầu tư thiết bị, công nghệ để mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Nhờ đó, năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã đã được nâng lên mức 29,5 triệu đồng/năm; 92% số lao động qua đào tạo có việc làm thường xuyên.

 Để phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xã Yên Đồng đã tổ chức rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương như: nằm liền kề các địa phương có nghề truyền thống hoặc phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN như: Yên Tiến, Yên Trị; nguồn lao động dồi dào (có 8.250 lao động trong độ tuổi)… và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch tập trung gọn vùng toàn bộ diện tích đất công để xây dựng các công trình phúc lợi và dành cho phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề từ các nguồn được hỗ trợ kinh phí như: Đề án 1956, khuyến công cũng được chú trọng. Mỗi năm, xã đã tổ chức được từ 2-3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu) miễn phí cho gần 100 lao động địa phương. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến đầu tháng 8-2016, tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng (Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH và Quỹ TYM) của xã đã đạt trên 64,6 tỷ đồng với gần 1.000 lượt hộ được vay. 

Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành và phát triển được đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN với 7 doanh nghiệp, 39 tổ hợp sản xuất các nghề: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến gỗ, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng dân dụng… tạo việc làm thường xuyên và thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng cho gần 2.100 lao động địa phương; có 221 hộ gia đình tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ. May băng giang thành các sản phẩm tiêu dùng từ nguyên liệu tre nứa là nghề truyền thống của xã Yên Đồng. Sau một thời gian trầm lắng, chỉ sản xuất quy mô nhỏ, lẻ và cung ứng cho thị trường nội địa, khoảng 20 năm trở lại đây, nghề may băng giang của xã có sự phát triển mạnh trở lại nhờ một số cơ sở đã nhanh nhạy tìm cách thay đổi mẫu mã sản phẩm, sáng tạo nhiều sản phẩm tiêu dùng từ băng giang như: hộp, khay, đệm... với nhiều màu sắc bắt mắt, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của trường. Tiêu biểu là cơ sở của ông Đào Hữu Xuyên, thôn Tiến Thắng. Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Xuyên có gần 20 chủng loại mẫu mã sản phẩm các loại từ mũ, đệm chùi chân, giỏ, túi, hàng lưu niệm… sản xuất từ băng giang xuất khẩu sang các nước: Bra-xin, Mê-hi-cô, Nhật Bản… Cơ sở hiện có gần 50 hộ nhận gia công sản phẩm (mỗi hộ từ 2-4 lao động), với sự trợ giúp đắc lực của các loại máy may công nghiệp, bình quân một ngày một lao động sản xuất được từ 150-160 sản phẩm, giá trị ngày công đạt khoảng trên 200 nghìn đồng/người/ngày. 6 tháng đầu năm 2016, cơ sở của ông đã xuất được trên 300 nghìn sản phẩm đệm chùi chân sang thị trường Bra-xin và trên 15 nghìn sản phẩm mũ nan sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh nghề may băng giang, nghề may công nghiệp sản xuất các loại trang phục và các sản phẩm bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, tấm vải lau máy…) của xã cũng phát triển với gần 20 tổ hợp sản xuất quy mô từ 15-30 lao động. Nhiều cơ sở lớn thường xuyên thu hút từ 70-100 lao động như cơ sở may, dệt sản phẩm bảo hộ lao động của các ông: Vũ Viết Long, Vũ Viết Tranh, Vũ Viết Chiến đều ở xóm 18… Bắt đầu tham gia sản xuất mặt hàng bảo hộ lao động từ năm 2006 với điểm xuất phát chỉ 10 máy may công nghiệp, bằng phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, cơ sở sản xuất của ông Long đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Xưởng may có diện tích trên 600m 2, lắp đặt 100 máy may công nghiệp và các loại máy cắt, máy dập định hình, mỗi tháng cơ sở sản xuất được khoảng 200 nghìn sản phẩm các loại xuất cho các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh (Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam) và các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Cơ sở hiện thu hút gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở của ông Tranh đầu tư 70 máy may công nghiệp, 20 máy dệt tự động chuyên dệt găng tay bảo hộ từ sợi. Với công suất tối đa khoảng 280 đôi/máy, mỗi tháng cơ sở sản xuất được từ 150-170 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho gần 80 lao động địa phương. Bên cạnh đó, các nghề: chế biến gỗ, sản xuất trang phục, xây dựng dân dụng, cơ khí… cũng phát triển mạnh. Nghề chế biến gỗ tập trung ở thôn An Trung với gần chục cơ sở, trong đó có một số cơ sở lớn quy mô từ 20 lao động tập trung trở lên như các ông: Nguyễn Văn Đông, Bùi Văn Đãi, Bùi Văn Ngưỡng. Thu nhập của lao động nghề mộc thường đạt từ 4,5 đến trên 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất trang phục, may băng giang tập trung ở các thôn: Lấp, Tiến Thắng… Ngoài ra, thôn nào cũng có hàng chục đội thợ xây thường xuyên nhận được các hợp đồng xây dựng dân dụng với mức thu nhập bình quân từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày đối với lao động chính, thợ phụ cũng đạt mức thu nhập 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ trên, đến đầu năm 2016, cơ cấu kinh tế của xã Yên Đồng đã có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 45%, CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tăng lên 55%. 
 
Nhờ phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Yên Đồng đã có sự chuyển dịch tích cực, là đòn bẩy để xã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. 6 tháng đầu năm 2016, tổng thu nhập từ sản xuất CN-TTCN của xã đã đạt trên 67 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tiếp theo, xã Yên Đồng tiếp tục thu hút đầu tư, duy trì, phát triển mạnh các ngành nghề đã có và phát triển đa dạng nghề mới để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 33,2 triệu đồng/năm, góp phần thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2017./.
 
Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com