Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển

05:08, 20/08/2016

Tỉnh ta có 72km bờ biển thuộc các huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Những năm qua, kinh tế biển đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Với đóng góp của hoạt động khoa học kinh tế biển của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt và là luận cứ khoa học quan trọng giúp UBND tỉnh, các ngành, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sinh sản nhân tạo giống cá mú tại trại giống thủy sản Đài Hải, xã Hải Hà (Hải Hậu).
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sinh sản nhân tạo giống cá mú tại trại giống thủy sản Đài Hải, xã Hải Hà (Hải Hậu).

Cùng với việc xây dựng nhiệm vụ KHCN theo định hướng phát triển của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở KH và CN đã phối hợp với các Sở NN và PTNT, TN và MT, các địa phương và một số cơ quan chuyên môn về khoa học kỹ thuật biển thảo luận chọn nghiên cứu những vấn đề mấu chốt thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Theo đó, nhiều nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa quyết định hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển được đề xuất thực hiện như: Thiết lập cơ sở dữ liệu hệ sinh thái vùng triều ven biển tỉnh Nam Định; nghiên cứu khảo sát, đánh giá vùng đất ngập nước và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản vùng đất ngập nước ven biển; nghiên cứu đánh giá tác động của biển tới sinh kế của ngư dân tại các vùng thường bị ảnh hưởng của thiên tai và nước biển dâng; điều tra nguồn lợi hải sản biển; nghiên cứu chống xói lở bờ biển… Sau nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất nhóm các giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển như: nhóm giải pháp về công trình, cơ sở hạ tầng; tăng cường năng lực quản lý, giám sát tài nguyên biển; phát triển kinh tế biển và tăng cường năng lực thích ứng nhằm giảm thiểu các rủi ro biến đổi khí hậu; bảo tồn các nguồn giống quý hiếm cho nuôi trồng thuỷ sản. Tại cuộc hội thảo giữa Sở KH và CN, NN và PTNT với Viện Nghiên cứu hải sản Trung ương với chủ đề: Ứng dụng KHCN thủy sản vào địa phương, toàn bộ những thuận lợi, khó khăn trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản tại địa phương, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá và lựa chọn đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với địa phương. Tại hội thảo, các bên đã thống nhất chuyển giao tiến bộ công nghệ sinh sản và nuôi thương phẩm một số con nuôi hải sản có giá trị kinh tế cao như cá đối mục, vọp; công nghệ chế biến sau thu hoạch và nghiên cứu quy hoạch hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản tỉnh Nam Định... Kết quả của các đề tài nghiên cứu, các cuộc hội thảo khoa học đã nhanh chóng được Sở KH và CN chuyển giao cho các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển và chủ động ứng phó nhằm hạn chế tối đa những rủi ro do biến đổi khí hậu khu vực ven biển gây ra. Sở KH và CN đã chủ động đề xuất các ngành chức năng, các địa phương và các cơ quan nghiên cứu của Trung ương hỗ trợ tỉnh ta triển khai các dự án khoa học ở cả 3 lĩnh vực cơ bản của kinh tế biển là nuôi trồng, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển. Tiêu biểu như các dự án: Nghiên cứu chỉnh trị sông Ninh Cơ tăng khả năng thoát lũ và năng lực vận tải thủy, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Ứng dụng công nghệ ra-đa địa thám phát hiện mối mọt thân đê; Ứng dụng công nghệ GIS điều tra lớp phủ thực vật khu vực ven biển; Bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản thân mềm vùng bãi bồi Xuân Thủy; Thử nghiệm nhân giống bần Mi-an-ma tại vùng bãi bồi huyện Nghĩa Hưng; Nghiên cứu nâng cao khả năng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khu vực ven biển của Bộ đội Biên phòng cùng hàng chục dự án sản xuất nhân tạo giống các loại hải sản chủ lực cũng như thuần hóa các giống hải sản quý bổ sung vào cơ cấu con nuôi của tỉnh. Trong đó, dự án xây dựng mô hình nuôi trồng, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thân mềm vùng bãi bồi Xuân Thủy đã đưa ra các tiêu chí và quy trình chọn, thiết kế bãi nuôi; kỹ thuật chọn giống, thả giống và chăm sóc ngao giống. Sau 15 tháng ứng dụng công nghệ mới đã góp phần làm tăng tỷ lệ sống, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của ngao nuôi. Ước tính giá trị lợi nhuận cho 1ha nuôi ngao trắng đạt 160 triệu đồng và ngao dầu là 80 triệu đồng. Qua thực tế mô hình cũng tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt trước đó ở địa phương. Từ thành công này, nhóm tác giả tiếp tục đề xuất các mô hình khai thác, nuôi trồng, bảo tồn và quản lý bền vững khác để tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, hệ sinh thái bền vững khu vực ven biển như: Mô hình cân bằng lợi ích, mô hình nghề cá tổng hợp, mô hình bảo tồn tự nhiên các khu bảo tồn rừng ngập mặn, cỏ biển và bãi giống… Dấu ấn của KHCN trong phát triển kinh tế biển còn phải kể đến các dự án sinh sản nhân tạo con giống hải sản và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm các con giống mới. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ duy nhất có Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung đi nghiên cứu sản xuất ngao giống, đến nay đã có trên 40 doanh nghiệp khác trên địa bàn chủ động được công nghệ sản xuất con giống phục vụ nuôi trồng tại địa phương và cung ứng cho các tỉnh bạn. Cũng bắt đầu từ con ngao mà nhiều doanh nghiệp đã thử nghiệm sinh sản nhân tạo, hoàn thiện quy trình nuôi các con giống quý khác như cá song, cá sủ đất, cá đối mục, sò huyết, tu hài… đưa tỉnh ta trở thành một trong những trọng điểm cung ứng con giống thủy sản lớn nhất miền Bắc. Tiến xa hơn nữa, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp nuôi thủy hải sản ở các huyện ven biển còn đầu tư, nghiên cứu nuôi thủy sản công nghệ cao các con giống tôm chân trắng, cá mú, tu hài, sò huyết và hoàn thiện kỹ thuật phối hợp một số giống hải sản trong một ao nuôi để tận dụng hết ưu điểm của các loài. Ví như trồng rong câu chỉ vàng trong ao nuôi tôm sú, tôm rảo; nuôi phối hợp cá đối mục, cá rô phi với tôm chân trắng để cá tận dụng hết thức ăn thừa trong ao nuôi, giúp cân bằng môi trường nước…

Những kết quả của các đề tài, dự án KHCN ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng vào thành công trong phát triển kinh tế biển. Để tiếp tục phát huy vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế biển, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Trung ương trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế biển. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng kinh tế biển, hiện đại hóa vùng nuôi và đặc biệt là chuyển giao công nghệ chế biến hải sản để nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, đánh bắt của địa phương. Bên cạnh đó cũng chú trọng việc bảo tồn, phát triển nguồn giống bản địa nhằm duy trì hệ sinh thái, hình thành thương hiệu những con giống thủy sản đặc trưng riêng của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com